Sống trong phong toả

 22:11 | Thứ năm, 20/04/2023  0
Sẽ thành ký ức lịch sử khi nhân loại phải thốt lên như tít báo nước ngoài: “Chống Covid, chúng ta đang đánh nhau với… một con ma”- vì chưa ai biết gì về nó vào cuối năm 2019 đầu 2020 ấy.

Tình huống chưa bao giờ có lockdown - phong tỏa. Ngưng các chuyến bay, xa cách con người. Tìm các thuốc men. Vật lộn với cái chết. Thay đổi lối sống, cách làm việc.

Tháng 8.2021 Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đỉnh dịch.

Vòng xoay ngã 7 nhìn từ trên cao vắng vẻ trong ngày đầu TP.HCM thực hiện "ai ở đâu ở yên đó". Ảnh tư liệu: Vnexpress


Tôi thuộc “giai cấp bệnh nền"-câu gọi biết thân biết phận của người cao tuổi-đối tượng bị "nhốt" kỹ trong khi xã hội bận rộn chống dịch. Ban đêm ít ngủ nên nghe nhiều nhất tiếng còi hụ của xe cấp cứu. Dù chạy giữa phố khuya chẳng ai cản đường, mà tiếng còi như nó đang kêu cứu mọi người ở trong nhà đâu đã ngủ yên.

Hàng ngày qua tivi (mạng xã hội và nhất là tivi tin chính thống trở thành nguồn tin theo dõi chính), đầy ắp hình ảnh các đoàn cứu trợ tự phát của người Sài Gòn không khác gì dân công chiến dịch Điện Biên năm xưa.

Ở chung cư đã bị chăng dây (báo hiệu nơi có người mắc bệnh)-chúng tôi đứng xếp hàng cả ta lẫn Tây (phường Thảo Điền có tới  hàng ngàn chuyên gia người nước ngoài – được gọi là khu nhà giàu) mà giờ đây chờ để… nhận cứu trợ. Sài Gòn thiếu cả từ nhánh hành, rau củ và bánh mì trở thành xa xỉ vì các lò bánh không hoạt động nữa.

Trong hoàn cảnh đó, vai trò một nhà báo cần tác chiến, giao tiếp với con người trong biến động dữ dội-tôi nghĩ cách phỏng vấn qua internet-dù là công nghệ hiện đại nhưng trước đây giới học thuật vẫn tranh cãi và có người phản đối hình thức phỏng vấn qua email. “Thời bình" thì có lý yêu cầu kỹ thuật nghề nghiệp: Qua email, bạn biết đích xác ai đang trả lời? Làm sao bạn kiểm soát được cuộc trò chuyện và “tiến công kịp thời” những gì nảy sinh bất chợt ngay sau câu họ vừa nói như khi phỏng vấn mặt đối mặt?

Bây giờ chắc lý lẽ đó sẽ tự biến mất.

Người đầu tiên tôi muốn phỏng vấn lại  ở tận Pháp-một nhà báo tự do người Việrt-anh Võ Trung Dung, người mà đã có lần tôi phỏng vấn khi anh về nước. Đó là dịp sự kiện 39 người Việt vượt biên sang Anh bị chết cóng trong container. Tôi không hiểu làm cách nào anh với tư cách nhà báo mà thuyết phục được người Việt trốn chui lủi trong rừng ở ngoại ô Paris. Hoàn cảnh họ vượt biên giống những nạn nhân kia nhưng đi thoát.

Anh đã tìm thế nào và thuyết phục sao để những người trốn cảnh sát ấy dám kể ra  câu chuyện của mình.

Nay thì qua báo chí phương Tây tôi biết anh là một trong số nhà báo mắc Covid đầu tiên tại Pháp-khi mà bệnh đó như “án tử",  bị xa lánh không ai dám gần. Một nhà báo sống bằng nhuận bút, từng đến các điểm nóng trên thế giới, từng bị phiến quân bắt cóc ở Trung Đông- nay anh sống sao, tiền đâu chữa trị  khi chỉ có một mình? Cảm giác thế nào khi nhìn từng người cùng phòng chết dần? Điều gì giúp anh sống sót?

