Chuyên đề đặc biệt:

Võ Văn Kiệt: Trăm năm trong một chữ dân

 10:29 | Chủ nhật, 13/11/2022  0
​​​​​​​LTS: Năm 2009, tròn một năm Thủ tướng Võ Văn Kiệt về cõi vĩnh hằng, chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn đã nói khoảng trống mà cố Thủ tướng để lại không dễ gì lấp được, cuốn hút theo nó những tiếc nuối chất chứa bao kỳ vọng, ước mơ…

Phải chăng còn ông, cái tốt sẽ nhiều hơn, cái không tốt sẽ ít hơn? Phải chăng còn ông, chúng ta sẽ đi nhanh hơn về phía công bằng, dân chủ? Không, kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông, tháng 11 năm nay, ông vẫn còn đó cùng các đồng chí của mình, cùng đất nước mình trong sự tiếc thương của bao người mong muốn thắp sáng mãi lên ngọn lửa yêu nước, thương dân mà ông đã trao truyền; ngọn lửa của tư duy đổi mới, sáng tạo; của tinh thần học hỏi, lắng nghe; của tâm tình bao dung, hòa hợp…

Trăm năm hay nhiều hơn thế, tin rằng Võ Văn Kiệt sẽ mãi mãi ở lại với đất nước này, dân tộc này. Với suy nghĩ đó, Người Đô Thị thực hiện chuyên đề "Võ Văn Kiệt: Trăm năm trong một chữ dân".

Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên công trường đường dây 500KV Bắc-Nam. Ảnh: Minh Đạo


Những mẩu chuyện nhỏ về một nhân cách lớn

“Tôi không bao giờ quên câu nói của ông trong cuộc họp triển khai công trình đường dây 500kV: “Không có bàn tới, bàn lui gì nữa hết, chỉ có làm và làm thật nhanh, hai năm đưa vào sử dụng. Ai không làm đứng qua một bên. Chấm xuống hàng. Hết!” - nhà báo Cổ Thị Minh Thu (nguyên phóng viên Đài Truyền hình TP.HCM), vẫn chưa hết xúc động khi kể lại điều này trong buổi gặp gỡ thân mật các nhà báo, luật sư, văn nghệ sĩ mới đây để chuẩn bị cho các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. 

Họ là những người đã từng biết ông, quen ông, chịu ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp từ những hoạt động của ông trên cương vị lãnh đạo TP.HCM và Thủ tướng Chính phủ. Và câu chuyện của họ như những nét vẽ đẹp góp phần làm đầy đặn chân dung một con người bình dị mà vĩ đại: Võ Văn Kiệt - ông Sáu Dân.

Chiến binh giữa muôn trùng sóng

Câu chuyện của nhà báo Minh Thu đưa mọi người trở về thời điểm cách nay tròn 30 năm. “Cái diễm phúc lớn nhất trong đời làm phóng viên là tôi đã được gặp gỡ, làm việc cận kề với ông suốt 2 năm. Có những kỷ niệm, những dấu ấn ở lại với mình mãi mãi. Tôi nhớ rõ, hôm đó là ngày mùng 5 Tết năm 1992. Tôi được thông báo đến Văn phòng Tổng công ty Điện lực miền Nam ngay, Thủ tướng Võ Văn Kiệt chủ trì bàn việc khởi công đường dây 500kV.

Tôi đến thì ông Sáu đã có mặt cùng các lãnh đạo cao nhất của Bộ Năng lượng và ngành điện. Mở đầu cuộc họp này, ông Sáu nói: “Mọi người cứ nói hết đi rồi tôi quyết”. Rất nhiều ý kiến được nêu lên. Đáng chú ý là có ý kiến so sánh: Thái Lan cũng làm đường dây điện cao thế nhưng họ chỉ làm có 800km trong điều kiện trang thiết bị hiện đại mà phải mất đến 4 năm; còn Việt Nam thì thiết bị rất thô sơ, lại bị cấm vận thì làm sao có thể làm được đường dây 500kV, dài gần 1.500km trong 2 năm? Khó khăn nữa là ngân sách đang thiếu tiền… 

Chờ mọi người nói xong, Thủ tướng đứng dậy: “Về vấn đề tài chánh thì có anh bên dầu khí ở đây, sẽ bán dầu tạm ứng trước cho ngành điện làm kinh phí ban đầu, còn chuyện thanh toán sau này tôi sẽ lo. Về thiết bị, tổ chức như thế nào thì các anh đã được Đảng và Chính phủ đặt ở vị trí cao nhất trong công việc của mình thì các anh phải phát huy để tiến hành…”. Nhà báo Minh Thu kể: “Khi Thủ tướng nói, tôi nhìn ông, tự hỏi: Tại sao lại có ông lãnh đạo dữ dội như vậy?”. 

