Tôi chứng kiến và ái ngại nhiều cảnh thăm người trong bệnh viện.
Là bác sĩ, nhìn đoàn người vào thăm, tôi e ngại nguy cơ nhiễm khuẩn tăng lên gấp bội. Vi khuẩn từ giày dép, đồ dùng của người thăm từ ngoài được mang vào phòng bệnh. Chưa kể virus của nhiều loại bệnh và sự phiền toái cho các nhân viên y tế, sự ồn ào và ảnh hưởng đến các bệnh nhân cùng phòng. Mỗi lần vào bệnh viện thăm người ốm là một lần ta mang nguy cơ đến cho người được thăm, bệnh viện và chính mình.
![]() |
BS. Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: Zing |
Trong dịch, người bệnh và người nhà gượng gạo tiếp đón. Còn người đến thăm, dù trang bị đến tận mang tai vẫn vội vội vàng vàng trao phong bì rồi chào tạm biệt. Đúng là những hoạt cảnh dở khóc dở cười.
Ai từng thăm người ốm trong bệnh viện có lẽ cũng trải qua những cảm giác khác nhau. Có những lúc hồi hộp hạnh phúc, như khi ta thăm người thân mới sinh hạ hoàng tử hay công chúa. Nhưng có những lúc như cực hình, đang bận túi bụi mà vẫn bị đồng nghiệp cùng cơ quan gọi đi thăm mẹ vợ của thủ trưởng nằm viện vì mổ ruột thừa.
Thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nhau khi khó khăn là văn hóa tốt đẹp. Nhưng thực tế có bao nhiêu phong bì, lẵng hoa, túi quà xuất phát từ tâm người đi thăm?
Có những đoàn thăm hỏi lên đến hàng chục người, từ quê ra để thăm một ông trưởng họ thậm chí còn chưa nhớ rõ mặt. Có đoàn, vị đại diện cơ quan cầm tập phong bì mà “ruột” giống hệt nhau vì theo lệ có sẵn, giúi vào tay người ốm.
Cũng có những phong bì dày cộp mà mục đích không phải chỉ là mong người bệnh chóng khỏi. Chúng còn ấp ủ cơ hội cho những người muốn tiến thân khi “người nhà” thủ trưởng ốm. Với số tiền nhiều khi gấp vài lần thanh toán viện phí, những lần ốm của người thân có khi là cơ hội tăng thu nhập cho lãnh đạo. Một nguồn thu nghe hoàn toàn hợp pháp, ai dám bảo “hối lộ trá hình”? Việc mà ai có lòng tự trọng đều hiểu, nhưng ai muốn vẫn có thể chấp nhận vì đấy là “truyền thống” của chúng ta.
Hai năm qua là thời gian khó khăn của gia đình chúng tôi. Cả bố rồi đến mẹ đều nằm viện. Là người lãnh đạo bệnh viện, tôi thực lòng không muốn bố mẹ mình nằm ở đây vì lý do chắc mọi người đều hiểu.
Nhưng là con, ai cũng muốn thân sinh được chữa bệnh tốt nhất, được tự tay chăm sóc hàng ngày. Chính vì vậy, tôi cũng gặp phải hoàn cảnh khó xử như đã tiên liệu. Tôi và cả nhà thật vất vả từ chối quà của người tới thăm, nhưng vẫn còn nhiều phong bì không thể khước từ.
Nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ kiểm tra nhiệt độ của người vào bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để phòng dịch COVID-19. Ảnh: Getty Images
Khi ông ra viện, tôi và cả nhà mới mở ra. Cũng may không có những phong bì dày cộp. Tổng hợp lại số tiền, bố tôi mua tặng một màn hình đặt trong phòng giảng dạy dành cho học viên, sinh viên của bệnh viện. Lúc đầu, bệnh viện gắn tên ông “kính tặng”, sau tôi cũng bảo bỏ đi.
