Lúng túng trước bụi mịn và sự cố môi trường
Hà Nội nhiều ngày giữ vị trí quán quân thế giới về ô nhiễm không khí. TP.HCM cũng thường xuyên góp mặt ở top 5. Trong bối cảnh sức khỏe cộng đồng bị đe dọa nghiêm trọng thì phóng viên bị “mời” ra ngoài khi phiên họp với các bộ, ngành, địa phương bàn giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí vừa diễn ra được 15 phút.
Quang cảnh buổi Tọa đàm mùa Xuân thường niên lần thứ 5 - 2020 do Người Đô Thị tổ chức. Ảnh: Quý Hoà
Sự quan tâm đặc biệt của báo chí sẽ ảnh hưởng đến chất lượng chuyên môn của các ý kiến thảo luận, báo Thanh Niên mô tả thái độ bất ngờ của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà. Công luận không bất ngờ, nếu điểm lại những phát ngôn của bộ trưởng này trước những sự cố môi trường. Cháy nhà máy Rạng Đông, Bộ trưởng nói: “Tôi hiện sống ở bán kính 500m gần nhà máy Rạng Đông và hoàn toàn yên tâm”. Vụ đổ dầu thải vào nguồn nước Nhà máy nước sạch Sông Đà, Bộ trưởng nói: “Tôi cũng ăn nước bẩn ba ngày”. Công luận có thể ghi nhận Bộ trưởng có sức khỏe tốt thông qua những phát ngôn. Tuy nhiên, đâu phải người dân nào cũng có điều kiện như Bộ trưởng.
PGS-TS. Nguyễn Đinh Tuấn, nguyên hiệu trưởng Đại học Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, cảm nhận sự lúng túng của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương khi có sự cố môi trường, thậm chí phản ứng không tích cực đối với dư luận xã hội. Ông Tuấn cho hay mới quay lại với giới truyền thông từ tháng 10.2019, thời điểm chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội đạt mức nguy hại. Phần vì báo chí than phiền rằng nhiều tổ chức, cá nhân có thẩm quyền né tránh chất vấn, phần khác là không ít ý kiến được báo chí trích dẫn chưa thỏa đáng từ góc độ khoa học.
PGS-TS. Nguyễn Đinh Tuấn (Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường): "Khi xảy ra sự cố về môi trường, nói thực tôi cảm nhận các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương đều lúng túng.". Ảnh: Quý Hoà |
Tổ chức Y tế Thế giới kết luận khí thải từ phương tiện giao thông là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư. “Đề xuất của chúng tôi cách nay hai thập niên về việc hạn chế phương tiện giao thông cá nhân không được quan tâm”, ông Tuấn tiếc nuối vì hệ thống hạ tầng giao thông công cộng khá tốt, tiếp quản từ chế độ cũ, bị xuống cấp. Thị dân đánh mất thói quen đi xe buýt. Chuyển đổi từ đô thị xe đạp sang đô thị xe máy được xem như giá trị phồn vinh. Xe máy không chỉ là phương tiện đi lại, mà còn là tài sản. Ùn tắc giao thông gây ô nhiễm không khí. Chỉ khi nhận lãnh hậu quả chính quyền thành phố mới siêng vận động người dân hiến kế. Tuy nhiên, những giải pháp đã triển khai đến thời điểm này mang tính dặm vá, có ý nghĩa chuyển ô nhiễm từ khu vực này sang khu vực khác.
Nhắc lại niềm tự hào của đầu tàu kinh tế cả nước với tính năng động, sáng tạo, ông Tuấn có phần chua xót trước thực tế TP.HCM tụt lại ở khía cạnh chất lượng môi trường. Siêu đô thị hơn 10 triệu dân không có hệ thống quan trắc không khí kể từ 2010. Một vài trạm đã đầu tư vẫn chưa nghiệm thu. “Suốt 10 năm, cơ quan hữu trách quay lại với giai đoạn 2003-2004, quan trắc một tháng mấy ngày bằng thiết bị bán tự động”, ông Tuấn hàm ý về độ tin cậy của thiết bị đo lường.
