![]() |
Công trường xây ga ngầm Nhà hát Thành phố của tuyến Metro số 1 Bến Thành Suối Tiên. Ảnh: TTXVN |
Thời Pháp thuộc
Giai đoạn 1859 - 1865, công binh Pháp và các đô đốc hải quân lần đầu tiên thiết lập một bản quy hoạch nhằm xác định địa điểm xây dựng các công trình chiến lược. Việc làm này được hậu thế nhận định là “tách một hạt ngọc khỏi vỏ bọc đất đá của nó” bởi họ đã xác định hai tuyến trung tâm chính: tuyến quân sự dọc theo sông Sài Gòn, rạch Thị Nghè và nối tiếp với các khu đầu não trên những mô đất cao ngay dưới chân thành cũ; tuyến thương mại là các khu vực thấp tiếp giáp bờ sông. Đến tháng 11.1861 Toàn quyền Bonnard chỉ thị cho sĩ quan Coffyr thiết lập quy hoạch sát nhập Sài Gòn và Chợ Lớn với quy mô 500.000 dân. Quy hoạch này đã xác định các cấu trúc cơ bản đầu tiên của thành phố với hệ thống các ô bàn cờ thẳng góc, không phân cấp đường xá và hình thành không gian công cộng độc nhất là quảng trường quân sự phía Bắc được bao bọc bởi sông Sài Gòn và nhiều con rạch - kiểu thành phố phòng thủ.Trục đường đi qua khu sình lầy Boresse ở rạch Bến Nghé trở thành trục chính nối Sài Gòn với Chợ Lớn (nay là Trần Hưng Đạo).
Tháng 6.1923 KTS. Hébrard được bổ nhiệm đứng đầu Văn phòng quy hoạch Sài Gòn lập quy hoạch bổ sung hệ thống các quảng trường và chỉnh sửa những điểm giao cắt lớn có vòng xoay nhằm nâng cấp bộ mặt đô thị. Quy hoạch này không thực hiện được do thiếu kinh phí, nhưng ông đã để lại toàn bộ các công trình thuộc phong cách “kiến trúc Đông Dương” nổi tiếng ở Sài Gòn.
Năm 1940 - 1954 Toàn quyền Decoux cử hai kỹ sư Pugnaire và Cerutti lập quy hoạch Sài Gòn - Chợ Lớn nhằm xây dựng 4 khu cư xá chính với 25.000 căn nhà cho 150.000 nhân khẩu (1/3 dân số lúc đó) để giãn dân từ trung tâm (khu cư xá Phú Thọ ở Chợ Lớn có quy mô 30ha cho 10.000 dân, khu Bàn Cờ, khu Chánh Hưng và khu trung tâm). Những năm sau đó, mặc dù dân số tăng mạnh (500.000 dân năm 1946 và 1,6 triệu dân năm 1954), nhưng công cuộc đô thị hóa do bốn khu vực dân cư đó đã xác định ranh giới và cấu trúc chính của thành phố. Năm 1943 quy hoạch Sài Gòn đã hoàn chỉnh với các định hướng chính: phía Tây - phát triển công nghiệp, phía Đông Bắc - phát triển nhà ở và khu dân cư, phía Nam - cảng và kho bãi.
Thời Việt Nam Cộng hòa
Từ 1960, chiến tranh gay gắt diễn ra khắp miền Nam khiến cho bộ phận dân cư không nhỏ chạy vào Sài Gòn tìm cơ hội sống, khiến dân số thành phố nhảy vọt, tác động lớn đến cấu trúc Sài Gòn. Năm 1960 chính quyền Diệm giao KTS. Ngô Viết Thụ quy hoạch tổng mặt bằng Sài Gòn - Chợ Lớn. Quy hoạch này nhấn mạnh không gian của khu vực giữa Sài Gòn - Chợ Lớn với khu dân cư cao tầng có quy mô khổng lồ dạng đường răng hoặc hình dài thẳng tắp theo phong cách quốc tế. Nhưng kế hoạch đó thất bại do không đủ vốn cho cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong thời chiến.