Khó nhất vẫn là khâu xin phép và thuyết phục anh “công khai chuyện mắc Covid" - là chuyện giấu biệt lúc đó vì dễ bị kỳ thị. Nhưng khi tôi nói rằng “câu chuyện của anh cần cho người Sài Gòn đang bước vào trận đấu quyết liệt đáng sợ” thì anh đồng ý ngay.

Trái múi giờ và anh còn đang rất mệt-tôi ngồi suốt đêm để nghe và ghi nhớ câu chuyện một nghị lực sống bằng sức mạnh tinh thần là như thế nào khi y khoa vẫn còn bó tay. Khi con người còn tranh cãi phản đối cả… khẩu trang. Có cuộc biểu tình giương khẩu hiệu “My body- My choice" (cơ thể tôi sự lựa chọn của tôi). Đeo khẩu trang phòng bệnh mà như một sự xâm hại tự do cá nhân cần chống lại.

Anh kể cảm giác lúc nằm bệnh viện mà  như… nằm “trên tàu Titanic", mọi người bên cạnh đang chết theo cùng một cách, tại một nơi không ai thấy được, không cơ hội nắm tay người thân lần cuối…

Anh nói  lý do mình vượt được cái chết là nhờ sức mạnh tinh thần. Nếu cụ thể hóa nó ra thành phương thuốc, thì nó là gì? Anh cho biết: “Phải luôn sẵn sàng với hiểm nguy". Đời anh từng chuẩn bị cho những cú… chết hụt. Đó là lòng can đảm không né tránh những biến cố dữ dội của đời sống một người đi khắp "điểm nóng" thế gian.

Người thứ hai tôi phỏng vấn thì ngược lại- tưởng như cô… chỉ ở trong nhà tu kín.

Cô nữ tu Rosa Hoàng Kim Anh-Hội dòng Đa Minh Rosa Lima ở Thủ Đức. Cô là một trong dòng người của các tôn giáo theo lời kêu gọi hỗ trợ các bệnh viện dã chiến, phục vụ bệnh nhân mắc Covid  trong tình huống  ngành y gần như sắp kiệt sức vì thiếu nhân lực. Đó là thời điểm các bệnh viện dã chiến liên tục được mở ra và bệnh nhân cũng nhanh chóng lấp đầy.

Nếu anh nhà báo cố sống để  khiêm tốn “làm gì đó cho trái đất tốt lên chút xíu” thì cô nữ tu đã không còn kịp nghĩ gì khi túi bụi trong việc… đổ bô, rửa ráy cho người bệnh Covid. Cho họ ăn uống, chạy liên tục đến bên người réo gọi vì sợ hãi, vì kiệt sức cần trợ giúp, vì trơ trọi giữa nơi không người thân thích… Các nữ tu đã thay nhau… chạy như vậy suốt ngày đêm. Họ phục vụ tại Bệnh viện dã chiến số 16 mang tên Bạch Mai-một bệnh viện Hà Nội vào chi viện.

Người ra đi cô độc thì các cô làm phép linh thiêng thầm lặng tiễn họ, thay mặt người thân mịt mù…

Hình ảnh điều trị cho các bệnh nhân mắc Covid nặng. Ảnh tư liệu: TTXVN


Kim Anh đã “quen với tiếng còi báo động liên tục rú lên của máy Oxy báo động quá tải-mà không kịp biết đó là dấu hiệu của thảm họa y khoa”. Chưa bao giờ cô biết “phổi của người bệnh sưng lên đang đông đặc lại, oxy không thẩm thấu qua được, như người đang chết đuối trên cạn. Phải thở oxy nhiều lần" - như lời giới chuyên môn sau này giải thích.