Cái tính cách “rất Võ Văn Kiệt” ấy thể hiện xuyên suốt chặng đường 2 năm thi công đường dây 500kV. Từ khi khởi đầu đến lúc hoàn thành công trình, ông Kiệt luôn phải đối diện với “muôn trùng sóng” (như cách ví von của nhà báo Minh Thu), mà sóng sau luôn cao hơn sóng trước. “Sóng” là những luồng ý kiến phản biện, trái chiều, phê phán gay gắt; nó đòi hỏi một bản lĩnh phi thường để cương, nhu đúng lúc, sao cho mục đích cuối cùng phải đạt được. 

Thủ tướng Võ Văn Kiệt thị sát thi công công trình đường dây 500kV. Ảnh: TL


Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người quyết đoán nhưng sẽ sai lầm nếu cho rằng ông không biết lắng nghe. Trái lại, ông luôn luôn lắng nghe, biết cách lắng nghe và sẵn sàng, thậm chí rất thích nghe ý kiến “nghịch nhĩ”. Lần đó, khi công trình đường dây 500kV đã đi được một phần ba chặng đường thì một Việt kiều ở Pháp gởi thư cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trong thư nói rằng người ấy rất ngưỡng mộ ông, nhưng với đường dây 500kV thì Thủ tướng không phải nhà chuyên môn mà dám quyết như thế là duy ý chí.

Ông ta cho rằng công trình không thể thành công với những lý do: thứ nhất, đường dây dài 1.500km từ Bắc vào Nam, về tài chính, Việt Nam không đủ năng lực; thứ hai là về kỹ thuật, Việt Nam hoàn toàn không có, hiện tại còn dùng cái tời bằng tre, còn dùng xuồng ghe để kéo dây qua sông; thứ ba là vấn đề an ninh thì đường dây đi sát biên giới Campuchia rất khó bảo vệ, còn nếu đi sát biển thì bị xâm thực mặn, đường dây sẽ hư rất nhanh… Người ấy đề nghị Thủ tướng nên dừng công trình dẫu đã muộn nhưng vẫn còn kịp. 

Sau khi đưa nhà báo Minh Thu đọc bức thư, ông Sáu hỏi chị: “Sao, bây thấy sao?”. “Chú ơi, bây giờ đường dây khởi công rồi, một trăm ngàn con người đang rải trên suốt cái tuyến 1.500 cây số từ Bắc vào Nam mà giờ đưa cái thư can gián này ra thì có làm dao động tinh thần anh em không? Thôi, hay là để khi nào xong rồi mình nói”.

Ông cười: “Chán mày quá, mày thấy cây mà không thấy rừng. Cái người mà họ phản bác mình, họ sẽ nói thẳng những điều mà những người họ nể mình, họ nịnh mình, sẽ hổng dám nói. Đây là dịp để triệu tập các nhà khoa học đưa vấn đề này ra trao đổi khi công trình chưa kết thúc. Nếu được anh em nói thêm những điều mà có khi mình chưa thấy hết thì quá tốt”. 

Chỉ có thể là ông Sáu! 

Cái cách lắng nghe của ông Võ Văn Kiệt cũng là điều khiến nhà báo Vũ Kim Hạnh (nguyên Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ) kính nể. Khi mới về báo Tuổi Trẻ, bà được phân công tổ chức một cuộc họp với văn nghệ sĩ để nghe họ nói lên suy nghĩ của mình, đồng thời xem họ có kiến nghị gì với lãnh đạo.

Bà hơi băn khoăn: “Tụi mình ngồi với nhau thì kiến nghị với ai?”. Thật ra hôm đó ông Sáu có đến nhưng yêu cầu để ông ngồi nghe ở sau tấm vách ngăn phòng họp với thư viện và không được để ai biết. Anh em văn nghệ sĩ thấy không có mặt lãnh đạo nên mạnh dạn “móc hết ruột gan” nói lên suy nghĩ của mình, nhiều người còn ước “phải chi có ông Sáu để nói cho ổng nghe thì hay biết mấy”!

