Thủ Thiêm: Vẫn vắng một “Bao Công” để thành án!

 14:29 | Thứ hai, 07/10/2019  0
“Hô biến” 160ha tái định cư theo Quyết định 367/TTg (QĐ367/TTg) ngày 4.6.1996 mà Thủ tướng phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) là một trong những căn nguyên tạo nên thảm kịch mòn mỏi suốt 20 năm trên bán đảo Thủ Thiêm. Lộ trình phá vỡ quy hoạch Thủ Thiêm có vết hằn của những cái bóng quyền lực, ở các cơ quan lãnh đạo của TP.HCM trong nhiều nhiệm kỳ. 

LTS: Sáng nay (7.10), đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM gồm nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Phan Nguyễn Như Khuê và Phó Chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM Trịnh Ngọc Thúy, đã tiếp xúc cử tri quận 2. Vấn đề khiếu nại đất đai ở Thủ Thiêm một lần nữa lại được nhiều cử tri quận 2 “làm nóng” hội trường, thẳng thắn đề nghị cần đưa ra thảo luận tại nghị trường để Quốc hội có nghị quyết giám sát, theo dõi vụ việc vì đã kéo dài quá lâu, đã hơn 20 năm. Trong đó, có thông tin được nhiều cử tri quan tâm, đó là khu tái định cư 160 ha ở đâu, bao giờ trả lại cho dân?

Trước đó một ngày, Hội đồng Nhân dân TP.HCM đã tổ chức kỳ họp bất thường, trong đó có nội dung quan trọng liên quan đến chính sách bồi thường, hỗ trợ cho các hộ dân ngoài ranh quy hoạch của dự án Khu Đô thị mới Thủ Thiêm ở quận 2. Lãnh đạo thành phố đương nhiệm bày tỏ ý chí “thực hiện nhanh và nghiêm” Kết luận số 1037/KL-TTCP của Thanh tra chính phủ về Công tác quản lý nhà nước và thực hiện quy hoạch trong xây dựng khu ĐTM Thủ Thiêm, như chia sẻ của Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp sáng 30.8.2019.

Trong phiên họp chiều ngày 14.8.2019 thông tin về tiến độ, kết quả thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ tại Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, hai chữ “yên dân” được đưa vào thông cáo báo chí. Sau hơn hai thập niên kể từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, hiện trạng bán đảo bên bờ Đông sông Sài Gòn vẫn còn lắm ngổn ngang. Nỗi lòng không ít người dân Thủ Thiêm vẫn còn ở trạng thái tan hoang. “Yên dân” nhắc nhớ tư tưởng nhân nghĩa, là kim chỉ nam dẫn dắt áng hùng văn Bình Ngô đại cáo, được xem như bản tuyên ngôn độc lập lần hai trong lịch sử nước nhà sau khi đánh đuổi quân xâm lược đến từ Hoa lục cách nay gần 600 năm. “Yên dân” còn là hàn thử biểu, đo đếm tính chính danh của chính quyền.

Nhân dịp tổ đại biểu Quốc hội TP.HCM đơn vị số 7 tiếp xúc cử tri quận 2 trước kỳ họp thứ 8 (Quốc hội khóa XIV), Người Đô Thị trình bày một góc nhìn, hệ thống nhiều văn bản liên quan đến quá trình hình thành và triển khai Khu Đô thị mới Thủ Thiêm, ngõ hầu cung cấp thêm thông tin đến những đại biểu dân cử khi ngồi vào bàn nghị sự.

***

Đi tìm 160ha đất tái định cư ở khu đô thị mới Thủ Thiêm

“Hô biến” 160ha tái định cư theo Quyết định 367/TTg (QĐ367/TTg) ngày 4.6.1996 mà Thủ tướng phê duyệt quy hoạch xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm (KĐTMTT) là một trong những căn nguyên tạo nên thảm kịch mòn mỏi suốt 20 năm trên bán đảo Thủ Thiêm. Lộ trình phá vỡ quy hoạch Thủ Thiêm có vết hằn của những cái bóng quyền lực, ở các cơ quan lãnh đạo của TP.HCM trong nhiều nhiệm kỳ. 

Quyết định 367/TTg là sản phẩm của một quá trình, trải qua nhiều hội đồng thẩm định các cấp từ địa phương đến trung ương trước khi báo cáo trực tiếp với Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Đằng sau quyết định có nội dung gần hai trang giấy là những văn bản có giá trị pháp lý, quan hệ hữu cơ gồm tờ trình, bộ đồ án quy hoạch…

 “Lập lờ” văn bản số 70

Một năm trước khi Quốc hội thông qua Luật Đất đai 2003, nội dung phê duyệt của QĐ367/TTg bắt đầu có những dấu hiệu biến dạng. Đầu tiên là văn bản số 70/UB-TH (văn bản 70) về thu hồi đất và đền bù, giải tỏa, tái định cư ở KĐTMTT mà UBND TP.HCM gửi Thủ tướng Chính phủ ngày 4.1.2002.