Trước năm 1972, các chuyên gia Mỹ và Tổng cục Gia cư đưa ra năm phương án quy hoạch định hướng cho thành phố Sài Gòn để lựa chọn quy mô và hướng phát triển chủ đạo của không gian thành phố trong tương lai: giải pháp đồng tâm (cụm đô thị); giải pháp hướng tâm theo dạng tia (lan tỏa hình sao); giải pháp lưỡng trục thiên Bắc; giải pháp lưỡng trục thiên Nam; hình thái phát triển dựa vào thực tiễn thành phố với trọng tâm chính là phát triển bán đảo Thủ Thiêm. Đây là mô hình đô thị dạng Doxiadis lập cho 10 triệu dân vốn mới mẻ trên thế giới vì dựa vào lý thuyết của các siêu đô thị. Các phương án đều nhằm tìm hướng phát triển mới cho thành phố đã quá tải và lựa chọn mô hình đô thị tiên tiến nhất bấy giờ, cho một tầm nhìn dài hạn 50 năm. Đáng tiếc do chiến tranh nên chưa có sự lựa chọn phương án chính thức và thành phố tiếp tục nhích dần theo mô hình của phương án 5 - mô hình động, cũng tức là mô hình chưa ổn định, nhưng còn khả năng thích ứng với các tình huống mới của thực tiễn.
Trước 1975, thành phố phát triển chủ yếu về hướng Bắc và sát nhập dần các làng của tỉnh Gia Định cũ; sau đó là về phía Tây và Tây Bắc chứ chưa bao giờ lựa chọn phát triển về phía Nam là vùng đất thấp và là nơi thoát triều của Sài Gòn.
Giai đoạn sau 1975
Sau chiến tranh, khủng hoảng về hạ tầng, nhà ở và các nguồn vốn cho đô thị, các khu dân cư thiếu điện, thiếu nước, thiếu trang thiết bị vệ sinh và y tế cộng đồng làm cho thành phố ngày càng ọp ẹp và quá tải. Từ năm 1985, dưới tác động của chính sách đổi mới, trên thực tế thành phố phát triển mạnh về phía Tây và Tây Bắc với dòng người di cư từ phía Bắc và các tỉnh lân cận.
Năm 1998, đồ án “Quy hoạch chung thành phố đến 2020” được phê chuẩn, định hướng cho thành phố phát triển về phía Nam và Đông Nam, mặc dù đây là lực cản lớn về đầu tư cơ sở hạ tầng do nơi đấy là các khu rừng ngập nước và đất quá trũng. Đây là dấu mốc quan trọng cho thành phố Sài Gòn phát triển thiên Nam, trái ngược tất cả những lựa chọn qui hoạch trước nó. Các khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 4, Nhà Bè... lần lượt ra đời theo định hướng quy hoạch này, góp phần xây dựng diện mạo mới cho thành phố, nhưng để lại không ít lo ngại về xu hướng đô thị hóa đi ngược cấu trúc tự nhiên, cái mới không kế thừa, hài hòa với cái cũ, nảy sinh những xung đột lợi ích trong phát triển đô thị kém bền vững.
Năm 2006, Thành phố thông qua Quy hoạch điều chỉnh phát triển đến 2020, quy hoạch này quyết định thành phố sẽ phát triển theo hướng mở, phi tập trung, đa trung tâm, kết hợp giữa lan tỏa và phát triển theo tất cả các nhánh dọc các trục giao thông lớn, có hệ thống đô thị vệ tinh làm đối trọng. Hướng phát triển chính của thành phố là phía Đông Bắc với Thủ Đức, Thuận An (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai); phía Nam là Nhà Bè, Bình Chánh; ra biển là Cần Giờ. Hướng phụ là Tây Bắc với Hóc Môn, Củ Chi. Dân số dự kiến đến năm 2020 là 10 triệu (6 triệu nội thành và 2 triệu khách vãng lai, 2 triệu ngoại thành).