“Sau này tôi mới biết kỹ hơn, Ông Sáu không xuất hiện vì muốn nghe mọi người nói thật những điều họ nghĩ. Sau cuộc gặp đó, suy nghĩ của tôi về lãnh đạo thay đổi rất nhiều. Khi nghe tôi nói chắc không có ông lãnh đạo nào đi họp mà lại “núp” đằng sau tấm vách như vậy thì Tổng biên tập Võ Như Lanh mới đùa “Đó là ông Sáu”. Anh Lanh nói một cách đơn giản vậy. Đó là lần đầu tiên tôi thấy một người lãnh đạo muốn đích thân nghe, tiếp cận ý kiến của quần chúng thay vì nghe qua báo cáo của người khác” - nhà báo Vũ Kim Hạnh nhớ lại.

Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm phòng Truyền thống của báo Tuổi Trẻ. Ảnh tư liệu báo Tuổi Trẻ


Là người làm báo lâu năm, lại có nhiều dịp tiếp xúc, gần gũi ông Võ Văn Kiệt, câu chuyện của nhà báo Nguyễn Thế Thanh, nguyên Tổng biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM lại cho thấy một ông Sáu Dân khẳng khái, bình dị, bao dung, thấu hiểu và chân thành. Tháng 12.1976 diễn ra Đại hội Đảng lần thứ IV, đại hội đầu tiên sau khi đất nước thống nhất. Ông Võ Văn Kiệt là một trong những đại biểu ra rất muộn vì phải giải quyết nhiều công việc của Sài Gòn mới giải phóng.

“Tôi may mắn được đi cùng chuyến bay chở ông ra dự đại hội. Chuyến bay ấy đặc biệt vì ngoài tôi là phóng viên báo Phụ Nữ còn có cả ông Dương Văn Ba, Phó Tổng biên tập báo Tin Sáng - tờ nhật báo duy nhất do tư nhân xuất bản trước 1975 được duy trì sau ngày thống nhất.

Các thư ký của ông Sáu băn khoăn về việc này nên hỏi: “Ông bên báo Tin Sáng có được đi chung chuyên cơ không?”, ông Sáu trả lời ngay: “Người ta là nhà báo thì cứ đi chớ có gì mà được với không”. Tôi thấy rất rõ ông Sáu không hề phân biệt bên này, bên kia”, nhà báo Thế Thanh kể. 

Đó cũng là cách nghĩ, cách chỉ đạo xuyên suốt trong tư tưởng và hành động của ông Võ Văn Kiệt về vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc. Báo Tin Sáng tiếp tục xuất bản sau năm 1975 được một thời gian thì lãnh đạo ở trung ương chỉ đạo thành phố cho tờ báo này được “hoàn thành nhiệm vụ”. Ông Võ Văn Kiệt lúc bấy giờ làm Bí thư Thành ủy.

Cuộc gặp gỡ ôn lại kỷ niệm về ông Sáu Dân nhân 100 năm ngày sinh của ông (từ trái): Bà Võ Hiếu Dân (con gái ông Sáu Dân), nhà báo Vũ Kim Hạnh, luật sư Trương Trọng Nghĩa, nhà báo Cổ Thị Minh Thu, nhà thơ Nguyễn Duy, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn, nhà báo Hà Phương, nhạc sĩ Tôn Thất Lập. Ảnh: Lệ Thủy


Sau khi làm việc với lãnh đạo báo Tin Sáng về vấn đề nhân sự, ông mời lãnh đạo các báo của thành phố đến: “Tôi giao nhiệm vụ cho các đồng chí tiếp nhận đội ngũ của báo Tin Sáng về tờ báo mình để làm việc. Ai phù hợp việc gì thì đưa họ theo dõi lĩnh vực đấy. Tôi chỉ có một yêu cầu là các đồng chí không được có bất cứ cách làm nào, lời nói nào làm tổn thương các anh chị đó... Tinh thần là thực tâm học hỏi nghề làm báo của họ chứ không phải nhận họ về cho phải phép, đối phó…”.

Trong suy nghĩ của nhà báo Thế Thanh, ông Võ Văn Kiệt đã thể hiện một tư duy lãnh đạo báo chí rất đặc biệt, tới bây giờ vẫn rất hiếm hoi! 

Người bạn, người cởi trói cho văn nghệ sĩ

Dù bận trăm công nghìn việc của một thành phố mới giải phóng, nhất là phải lo chuyện cơm áo của mấy triệu dân thành phố, nhưng ông Võ Văn Kiệt không hề quên chăm lo món ăn tinh thần cho người dân. Chính vì vậy ông có tình cảm, sự quan tâm đặc biệt dành cho văn nghệ sĩ. 