Về nội dung, văn bản 70 có một số điểm không xác thực. Ngay dòng đầu tiên, UBND TP.HCM đã cố ý gây nhầm lẫn, trích: “…Ủy ban Nhân dân thành phố phê duyệt quy hoạch chi tiết theo Quyết định số 13585/KTST-QH ngày 16.9.1998…”. Thực tế, Kiến trúc sư trưởng Lê Văn Năm mới là người ký ban hành Quyết định số 13585/KTST-QH chứ không phải UBND TP.HCM như nội dung vừa trích đăng từ công văn 70 khi trình Thủ tướng Chính phủ. Việc ông Năm ký ban hành Quyết định 13585/KTST-QH cũng đã bị Thanh tra Thành phố năm 2008 kết luận là “chưa đúng thẩm quyền”.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Đoàn ĐBQH TP.HCM (nay là Trưởng ban Tuyên giáo Thành uỷ TP.HCM) xem thông tin trên tấm bản đồ quy hoạch mà cử tri quận 2 trưng ra tại cuộc tiếp xúc cử tri Quận 2 chiều ngày 9.5.2018. Ảnh: Trung Dũng

Thêm nữa, văn bản 70 còn diễn dịch lập lờ QĐ367/TTg khi đề nghị Thủ tướng Chính phủ “ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thu hồi toàn bộ diện tích đất của Khu đô thị mới Thủ Thiêm (theo Quyết định số 367/TTg ngày 4.6.1996 của Thủ tướng Chính phủ) là 930ha; trong đó khu đô thị mới 770ha đất và khu tái định cư 160ha đất, giao cho Ủy ban Nhân dân thành phố quản lý để có cơ sở pháp lý tiến hành đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng và triển khai thực hiện đầu tư, xây dựng theo quy hoạch”.

Theo QĐ367/TTg, quy hoạch phân khu chức năng chỉ có 640ha đất (làm tròn). Tờ trình 1861/TT-UB-QLĐT (Tờ trình 1861) của UBND TP.HCM, một trong những căn cứ quan trọng để Thủ tướng Chính phủ ban hành QĐ367/TTg phê duyệt quy hoạch 1/5000 KĐTMTT, cũng nêu rõ diện tích đất khoảng 640ha, cộng thêm khoảng 130ha diện tích mặt nước sông Sài Gòn mới thành 770ha. Như vậy, UBND TP.HCM đã bỏ 130ha đất trên bờ vào quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt tại QĐ367/TTg.  

Lý do mà UBND TP.HCM xin trung ương là “trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư xây dựng KĐTMTT, có nhiều tổ chức và cá nhân đã trực tiếp hoặc môi giới thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất, san lấp mặt bằng, xây dựng, mua bán, chuyển nhượng nhà đất, bất hợp pháp. Những hành vi vi phạm pháp luật này ngày càng diễn biến phức tạp, tạo nên việc tăng giá đất giả tạo, nhất là khi triển khai dự án đại lộ Đông Tây và hầm qua Thủ Thiêm; đã làm thiệt hại những lợi ích hợp pháp của nhân dân sinh sống lâu đời trên địa bàn, vì không còn đất canh tác, mất việc làm, sau khi thu được một số tiền do bán đất thì có người sử dụng lãng phí, thậm chí phát sinh những tệ nạn xã hội, sang nhượng đất nhằm mục đích đầu cơ, trục lợi hoặc mua bán sang tay bất hợp pháp thu lời bất chính, dẫn đến để đất hoang hóa, làm phá vỡ quy hoạch đã được duyệt, dẫn đến việc triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch gặp khó khăn, trở ngại; đây cũng là yếu tố tiềm ẩn làm phát sinh nhiều khiếu kiện về nhà đất sau này khi triển khai thực hiện quy hoạch, dẫn đến gây mất ổn định về trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn”.

Những hành vi vi phạm pháp luật xảy ra trên địa bàn là trách nhiệm của chính quyền địa phương. Sử dụng tiền bán tài sản như thế nào là quyền của dân, nếu vi phạm pháp luật thì xử lý. Giá đất tăng nhờ đầu tư cơ sở hạ tầng là chuyện đương nhiên. Những lập luận thiếu thuyết phục “quy nạp” về nguy cơ dân “phá vỡ quy hoạch”, tạo cảm giác về trạng thái khẩn cấp, gây áp lực lên Chính phủ. Nhưng ai mới thực sự phá vỡ quy hoạch?