Cây xanh phải ra đi để nhường chỗ cho công trình hiện đại. Ảnh: CTV
Điều mới là quy hoạch này có đề cập đến quy hoạch cảnh quan kiến trúc đô thị và quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật một cách đồng bộ. Quy hoạch này chứng tỏ sự chấp nhận cơ thể tự phát vốn có trong giai đoạn bùng nổ dân số vừa qua để tìm mô hình mới. Nhưng nó có quá nhiều vấn đề chưa lý giải được: Mô hình không gian chủ đạo nào? Cấu trúc nào? Sự thích ứng điều kiện thực tế nào? Đặc biệt nền kinh tế đô thị nào để lựa chọn phát triển khu dân cư tương ứng với không gian kinh tế không được đề cập đủ để dẫn hướng... Sài Gòn bắt đầu có một hình hài của đô thị phi danh tính, ít tính ổn định cấu trúc.
Quy hoạch này chưa kịp ban hành thì đến 15.1.2007 Viện Quy hoạch TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý điều chỉnh ngay cái quy hoạch vừa được thông qua trước đó 6 tháng!
Tháng 1.2010, Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 với diện tích 2.095km2. Sài Gòn sẽ trở thành “đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước; đầu mối giao lưu quốc tế; trung tâm công nghiệp, dịch vụ đa lĩnh vực của khu vực và Đông Nam Á”, nghĩa là cái gì cũng có! Trong lần điều chỉnh này (chắc chắn chưa phải lần cuối) hướng phát triển vẫn là chùm đô thị, đa tâm và phát triển trên tất cả các hướng. Và lần đầu tiên thành phố được đặt trong mối quan hệ của lý thuyết vùng đô thị: Sài Gòn - Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu - Bình Dương - Bình Phước - Tây Ninh - Long An và Tiền Giang. Chọn mô hình thành phố ở quy mô dân số 10 triệu (nội thành cũ mới là 7,4 triệu), nhấn mạnh đến các yêu cầu cơ bản của quy hoạch hạ tầng kỹ thuật: cao độ khống chế ngập lụt, sạt lở đất, tôn nền bổ sung cho độ lún sau 50 năm, tách các trục giao thông chính ra khỏi dân cư. Vấn đề triều cường và ngập lụt cũng được tính toán, nhưng biến đổi khí hậu nhanh chóng làm nó trở nên lạc hậu trước thực tế gia tăng ngập lụt.
Cần một nghiên cứu hệ thống khác với công cụ quy hoạch hiện hành
Thành phố xác lập hướng phát triển mới về phía Nam nhằm tạo ra sức sống mới cho đô thị, bất động sản, tích tụ dân số trung lưu, kết nối hạ tầng... cũng chính là tạo không gian kinh tế hiện đại. Các hoạt động kinh doanh quốc tế diễn ra nhiều tại trung tâm phía Nam kết nối Sài Gòn với quốc tế, gia tăng giá trị đất đai từ đầm lầy thành đất đô thị cao cấp. Là bài học phát triển đô thị dựa trên nền tri thức toàn diện từ chiến lược, quy hoạch, thiết kế, đầu tư, quản lý và khai thác cho tất cả các mô hình đô thị Việt Nam.
Nhưng cũng phải nhìn nhận những tác động tiêu cực của rủi ro gây ngập lụt cho thành phố mẹ khi đô thị tạo ra bê tông hóa hàng chục ngàn ha, đi ngược lại quy luật của tự nhiên có thể gây lún thành phố mẹ và hư hỏng kết cấu hạ tầng do nhiễm phèn ngầm. Và một điều rất đáng buồn là sự đầu cơ đất đai đã thành căn bệnh nặng và sự mất bình đẳng khi dân nghèo không tiếp cận được đô thị cả về nhà ở và không gian công cộng, không gian mở ven sông Sài Gòn.
Trong khi đó, khu trung tâm lịch sử của Sài Gòn chưa có quy hoạch bảo tồn, sự phá vỡ cấu trúc đang bắt đầu lan từ quận 1, 3 đến quận 5.
Một câu hỏi lớn: TP.HCM, phải chăng sau khi được quan tâm quy hoạch vào bậc nhất trong cả nước ở nhiều thời kỳ lịch sử, lại đang đánh mất cấu trúc của chính mình để trở thành một thành phố phi danh tính?
PGS.TS Nguyễn Hồng Thục