Người dân trở lại TP.HCM phải lấy tay che mặt mũi vì đường đầy khói bụi. Ảnh tư liệu chụp đoạn đường từ cầu vượt nút giao Bình Thuận về hướng vòng xoay An Lạc (huyện Bình Chánh, TP.HCM). Ảnh: Trương Thanh Tùng
Đồng cảm với tâm trạng của ông Tuấn, PGS-TS. Phùng Chí Sỹ khẳng định luật quy định minh bạch thông tin môi trường. Trục trặc ở khâu triển khai thực hiện. Một là cơ quan chịu trách nhiệm không có thông tin công khai. Hai là không tin vào thông tin cần công bố. Cũng không loại trừ tình huống vì ổn định xã hội mà chưa thể công bố. Trở lại vụ hỏa hoạn Nhà máy Rạng Đông, phát tán chất độc ra không khí, ngấm vào kênh rạch, thẩm thấu xuống tầng nước ngầm... Việc UBND phường Hạ Đình bị cấp trên kiểm điểm sau khi phát văn bản cảnh báo người dân, không chỉ phơi bày sự vụng về của chính quyền Hà Nội, mà còn đặt ra trách nhiệm công bố thông tin khẩn cấp khi xảy ra sự cố môi trường.
Nhấn mạnh ý nghĩa của quản lý phát thải, PGS-TS. Nguyễn Đinh Tuấn thông tin chưa có địa phương nào trên cả nước thống kê đầy đủ nguồn thải, xác định nguồn ô nhiễm theo trật tự ưu tiên giải quyết. Đầu tư nguồn lực một lần, những năm tiếp theo cơ quan quản lý Nhà nước nhẹ gánh, chỉ cần cập nhật nguồn thải nào phát sinh, nguồn nào biến mất.
Một bầu khí quyển - nhiều mâu thuẫn pháp lý
Tại phiên họp khẩn để tìm các giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng không khí diễn ra chiều 19.12.2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ, ngành, UBND các tỉnh thành đã thống nhất 10 giải pháp kiểm soát, cải thiện môi trường trong thời gian tới. Trong đó, một trong những giải pháp lâu dài và đầu tiên là “hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường”.
Rạng Đông sau đám cháy, nhìn từ trên cao. Ảnh: VTV
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang triển khai lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường, chuẩn bị trình Quốc hội. Nhắc đến những lần tham vấn cho một số học giả Hoa Kỳ sang thảo luận với lãnh đạo cấp cao, PGS-TS. Nguyễn Đinh Tuấn cho rằng “Việt Nam không thiếu luật, mà thiếu tầm nhìn”, dẫn đến luật bảo vệ môi trường không tồn tại được lâu. Kể từ lần ban hành đầu tiên năm 1993 đến nay, luật đã hai lần phải sửa đổi.
PGS-TS. Phùng Chí Sỹ (Phó chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam): "TP.HCM đã đầu tư dự án hơn ngàn tỉ đồng xây dựng hệ thống giám sát không khí và nước.". Ảnh: Quý Hoà |
PGS-TS. Phùng Chí Sỹ nhận xét, chính sách bảo vệ môi trường có tính xuyên suốt, từ Bộ Chính trị với Chỉ thị 36, thể hiện trong nghị quyết của Đảng, được Quốc hội luật hóa và cụ thể hóa bằng nhiều văn bản dưới luật. Theo quy trình, cấp bộ soạn dự thảo, chuyển lên Chính phủ để trình Quốc hội.
Việc bộ phụ trách ngành nào chuẩn bị dự thảo cho ngành ấy, khuyến khích cơ quan soạn thảo theo định hướng thuận tiện trong quá trình quản lý, chưa kể cài cắm những quy định vì mục tiêu lợi ích nhóm. Hệ quả là nhiều bộ luật xung đột lẫn nhau.