Tổng mặt bằng - Quy hoạch xây dựng trung tâm thành phố mới Thủ Thiêm. Đây là một trong 13 tài liệu thuộc tập hồ sơ dán nhãn "Đồ án quy hoạch phát triển Khu trung tâm thành phố mới Thủ Thiêm TP.HCM tháng 5.1995" được ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM lưu giữ cẩn thận trong cặp hơn 20 năm qua. Ảnh: Lê Quân/Zing.vn

Chính phủ trả lời UBND TP.HCM bằng một văn bản đóng dấu hỏa tốc, ký hiệu 190/CP-NN ngày 22.2.2002, cho phép UBND TP.HCM căn cứ vào QĐ367/TTg thu hồi 930ha đất (bao gồm 770ha để xây Khu đô thị mới và 160ha để xây dựng khu tái định cư) thuộc các phường An Khánh, Bình An, Bình Khánh, An Lợi Đông và Thủ Thiêm thuộc địa bàn quận 2 để giao Ban Quản lý Đầu tư - Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm sớm tổ chức việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, xây dựng khu tái định cư và quản lý chặt chẽ khu đất trên, chống lấn chiếm, mua bán trái pháp luật đang diễn ra tại đây; tiến hành thu hút đầu tư, nhằm xây dựng khu đô thị mới phù hợp với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Một chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch (đề nghị phóng viên không nêu tên) bình luận với Người Đô Thị, rằng văn bản 190 có phần “du di” với chính quyền thành phố. Thu hồi 930ha để xây dựng một dự án quy mô như KĐTMTT, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng chục ngàn dân, đáng ra phải là một quyết định thu hồi đất, thay vì văn bản có hình thức như một công văn.

Nhưng nếu nhìn từ khía cạnh pháp lý, Chính phủ cũng không thể ban hành quyết định thu hồi đất như đề nghị của UBND TP.HCM nếu chỉ dựa vào văn bản 70. Điều 16 Nghị định 88 - CP của Chính phủ ban hành ngày 17.8.1994 về Quản lý và sử dụng đất đô thị quy định tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng đất đô thị phải lập hồ sơ xin giao đất, gồm (1) đơn xin giao đất, (2) dự án đầu tư xây dựng (luận chứng kinh tế kỹ thuật) được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, (3) bản đồ địa chính hoặc hiện trạng khu đất xin giao tỷ lệ 1/200 - 1/1000, (4) phương án đền bù. Dự án đầu tư xây dựng là cấu phần then chốt trong bộ hồ sơ pháp lý, theo nghĩa, không có dự án đầu tư xây dựng thì không được phép thu hồi đất. “Lập các dự án đầu tư theo thứ tự ưu tiên và trình duyệt theo quy định” cũng chính là một trong những nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ giao Chủ tịch UBND TP.HCM, Bộ trưởng Bộ Xây dựng triển khai thực hiện quy hoạch khi phê duyệt QĐ367/TTg. 

Hiện trạng phần lớn diện tích Khu đô thị mới Thủ Thiêm sau 20 năm quy hoạch. Ảnh: Trung Dũng

Cho dù phần lớn nội dung trục trặc nhưng khoản 2 công văn 70 “gỡ gạc” lại phần nào, trích: “Ủy ban Nhân dân thành phố chịu trách nhiệm xây dựng và thực hiện chính sách đền bù, giải tỏa và tái định cư theo Nghị định số 22/1998/CP ngày 24 tháng 4 năm 1998 của Chính phủ, đảm bảo công bằng, hợp lý, chăm lo tốt đời sống của nhân dân bị thu hồi đất”. Cam kết bằng văn bản ít nhiều khiến người dân Thủ Thiêm tin tưởng chính quyền TP.HCM sẽ đền bù thỏa đáng theo giá thị trường, đồng thời thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ tại văn bản 190, bố trí tái định cư cho người dân trong phạm vi 5 phường. Làm được như vậy có lẽ người dân cũng sẽ đồng thuận, cho qua những thiếu sót về pháp lý. Thế nhưng, thực tiễn không diễn ra như chữ nghĩa trong văn bản.   

Một ngày hai bản thông báo: Bất nhất? 