Với cô thì công việc cần tập trung nhất vẫn là thay dọn giường, thay tã, lau rửa cho nhiều người bị nặng, tiêu tiểu tại chỗ. Cô phải liên tục tháo nước tiểu trong các túi chứa, đổ nước vào các bình oxy ẩm…

Cô kể chuyện  một cặp vợ chồng già nhập viện trong khu vực cô phục vụ. Khi cô đến bên, ông ra hiệu chỉ sang góc phòng nói vợ ông nằm đó xin cô hãy đến giúp trước. Hôm sau thì bà phải chuyển chỗ vì bệnh trở rất nặng. Cô phải kiêm vai “liên lạc" cho hai vợ chồng họ vì giữa chốn đông đúc không người thân thích.

“Một ngày nọ tôi thấy tay bà ấy phù sưng hết, người điều dưỡng nói khó qua được đêm nay. Tôi đến bên lau mặt cho bà, thấy bà còn hé nhìn yếu ớt. Biết bà sắp ra đi, tôi bèn nán lại sau ca làm, để cầu nguyện, thủ tục nghi lễ cuối cùng khi không có người thân bà ở đó. Quả nhiên là khi tôi vừa bước ra cửa thì nghe báo bà đã mất.”

Cô chợt nhớ đến ông chồng của bà, người đàn ông thương vợ ấy giờ nằm đâu rồi khi sắp nhận tin dữ. Và cô không thể cầm được nước mắt.

Nữ tu Rosa  Kim Anh –hiện ra nhấp nhoáng qua màn hình Internet khi trả lời phỏng vấn. Cô chỉ kể chuyện như một sự san sẻ nỗi buồn thương chứ không kiểu hỏi- đáp thông thường.

Giữa sự sống và cái chết mong manh, cô nói đơn giản của người có đạo: "Tôi cảm nhận sâu sắc hơn câu nói của Đức Thánh cha Phanxicô-vị cha chung của Giáo hội. Ngài mời gọi các tín hữu “Hãy đi ra vùng ngoại biên" và chúng tôi đã đi ra khỏi nơi an toàn để thấy và đến với con người và sống cuộc đời có ý nghĩa. Chính trong đại dịch, tôi nhìn rõ sự dấn thân không mệt mỏi của các chị trong Hội Dòng. Cảm nhận được tình thương cao cả của dân tộc mình.”

Chắc không ai quên được những tháng năm này. Nó day dứt như người mẹ nọ sau khi dịch đã vãn-hết phong tỏa, chị đến tìm  Kim Anh chẳng để hỏi gì. Bước ra cửa, Kim Anh thấy chị ấy ngồi chờ chỉ để gặp, để cảm ơn thầm lặng, để thấy lại người hộ lý trong bệnh viện-nơi chị thường đón chờ tin tức của người con trai mới 27 tuổi của chị đã chết ở đó không bao giờ về nữa. Ngày ấy sơ Kim Anh đã thay tất cả người thân của cậu ấy, đến bên làm thủ tục linh thiêng cuối cùng.

Nỗi đau của chị ấy thật lớn lao. Chồng chết, xong rồi đến con. Chết xa hết người thân, chỉ có nữ tu này bên họ. Gặp lại sơ như để thấy chút gì của chồng con như còn đâu đó.

Dù đại dịch đã vãn, nhưng còn biến chủng gì đang thay đổi để đe dọa nhân loại? Giờ nhìn lại thấy rõ lòng can đảm, đức hy sinh và tình thương cao cả đã làm nên đặc điểm của một thời đại.

Một nhà Y học đạt giải Nobel vì phát minh ra vaccine đã nói: "Chúng ta có công nghệ để xử lý. Cái mà con người thiếu là ý chí chính trị".

May thay,  ý chí và tình yêu cứu vãn ấy. Dù chỉ ít ỏi, phỏng vấn được hai người nhưng lại đầy tính tiêu biểu của Sài Gòn ngày phong tỏa.

Nguyễn Thị Ngọc Hải

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.