Chủ điểm xuyên suốt, hay chìa khóa, trong các tác phẩm phê bình văn học của Đỗ Lai Thúy là hệ hình (paradigm), hậu hiện đại (postmodernism) và phân tâm học (psychoanalysis). Đọc nhiều sách của ông, có thể thấy ba từ khóa này xuất hiện trong nhiều bài viết và tiểu luận của ông với tần suất lớn, nếu không nói là bao trùm. Sự cụ thể hóa tư tưởng hệ hình trong nghiên cứu trường hợp thơ Việt Nam của Đỗ Lai Thúy, do đó, là bộ ba chuyên luận, với khởi đầu là Con mắt thơ (Phê bình phong cách Thơ mới)[1] đỉnh nóc là Thơ như là mỹ học của cái Khác[2] mái còn lại là Hé gương cho người đọc[3].
Nếu như Con mắt thơ nói về cuộc cách mạng Thơ Mới – hành trình của cái tôi đã đưa thơ Việt từ trung đại sang thời hiện đại, từ khu vực ra thế giới, với những chân dung người thơ Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Bích Khê, thì Hé gương cho người đọc được mở rộng viễn kiến về thi ca trung đại Việt Nam với những Nguyễn Gia Thiều, Phạm Thái, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Dương Khuê đến Tú Xương, Tản Đà…
Chân dung Đỗ Lai Thúy trong mắt họa sĩ Hoàng Đỗ Cường. |
Như một viên ngọc đính vòm, Thơ rìa mắt (Mắt thơ ngoại tập) là công trình mãn khai tựu thành bộ Mắt thơ cũng như con đường nghiên cứu về thơ của Đỗ Lai Thúy. Điểm nổi bật trong Thơ rìa mắt, là nhà phê bình đã tiếp cận lại những trường hợp thơ Việt Nam hiện đại tiêu biểu sau 1986, đó là một Trương Đăng Dung với bề sâu triết học và lý tưởng cái tôi thi sĩ sang trọng, một Mai Văn Phấn với cấu trúc thi nghiệp thể nghiệm để trở về văn hóa nguồn cội và bước tiếp, và một Nguyễn Quang Thiều bước sang hậu hiện đại với thơ làm bằng trí nhớ thị giác.
Đỗ Lai Thúy lý giải về tiêu đề Thơ rìa mắt: “Rìa, tức mép rìa, ngoại biên, lệch chuẩn. Thực ra, Mắt Thơ của tôi so với những phê bình của người khác đã là lệch rồi. Nhưng Thơ rìa mắt lại là một lệch chuẩn so với Mắt Thơ. Vậy, có thể gọi Thơ rìa mắt là lệch chuẩn của lệch chuẩn. Thơ rìa mắt là một chùm sao Gấu lớn: Nguyễn Du, Chế Lan Viên, Hoàng Cầm, Xuân Diệu, Quang Dũng, Phùng Cung, Tô Thùy Yên, Trúc Thông, Trương Đăng Dung, Mai Văn Phấn, Nguyễn Quang Thiều. Họ là những nhân vật quen thuộc, nên lệch chuẩn ở đây trước hết là lạ hóa bởi phương pháp tiếp cận. Một phương pháp mới có thể đẻ ra một nhà thơ mới. Vì, nó phát hiện/minh ra một bản thể khác, chí ít một chiều kích khác, còn khuất lấp ở các thi nhân.”
Tác giả minh giải thêm về cái nhìn hệ hình: “Cái nhìn hệ hình, thực ra, không phải là tiêu chí đánh giá, mà là một tiêu chí nhận diện. Nhận diện sự khác nhau. Hơn nữa, ở Thơ rìa mắt, sự khác nhau còn do cách tiếp cận, nên không chỉ khác với người, mà, quan trọng hơn, khác với chính mình, hay ít ra cũng là cái mình trong hình dung của số đông trước đó. Cảm ơn bạn đọc đã chấp nhận cái Khác, đúng hơn Mỹ học của cái khác này.”
Nếu nghiên cứu đối tượng dựa trên phân kỳ, dễ thường có xu hướng lựa chọn nghiên cứu cái “đỉnh cao” ưu trội của nó, giống cái cách người ta thường quan niệm Aristotle, Thomas Aquinas và Immanuel Kant là ba đỉnh Mont Blanc của triết học Âu châu. Nhưng nghiên cứu theo hệ hình của Đỗ Lai Thúy, lại chú trọng vào những “đột khởi,” nhân tố bắt đầu và bước ngoặt, tạo dựng nên cả một thời đại, trường phái hay trào lưu phía sau.
"Thơ rìa mắt" (hay Mắt thơ ngoại tập) NXB Hội Nhà văn 2021.
Chiếc la bàn thám mã của Đỗ Lai Thúy trong phê bình văn học là phân tâm học. Nhà phê bình, bên cạnh tiếp thu xương sống lý thuyết phân tâm học của Freud, còn lĩnh hội thêm từ các tổ sư phân tâm khác như Carl Jung, Gaston Bachelard, Jacques Lacan[4]… và đưa ra tiếp cận phù hợp với đối tượng phù hợp. Thơ là một nghệ thuật của ngôn ngữ, nhưng đồng thời thơ còn là chất liệu lý tưởng để phản ánh/ chiếu nội tâm cũng như những nguyên lý ẩn tàng trong vô thức người sáng tạo. Trong Thơ rìa mắt, ông kế thừa từ Freud khái niệm bản năng chết (Todestrieb/thanatos) và phức cảm Oedipus để giải quyết trường hợp thơ Hoàng Cầm, Trúc Thông, hay ẩn ức đồng tính của Xuân Diệu, rối loạn đa nhân cách (hay gần đây có tên gọi mới là rối loạn tách rời nhận thức/dissociative identity disorder) của Chế Lan Viên và sốc văn hóa ở Trương Đăng Dung.