Ca sĩ Cẩm Vân nhớ lại: “Khi còn ở TP.HCM hay sau này khi đã ra Trung ương, mỗi lần gặp gỡ là ông Kiệt đều không quên hỏi: “Tụi con sống thế nào, sống được không?”. Ông quan tâm không chỉ với tư cách người lãnh đạo mà còn như người thân trong gia đình. Và nhờ có sự quan tâm, gần gũi của những người lãnh đạo như ông mà giới ca sĩ chúng tôi thời đó đạp xe đạp đi hát với cát sê chỉ bằng một tô phở vẫn thấy vui”.

Còn nhạc sĩ Tôn Thất Lập thì nhận xét: “Ông Kiệt là người có tấm lòng rộng mở đối với văn nghệ sĩ. Ông thường hỏi thăm rất kỹ về nhiều người, xem quan điểm của anh chị em thế nào… Ông trao đổi rất thoải mái, thân tình để biết rõ chứ không phải để thăm dò, xét nét”. Có lần nhạc sĩ Tôn Thất Lập viết báo cáo về tình hình các nhạc sĩ cũ, trong đó có đề xuất đưa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ Huế vào Sài Gòn để nhạc sĩ họ Trịnh có điều kiện hoạt động tốt hơn. Ông Sáu đồng ý ngay.

Ông Sáu Dân cùng hát bài “Nối vòng tay lớn” với một số nhà báo, văn nghệ sĩ TP.HCM bên bờ sông Sài Gòn, 1999. Ảnh: TL


Nhóm nhạc sĩ Những người bạn ra đời cũng từ ý kiến của ông Sáu, gồm các nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Từ Huy, Thanh Tùng, Nguyễn Ngọc Thiện, Nguyễn Văn Hiên. “Ông Sáu rất quan tâm đến hoạt động sáng tác của các nhạc sĩ. Gặp anh em ông hay hỏi thăm xem có bài mới không rồi bảo hát cho ông nghe; nghe xong ông cũng không ngại bày tỏ nhận xét… Với tôi, ông Sáu là một người lãnh đạo rất yêu văn nghệ sĩ, nhất là nghệ sĩ sáng tác, đến nay tôi chưa thấy ai bằng...”, nhạc sĩ Tôn Thất Lập chia sẻ.   

Nhà thơ Nguyễn Duy cũng có rất nhiều kỷ niệm sâu đậm với ông Võ Văn Kiệt. Năm 1981, TP.HCM chuẩn bị thành lập các hội văn nghệ chuyên ngành. Bí thư Thành ủy chủ trương tổ chức một hội nghị với các văn nghệ sĩ chủ chốt để nhìn lại các hoạt động văn nghệ từ sau năm 1975. Hôm Hội Nhà văn nhóm họp, ông Võ Văn Kiệt đến dự, mang theo một chai rượu.

“Chúng tôi uống rượu, nói chuyện rất vui vẻ, hát, đọc thơ tặng Bí thư Thành ủy. Tôi đọc hai bài, bài Ông già Hậu Giang, nói lên cái ngang tàng của một ông già Nam bộ; bài thứ hai là Bán vàng nói về nỗi gian khổ của anh em văn nghệ thời kinh tế lao đao, bao vây cấm vận bên ngoài, “ngăn sông cấm chợ” bên trong. Đọc xong, nhiều người nói với tôi “mày chết, thế nào mày cũng bị ông Bí thư Thành ủy nạo cho sói trán”, nhà thơ Nguyễn Duy kể.

Nhưng thật bất ngờ, hôm sau thư ký của ông Võ Văn Kiệt đến tận nhà Nguyễn Duy nói rằng Bí thư Thành ủy xin hai bài thơ đọc hôm qua “để làm kỷ niệm tình cảm”. Càng bất ngờ hơn là tại hội nghị văn nghệ sĩ sau đó, ông Võ Văn Kiệt đã đọc bài thơ Bán vàng để mở đầu bài phát biểu. 

Với tác giả của tiểu thuyết đình đám một thời Đứng trước biển, kỷ niệm với ông Sáu Dân hàm chứa sự biết ơn sâu sắc. Những tác phẩm mang tính đột phá của nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn ra đời chính là vào thời kỳ ông Võ Văn Kiệt làm Bí thư Thành ủy TP.HCM. “Ông Sáu Dân là người luôn đặt niềm tin vào những cộng sự của mình. Có thể nói không chỉ cởi trói cho kinh tế mà ông Sáu còn cởi trói cho cả văn học, nghệ thuật; cởi trói cho những người sáng tạo món ăn tinh thần cho xã hội”, tác giả Cù lao tràm đúc kết. 