Thậm chí có tình huống hai bộ luật do một bộ soạn thảo cũng mâu thuẫn, chẳng hạn như Luật Tài nguyên nước và Luật Bảo vệ Môi trường cùng do Bộ Tài nguyên và Môi trường soạn thảo. Hai thứ trưởng phụ trách hai mảng họp nhiều cuộc không tìm được tiếng nói chung vì tất cả đều làm đúng luật.
Do luật pháp mâu thuẫn, doanh nghiệp rất khó khăn để làm đúng luật. Làm đúng luật này, lại vi phạm luật kia. Vì thế đành “chạy” cho qua. “Hệ thống pháp luật môi trường khắt khe nhất thế giới, nhiều nhất thế giới, thay đổi nhanh nhất thế giới và hiệu quả thì thuộc nhóm thấp nhất thế giới”, ông Sỹ bình luận.
Bụi và tro xỉ than của các nhà máy đã làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống con người. Ảnh: Trần Đình Thương
Luật Bảo vệ Môi trường sửa đổi lần thứ ba theo hướng nào, có tiến bộ hay không, phải chờ Quốc hội, và các quy định của Chính phủ. Nhưng, người dân hằng ngày không thể thiếu nước sạch sinh hoạt. Càng không thể ngừng ra đường làm ăn cho dù Bộ Y tế có khuyến cáo không khí ô nhiễm mức nguy hại.
Nhìn lại những năm gần đây, ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP.HCM có tính chu kỳ, thường lên đỉnh vào hai tháng 10 và 11. Đến hẹn lại lên, cộng đồng sôi sục, chính quyền nháo nhác. Qua chu kỳ, ô nhiễm giảm, cộng đồng hạ nhiệt, chính quyền vơi bớt áp lực trách nhiệm.
Cộng đồng lên tiếng
Trong một bức tranh rối rắm, chồng chéo luật định, thì những báo động về môi trường sống suy thoái vẫn không ngừng dóng lên. Đã có rất nhiều tổ chức xã hội, tổ chức phi chính phủ bền bỉ lãnh nhận vai trò với từng chiến dịch cụ thể, huy động trồng cây xanh, làm nhà chống lũ, lên tiếng vận động ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng, cảnh báo những nguy cơ.
Trong một diễn biến mới nhất, ngày 30.12, hơn 10 liên minh và tổ chức xã hội ra Tuyên bố Hà Nội, kiến nghị dừng triển khai xây dựng các nhà máy nhiệt điện mới trên lãnh thổ Việt Nam để đảm bảo sức khỏe người dân.
Bức hình miêu tả vào tháng 11 khu vực thành phố Bảo lộc mờ ảo trong khói bụi vìđây là mùa thu hoạch cà phê, người ta đốt vỏ hạt cà phê để sấy cho hạt ca phê. Ảnh: Lê Văn Cường
Đến với tọa đàm năm nay, có một đại diện ở khu vực này là Lê Nguyễn Thiên Hương, thành viên sáng lập tổ chức #SaveSonDoong (Chiến dịch giải cứu Sơn Đoòng). Xuất phát từ nhận thức bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, Thiên Hương cho biết, năm năm qua, tổ chức dân sự này kiên trì theo đuổi mục tiêu bảo vệ nguyên sơ hang động lớn nhất thế giới tại Quảng Bình. Năm 2019 được xem là khoảng thời gian yên ổn nhất của Sơn Đoòng.
Không “làm ầm” trên mạng xã hội nhưng tổ chức dân sự này vẫn âm thầm xách máy móc đến trường học, thư viện... tổ chức Triển lãm Sơn Đoòng thực tế ảo phục vụ miễn phí nhu cầu thưởng ngoạn của cộng đồng. Năm 2019, triển lãm xuất ngoại hai lần. Tháng 4 đến Quảng Châu (Trung Quốc). Tháng 9 qua Bảo tàng New York (Hoa Kỳ). Thêm người yêu mến Sơn Đoòng, thêm tiếng nói bảo vệ Sơn Đoòng.