Xem xét Nguyễn Du trong bối cảnh văn hóa Nho giáo thời Lê mạt – Nguyễn sơ đương thời, thay vì coi Nguyễn Du như một nhà Nho (tài tử) theo nhiều ý kiến trước đây, Đỗ Lai Thúy đặt giả thuyết đại thi hào là một thiền sư – cư sĩ, góp phần minh định và giải đáp rất nhiều vấn đề bỏ ngỏ trong cuộc đời và sáng tác của ông.
Còn ở trường hợp Nguyễn Du, Đỗ Lai Thúy đưa ra một kiến giải táo bạo. Chúng ta vốn quen thuộc với một đại thi hào Nguyễn Du qua Truyện Kiều (tên gốc là “Đoạn trường tân thanh”), mà ít biết đến một Nguyễn Du với những phận vị chính trị, số phận thăng trầm và tính cách tự do phóng khoáng của ông. Xem xét Nguyễn Du trong bối cảnh văn hóa Nho giáo thời Lê mạt – Nguyễn sơ đương thời, thay vì coi Nguyễn Du như một nhà Nho (tài tử) theo nhiều ý kiến trước đây, Đỗ Lai Thúy đặt giả thuyết đại thi hào là một thiền sư – cư sĩ, góp phần minh định và giải đáp rất nhiều vấn đề bỏ ngỏ trong cuộc đời và sáng tác của ông. Trở thành một thiền sư – cư sĩ, đồng nghĩa với việc Nguyễn Du thủ tiêu được bản ngã, tức sự buông bỏ cái tôi, để trở về với vô ngã, một thứ bản ngã đích thực. Do đó, Truyện Kiều, không chỉ có sự hỗn hợp giữa Nho và Phật, hay giữa Phật và tín ngưỡng dân gian, mà còn giữa thiền và tịnh.
Viết về Quang Dũng, Phùng Cung, cũng là tiếp cận văn học từ văn hóa. Hai nhà thơ chính là hai đại diện, hai biểu trưng cho vùng văn hóa xứ Đoài. Giữa thi nhân và thổ ngơi, hiện diện sự xoắn luyến giữa con người và một xứ sở giàu truyền thống. Sơn Tây xứ Đoài, vùng đất sỏi chạch vàng, cũng là quê chữ, làm nên cái chất đặc trưng trong thơ của Quang Dũng và Phùng Cung. Do đó, để nghiên cứu họ, Đỗ Lai Thúy khởi phát từ bối cảnh văn hóa, bóc tách từng lớp trầm tích kiến tạo nên nhân cách văn hóa của mỗi nhà thơ. Nếu Quang Dũng như một đám mây lang thang ngang dọc cuộc kháng chiến nhưng luôn nhớ về một cõi mây trắng – xứ Đoài (Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm! – Quang Dũng, Đôi mắt người Sơn Tây) thì ở Phùng Cung, nhà phê bình phát hiện cách dụng từ của nhà thơ chính là sự đánh thức miền ngôn ngữ từ trong thẳm sâu tiềm thức.
Thơ rìa mắt, so với các tập Mắt thơ trước đó, là một hạnh ngộ thú vị giữa các kiểu loại nhà thơ, từ trung đại (Nguyễn Du), tiền hiện đại – hiện đại (Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Hoàng Cầm, Trúc Thông), hiện đại (Trương Đăng Dung, Mai Văn Phấn), hiện đại cổ điển (Quang Dũng, Phùng Cung, Tô Thùy Yên), đến hậu hiện đại (Nguyễn Quang Thiều), qua lăng kính của phân tâm học và lý thuyết hệ hình đầy độc đáo của Đỗ Lai Thúy. Với tư cách “một lệch chuẩn của lệch chuẩn” Thơ rìa mắt sẽ mang đến cho bạn đọc một góc nhìn đầy mới mẻ, và quan trọng hơn, một cái nhìn Khác về thi ca Việt Nam.
Phạm Minh Quân
[1] Đỗ Lai Thúy, Mắt thơ (Phê bình phong cách Thơ mới), Nxb Lao động, 1992, 1994; Giáo dục, 1997; Văn hóa Thông tin, 2000; Hội Nhà văn, 2012.
[2] Đỗ Lai Thúy, Thơ như là mỹ học của cái Khác, Nxb Hội nhà văn, 2012.
[3] Đỗ Lai Thúy, Hé gương cho người đọc, Nxb Phụ nữ, 2015.
[4] Ngoài tiếp thu, ông còn tổ chức biên soạn và giới thiệu lý thuyết của các nhà phân tâm học này thông qua bộ sách Phân tâm học và văn hóa nghệ thuật/văn hóa tâm linh/tình yêu/tính cách dân tộc.