Lệ Thủy

Luật sư Trương Trọng Nghĩa (Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM): 

Một nhà - lãnh - đạo - lớn không chờ được vinh danh

Võ Văn Kiệt không phải người được học hành, đào tạo bài bản qua các trường lớp nhưng trong ông là một kho kiến thức khổng lồ được đúc kết từ cuộc sống thực tiễn và sự ham học hỏi, lắng nghe.

Trí tuệ uyên bác đó là thiên bẩm và sự khổ luyện. Nhưng trên hết đó là tình yêu vô bờ bến của ông với đất nước và dân tộc. Vì tình yêu đó mà ông dám hy sinh, dám quyết đoán và dám làm những việc phi thường.

Là một nhà lãnh đạo chịu nhiều nỗi đau chiến cuộc: vợ và hai con bị bom đạn địch giết chết, không tìm được xác, con trai lớn hy sinh trong chiến đấu, nhưng ông đã vượt lên đau thương, mất mát riêng, vì cái nghĩa lớn hơn là đại đoàn kết dân tộc. Tôi và vợ tôi đều có cha là liệt sĩ, ngã xuống trên chiến trường, ông nội tôi cũng là liệt sĩ. Chúng tôi coi ông là tấm gương trong cách ứng xử với những đau thương và khác biệt do cuộc chiến để lại.

Đường dây 500kV là một ví dụ về tâm huyết của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người lãnh đạo hết lòng vì sự nghiệp chung. Ông đã qua đời, nhưng đường dây 1.488km xuyên rừng sâu, vượt núi cao, nối liền mạng điện Nam Bắc vẫn hoạt động suốt ba thập kỷ qua và còn nhiều thập kỷ nữa, đóng góp rất lớn cho nền năng lượng của nước nhà.

Đây cũng là một ví dụ về những người mà tôi xin gọi là những “nhà - lãnh - đạo - lớn”. Đó là những nhà lãnh đạo dám dấn thân vào những việc mà họ cho là có ích, là cần thiết cho dân, cho nước, chấp nhận hy sinh, vượt qua trở lực, không chờ đợi được vinh danh, không sợ mất ghế - như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
 

Chuỗi hoạt động tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23.11.1922 - 2022) được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch Nước, Chính phủ và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức. Lễ kỷ niệm cấp quốc gia sẽ được tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long vào ngày 23.11.2022 với sự tham dự của khoảng 700 đại biểu Trung ương và địa phương.

Bên cạnh Lễ dâng hương và Lễ kỷ niệm cấp quốc gia còn có nhiều hoạt động khác: hội thảo khoa học cấp quốc gia; xây dựng phim tài liệu về đồng chí Võ Văn Kiệt; chương trình nghệ thuật chính luận trực tiếp về đồng chí Võ Văn Kiệt; xây dựng phim tài liệu bằng tiếng dân tộc để tuyên truyền cho đồng bào các dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc vùng Nam bộ; xuất bản sách về đồng chí Võ Văn Kiệt; tôn tạo Khu tưởng niệm cố Thủ tướng…

Ảnh: Nguyễn Á

Ngoài ra, tỉnh Vĩnh Long cũng sẽ phối hợp tổ chức chuỗi hoạt động: triển lãm mỹ thuật khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 27; hội thi sinh vật cảnh phía Nam mở rộng; lễ phát hành đặc biệt bộ tem “Kỷ niệm 100 năm sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt”; lễ đón nhận bằng xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa quốc gia Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt; hội nghị xúc tiến đầu tư về du lịch và thương mại cấp quốc gia…

Đặc biệt, dịp này NXB Tổng hợp TP.HCM phối hợp cùng gia đình đang chuẩn bị xuất bản quyển sách Võ Văn Kiệt: Trăm năm trong một chữ dân. Quyển sách là tập hợp các bài viết và hình ảnh của những người từng gặp gỡ, làm việc, chịu ảnh hưởng từ những hoạt động của nhà cách mạng Võ Văn Kiệt: các trợ lý, thư ký, chuyên gia, trí thức; nhà báo, văn nghệ sĩ, doanh nhân… Nội dung sách là những câu chuyện chưa từng được công bố hoặc ít nhiều mọi người đã được nghe kể qua, góp phần tô đậm thêm “phẩm chất Võ Văn Kiệt”.

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.