Câu chuyện lặp lại khi bà nằm viện cũng với căn bệnh ung thư. Số tiền không từ chối được, mẹ tôi mua dàn xe máy giúp cho việc khám chữa bệnh tại nhà của bệnh viện. Mắt bà rớm ướt khi nhìn những chiếc xe lăn bánh lần đầu làm nhiệm vụ.
Nhưng tôi không phủ nhận hiệu lực của những lời động viên chân tình. Nhờ chúng, cả bố mẹ tôi đã vượt qua những phút cam go nhất trong cuộc chiến với căn bệnh ung thư ác tính.
Trong cuộc sống, nhờ những đóng góp của người thân, bạn bè mà nhiều trường hợp đã được phẫu thuật, can thiệp, hay đơn giản không lâm vào cảnh nợ nần, túng thiếu. Nhưng chắc chắn chỉ người đi thăm mới là người hiểu nhất, những giúp đỡ của mình có thật chí tình hay chỉ là xã giao thủ tục.
Không cứ phải vào bệnh viện thăm người ốm, tặng phong bì mới là quan tâm đến nhau. Những ai có tình cảm đặc biệt chắc chắn sẽ biết động viên thiết thực bằng nhiều cách. Đón hộ con, phụ việc nhà, lo giùm nhau bể cá cảnh, chậu cây không ai tưới hay làm món tráng miệng hợp khẩu vị gửi vào cho người bệnh. Đó là những món quà ý nghĩa để giúp bệnh mau lành.
Ngoài ra, với điện thoại thông minh, việc nói chuyện thăm hỏi bệnh nhân rất dễ dàng thuận tiện. Đến thăm trực tiếp chỉ hơn được ở chỗ có thể cầm tay, bóp chân, nhưng những hành động ấy lại hoàn toàn bị cấm trong đại dịch.
Ở các nước, gần như không thấy đoàn người rồng rắn vào bệnh viện thăm bệnh nhân. Bỏ thói quen thăm người trong bệnh viện không phải chúng ta vô cảm mà ngược lại, đang hướng đến sự tiến bộ chung của y tế toàn cầu.
Nhiều nghiên cứu trên thế giới chỉ ra, không chỉ trong đại dịch, việc thăm bệnh là nguyên nhân lan truyền các bệnh truyền nhiễm. Những ca lây nhiễm COVID-19 thời gian qua đã lan truyền theo cách ấy. Những người nhà bệnh nhân, nhân viên bệnh viện ở bệnh viện Bạch Mai, Đà Nẵng, Bệnh viện Nhiệt đới trung ương, Viện K là những ví dụ điển hình.
Tôi đã hình dung ra kịch bản đó, nhiều lần đưa ra cảnh báo rằng, ý thức của người dân sẽ quyết định thời gian chúng ta khống chế được dịch. Chỉ di chuyển khi không thể đứng yên, nếu không, nguồn lực chống dịch vốn đã hạn hẹp sẽ càng khó khăn muôn phần.
Bộ Y tế đã ra quy định mới, hạn chế người đến thăm, mỗi bệnh nhân chỉ có tối đa một người thân chăm sóc. Đó là cơ hội để chúng ta bỏ đi “hủ tục” bấy lâu nay.
Các bệnh viện có thể sắp xếp một phòng tiếp người nhà của bệnh nhân nằm ngoài khuôn viên bệnh phòng điều trị. Nhiều ca bệnh nặng, cần giải thích kỹ lưỡng với các thành viên gia đình người bệnh hay trước khi làm phẫu thuật, đổi phương pháp điều trị có thể thực hiện tại khu vực riêng này để tránh nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn, virus.
Ở các nước, gần như không thấy đoàn người rồng rắn vào bệnh viện thăm bệnh nhân. Bỏ thói quen thăm người trong bệnh viện không phải chúng ta vô cảm mà ngược lại, đang hướng đến sự tiến bộ chung của y tế toàn cầu.
Những công dân thông minh sẽ tạo nên một xã hội văn minh, nơi mọi người cùng nhìn ra thói quen lạc hậu để thay đổi.
Nguyễn Lân Hiếu