Tròn một tháng sau khi có văn bản 190, UBND TP.HCM ban hành Thông báo số 77/TB-VP (Thông báo 77) ngày 22.3.2002 truyền đạt ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Thanh Hải về tổ chức triển khai điều chỉnh quy hoạch chi tiết KĐTMTT, “giao kiến trúc sư trưởng thành phố, Giám đốc Sở Địa chính - Nhà đất có trách nhiệm cắm mốc giao đủ 770ha đất của khu trung tâm, theo giải pháp bổ sung diện tích khu tái định cư Bình Khánh vào khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm; đồng thời rà soát lại quỹ đất trên địa bàn quận 2 đề xuất phạm vi giao đủ 160ha đất để xây dựng các khu tái định cư thuộc Khu đô thị mới Thủ Thiêm,…”. Chỉ đạo  “cắm mốc giao đủ 770ha đất khu trung tâm nghĩa là “bốc” khoảng 130/160ha đất tái định cư của dân trên danh nghĩa. Như vậy, KĐTMTT không còn nguyên bản theo QĐ367/TTg, phủ nhận một phần nội dung Tờ trình 1861.

Hình ảnh ở khu tạm cư của nhiều người dân Thủ Thiêm (phường Bình Khánh). Ảnh: Trung Dũng

Ngày 22.3.2002 còn đáng nhớ hơn với văn bản số 78/TB-VP thông báo kết luận của Chủ tịch UBND thành phố Lê Thanh Hải, trích: “Xác định diện tích đất dành cho khu tái định cư phục vụ đền bù giải tỏa cho KĐTMTT phải đảm bảo đủ 160ha theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, không nhất thiết một địa điểm, có thể bố trí từ 3 đến 4 địa điểm trên địa bàn quận 2”.

Đã có sự lệch pha về số liệu trong hai bản thông báo kết luận từ chủ tịch thành phố ban hành trong cùng một ngày. Ở Thông báo 77, ông Hải chỉ đạo lấy thêm 130ha từ khu tái định cư Bình Khánh, tức là chưa hết 160ha tái định cư theo QĐ367/TTg, cho đủ 770ha khu trung tâm đã mở rộng. Nhưng ở Thông báo 78 thì đất tái định cư của dân theo Tờ trình 1861 đã bị hốt sạch. Theo Kết luận của Thanh tra Thành phố ngày 6.8.2008, “3 đến 4 địa điểm trên địa bàn quận 2” gồm 6 khu tái định cư diện tích 164,5ha.

Tuy nhiên, phần lớn khu vực bố trí tái định cư đã vượt ra khỏi phạm vi 5 phường, chẳng hạn như phường Cát Lái (50ha), phường An Phú (khoảng 90,26ha) và Thạnh Mỹ Lợi (6,37ha). Hai thông báo này đẩy dân ra xa khu trung tâm, trái với QĐ367/TTg, trái quan điểm chỉ đạo tại văn bản 190 của Chính phủ, đồng thời xóa sổ phân khu chức năng thứ 7 trong KĐTMTT tại Tờ trình 1861.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri sáng 7.10,  nhiều cử tri truy vấn về khu 160ha tái định cư vì sao không thanh tra làm rõ? Nó đang ở đâu, bao giờ trả lại cho dân? Bởi những dự án đã giao đất này nếu không triển khai thì phải thu hồi trả lại cho dân. Nhiều người mất nhà, hơn 20 năm nay không nhà, cả chục người sống trong nhà tạm cư.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, trong phát biểu trả lời ý kiến cử tri, như PLO đưa tin, cho hay ý kiến của cử tri mong muốn được minh bạch và rõ ràng về 160ha mà theo QĐ367/TT của Thủ tướng là để bố trí tái định cư liền kề với khu đô thị mới Thủ Thiêm. “Vậy số đất đó đang xử lý và giải quyết ra sao, cần trả lời cho người dân rõ” - ông Khuê nói cử tri mong muốn như thế và tổ đại biểu Quốc hội đã có báo cáo. Hiện nay, các cơ quan liên quan đang thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, vừa thống kê vừa nắm lại hiện trạng, xem từng giai đoạn các dự án đó giải quyết ra sao.

“Cử tri nói giờ 160 ha đó đi đâu? Nó không thể trôi ra sông ra biển được” - ông Khuê nói và hứa sẽ báo cáo lại với các cơ quan liên quan, từ đó sẽ giám sát vấn đề này.

“Rất mong làm sao trong thời gian gần nhất vấn đề mà cử tri Thủ Thiêm luôn quan tâm được đưa ra ánh sáng...” - ông Khuê nói và mong muốn vấn đề này sẽ được giải quyết nhanh nhất để quận 2 phát triển hơn nữa.

Còn tiếp

Thượng Tùng - Trung Dũng

 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.