Lê Nguyễn Thiên Hương (Đại học fulbright Việt Nam: "#SaveSonDoong sống nhờ tình thương cộng đồng.". Ảnh: Quý Hoà |
#SaveSonDoong thành lập 22.10.2014, cũng là ngày báo Tuổi Trẻ giật tít “Sẽ có cáp treo vào Sơn Đoòng”. Thiên Hương kể lại tiến trình “đồng thanh tương ứng” - vốn là thuộc tính cốt lõi của hoạt động dân sự: cùng ngày, Nguyễn Biên Thùy, một công dân Hà Nội, lập trang #SaveSonDoong trên facebook, chia sẻ bài viết 5 lý do vì sao du lịch đại trà sẽ giết chết Sơn Đoòng từ blog cá nhân của Thiên Hương, thu hút hơn 20 ngàn lượt đọc chỉ sau một đêm. Kẻ Bắc người Nam gặp nhau, khởi động chiến dịch hành động bảo vệ Sơn Đoòng. Trước đó ba tháng, cô gái trẻ vào Sơn Đoòng.
Trong chuyến hành trình để đời của mình, Thiên Hương có dịp trò chuyện với Howard Limbert. Người đàn ông ngoại quốc bật khóc khi đề cập đến ý định xây cáp treo vào Sơn Đoòng của Tập đoàn Sun Group. Ông hối hận vì đã tìm thấy Sơn Đoòng. Sau khi Sun Group từ bỏ dự án này thì FLC xuất hiện, theo đuổi ý định biến di sản của nhân loại thành điểm đến du lịch đại trà. Những giọt nước mắt của Howard Limbert thôi thúc Thiên Hương hành động. Những lá thư “kêu oan cho Sơn Đoòng” liên tiếp gởi đến nhiều bộ, ban ngành. Không một dòng hồi âm.
Tạp chí du lịch danh tiếng Conde Nast Traveler của Mỹ ngày 28.12 đánh giá hang Sơn Đoòng của Việt Nam là 1 trong 7 kỳ quan mới của thế giới trong năm 2020. Ảnh: TTXVN
Tiếng vang #SaveSonDoong vượt khỏi ranh giới quốc gia, nhận được sự ủng hộ của sứ quán (Anh, Úc, Thụy Điển, Ý, Canada, Czech, Argentina và Hoa Kỳ), truyền thông quốc tế (Huffington Post, Lonely Planet...), xuất hiện trong bài phát biểu của Tổng thống Barack Obama tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ngày 24.5.2016. Trong chuyến thăm TP.HCM hai ngày sau đó, Barack Obama một lần nữa bị đại diện #SaveSonDoong “cột” bằng câu hỏi trực tiếp về trách nhiệm bảo vệ Sơn Đoòng với tư cách một công dân quốc tế. Việt Nam ký Công ước Bảo vệ di sản thế giới năm 1987, quy định tôn trọng chủ quyền quốc gia nhưng “các quốc gia thành viên công ước này công nhận rằng tài sản đó là một di sản thế giới mà việc bảo vệ nó đòi hỏi sự hợp tác của toàn thể cộng đồng quốc tế”. Sơn Đoòng tạm yên.
Hành trình của #SaveSonDoong gợi mở về quyền tối thiểu của người dân, tham gia định đoạt môi trường sống. #SaveSonDoong không có pháp nhân. Cũng không có nguồn tài chính ổn định. Các thành viên đều có công việc riêng, chẳng hạn như Thiên Hương đang làm việc tại Đại học Fulbright Việt Nam. Sức mạnh của #SaveSonDoong nằm ở mục tiêu chính nghĩa. Cũng chỉ có chính nghĩa mới tạo nên đồng thuận xã hội, mới nhận được sự tiếp sức của truyền thông.
Câu chuyện về #SaveSonDoong như một gam hy vọng trong bức tranh môi trường nhiều gam màu u ám.
Thượng Tùng lược thuật