Trên vỉa hè:

Những điểm ký ức

 09:51 | Thứ năm, 11/08/2022  0
Lần này trở lại phố đi bộ Nguyễn Huệ, nhìn tụi nhỏ nhảy hip-hop, mà bạn rơi nước mắt. Không phải vì màn trình diễn có đoạn gây xúc động, mà vì tuổi trẻ hừng hực sức sống của tụi nó khiến bạn nhớ về hai mươi năm trước, cũng trên vỉa hè này, bạn đã từng có một tuổi trẻ...

Hai mươi năm trước, chưa có phố đêm Nguyễn Huệ, hàng quán chưa lộng lẫy như bây giờ nhưng nghề báo mà bạn mưu sinh lúc ấy cũng chưa... chán như bây giờ. Vì thế, bạn là một người mang trái tim say mê nhiệt huyết. Bạn được tòa soạn giao việc thâm nhập và ghi nhận đời sống phố đêm Sài Gòn. 

Và rồi bạn bước ra đường cùng một đứa bạn quê rình ở miền núi xuống (cũng với trái tim nhiệt huyết say mê như bạn), đi khám phá phố khuya viết bài cho tờ báo. Những ngõ ngách, quán rượu, quầy bar, phố balô, hàng quán khuya vỉa hè và những phận đời nổi trôi... trải lên mặt báo thật sôi động.

Một Sài Gòn trong mắt của hai người trẻ năng nổ của thời chưa có Facebook, Zalo, Instagram, chưa có cả Yahoo 360 - thiệt đẹp và trong trẻo. Loạt bài “by night” về một thành phố hẳn chưa phải là một tác phẩm kinh điển trong tàng thư viết về Sài Gòn đêm, nhưng xác lập những dấu mốc kỷ niệm về nghề, xa hơn, là mở lối để hai kẻ mơ mộng tiếp tục hòa nhập vào đời sống thành phố này về đêm, để sống và trải nghiệm, không phải để viết.

Rồi cũng đến cái đoạn phải diễn ra như một cuộc tình buồn, bạn theo chồng sang Hoa Kỳ, để lại ông bạn đầu óc còn chờn vờn mây xứ núi loay hoay một mình với những câu chuyện Sài Gòn chẳng đâu vào đâu.

Không gian âm nhạc đường phố trước Bưu điện Thành phố một sáng cuối tuần tháng 5.2022.


Hai mươi năm sau, vỉa hè đại lộ Hàm Nghi không còn gánh cháo gà, thay bằng những tiệm cà phê franchise (nhượng quyền), những quán bia khuya ở phố đi bộ Bùi Viện không còn những mặt tiền khiêm tốn kê mấy dãy bàn cho khách uống bia mà thay bằng các quầy hút shisha kéo ra vỉa hè và nhạc sàn vang dội, quán hủ tíu mì “thần thánh” đối với cánh phóng viên trẻ nằm lùi trong cái ngách có giàn bông giấy trên đường Trần Cao Vân gần hồ Con Rùa cũng dẹp tiệm lâu rồi... Và nữa, ông bạn đầu đầy mây xứ cao nguyên bây giờ trở thành một kẻ trung niên nhìn đời mỏi mệt, đôi khi nghiệt ngã, bởi y sống nhiều với thì quá khứ nên chẳng thấy ăn nhập gì vào thực tại của một thành phố đang đổi thay.

Bạn ở cạnh phố đi bộ để buổi sáng có thể đẩy cửa khách sạn đứng nhìn bầy chim bồ câu sà xuống, những người đạp xe thể dục ngồi lại chuyện trò, những chiều muộn có thể nhìn thấy ánh đèn vàng phủ xuống con lộ mới đang chuẩn bị mở xuống một ga metro và mỗi đêm có thể đi dạo, xem tụi nhỏ chơi nhạc, diễn trò ảo thuật và kết thúc một ngày là những câu chuyện ký ức được ôn lại nơi quầy bar với đám bạn “hồi xuân”.

Sài Gòn vì thế, là một kho tàng của những ký ức tuổi trẻ không ngừng mở rộng, nơi mỗi góc phố, mỗi hàng quán, mỗi con đường, công viên đều có thể là một điểm ký ức của những người từng sống qua hay gắn bó.

Bạn tìm thấy niềm hứng thú hòa nhập vào một Sài Gòn theo cách len lỏi của một người vừa kiếm tìm ký ức, vừa tái khám phá hiện tại của một thành phố không ngừng biến đổi. Các góc phố đã không còn gợi nhiều kỷ niệm, bởi dường như sau hai mươi năm, mọi bức tường đều thay đổi màu sơn, cách trang trí, mọi không gian đều đã biến hình nhiều lần. Khi bạn đưa chiếc iPhone lên chụp cảnh tụi nhỏ nhảy hip-hop trên vỉa hè, bạn đã nhớ lại những đêm săn tìm thực tế để viết phóng sự về những cuộc hẹn sau “chat room” của mạng Y!M (có ai còn nhớ Yahoo Messenger?).

Khi bạn đặt hình ảnh một con ngõ vào app để chỉnh cho ra sắc thái “ngõ sâu không màu” của thời bây giờ, bạn nhớ chiếc máy ảnh kỹ thuật số phân giải thấp đầu tiên mà bạn và gã đồng nghiệp nghễnh ngãng vừa vớt được từ Thương xá Tax và loay hoay một lúc mới cân chỉnh được độ trung hòa màu... Sau những thay đổi có thể nhìn thấy được của phố, của người, là một lớp dung môi thời gian vừa gây choáng ngợp vừa có sức tái hiện những ký ức lành lặn và tươi đẹp của tuổi trẻ thời còn đầy mộng.

Sài Gòn, mới chỉ là một đối chiếu của hai mươi năm thôi mà đã như thăm thẳm xa là vậy, thì huống hồ chi những đối chiếu diễn ra trong tâm trí của tuổi trẻ những năm bảy mươi, sáu mươi, năm mươi của thế kỷ trước. 

Sài Gòn vì thế, là một kho tàng của những ký ức tuổi trẻ không ngừng mở rộng, nơi mỗi góc phố, mỗi hàng quán, mỗi con đường, công viên đều có thể là một điểm ký ức của những người từng sống qua hay gắn bó.

Bạn níu tay áo gã trung niên có khuôn mặt mệt mỏi không còn một gợn mây xứ núi mà nói rằng, hãy dừng lại đây và ngắm nhìn tụi nhỏ. Họ thật vui tươi trong một tiết tấu, nhịp điệu, không gian của thời mới, phải không? 
Như chúng ta, đã từng. 

Bài và ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.