Trong số báo đầu năm Giáp Thìn này, Người Đô Thị có cuộc trò chuyện với nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh về tiến trình khai sinh các bộ sách công cụ ngôn ngữ từ đầu thế kỷ XX đến nay.
Bắt đầu từ công trình mới nhất của ông, bộ Đại tự điển Hán -Việt (NXB Hồng Đức, Công ty TNHH Sách Thời Đại). Xin ông cho biết, quá trình biên soạn bộ đại tự điển này, những tiện ích của nó đem lại cho người dùng?
Vì lý do tế nhị, tôi xin phép được lướt qua không trả lời đầy đủ câu hỏi này để tránh độc giả có thể nghĩ tôi mượn việc trả lời phỏng vấn liên quan học thuật để quảng cáo sách. Còn về quá trình biên soạn bộ đại tự điển này cũng như những đặc điểm và lợi ích của nó cho người dùng, tôi đã có viết rõ trong “Lời nói đầu” của sách.
Nhà nghiên cứu Trần Văn Chánh. Ảnh: TL
Nói sách công cụ, trường hợp này là tự/từ điển Hán - Việt, người ta thường nhắc đến Đào Duy Anh và Thiều Chửu, trong khi đó trên thị trường sách hiện nay, các loại sách tự/từ điển Hán - Việt rất phong phú? Sẵn đây ông phân biệt sự khác nhau giữ từ điển và tự điển như thế nào?
Đúng là trong suốt thời gian 70 - 80 năm trở lại đây, tuy phần khuyết điểm ít nhiều này khác là khó tránh khỏi do các mặt hạn chế của thời đại cũng như phương tiện tham khảo còn ít ỏi, hai công trình Hán - Việt từ điển của Đào Duy Anh (xuất bản lần đầu năm 1932) và Hán - Việt tự điển của Thiều Chửu (xuất bản lần đầu năm 1942) được biên soạn công phu đã có vai trò quan trọng nổi bật và được tín nhiệm lâu dài của đại chúng trong việc dùng tra cứu để học tập chữ Hán và từ ngữ Hán Việt.
Về sau, khá nhiều tự/từ điển Hán - Việt mới khác đã ra đời, tất nhiên tiến bộ hơn, đặc biệt là cập nhật được nhiều từ ngữ mới, nhưng công phu bỏ ra có vẻ không được nhiều lắm so với các bậc tiền bối do phần nhiều các soạn giả chỉ biên dịch lại từ một cuốn tự/từ điển có sẵn nào đó của Trung Quốc hiện đại.
Trong cuốn Từ điển - Sách công cụ chữ Hán của Việt Nam và Trung Quốc (NXB Tổng hợp TP.HCM, 2019), liên quan đến những bộ tự/từ điển Hán - Việt xuất hiện trong giai đoạn từ sau 1950 đến 2007, tôi đã lần lượt giới thiệu 22 bộ sách của nhiều soạn giả khác nhau, với chất lượng khác nhau, tựu trung đều có mặt đóng góp tích cực tùy theo lãnh vực và nhu cầu mà người sử dụng quan tâm.
Nói sơ qua về sự khác biệt giữa tự điển với từ điển: tự điển lấy đơn tự (từ đơn chữ Hán) làm từ đầu mục; từ điển cũng lấy đơn vị tự làm từ đầu mục, nhưng dưới mỗi từ đầu mục (là từ đơn) còn liệt kê và giải thích ý nghĩa rất nhiều từ ngữ mà từ đơn ở trên là một thành tố cấu tạo nên chúng, được xếp theo một trật tự quy ước nhất định, như dưới mục từ đơn chữ ĐẠI là lớn, sẽ có: đại bán (phần lớn, quá nửa, quá bán), đại bản doanh (đại bản doanh), đại trường (ruột già), đại xa (xe to), đại thần (quan lớn), đại tu (sửa chữa lớn), đại hùng miêu (gấu mèo), đại tự nhiên (giới tự nhiên), đại ngôn bất tàm (nói phét không biết ngượng)…
Trước đây ở Việt Nam, người ta thường dùng lẫn lộn giữa hai tên gọi tự điển và từ điển, đều dịch từ chữ dictionnaire (Pháp) hoặc dictionary (Anh), trong khi ở Trung Quốc, hai khái niệm này được phân biệt một cách rõ ràng hơn.
Bìa tác phẩm Đại tự điển Hán-Việt. Ảnh: Tiki
Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử, đặc biệt là nền Nho học thời quân chủ, đã có những công trình tự/từ điển nào?
Từ thời Nho học cũ bước sang thời tân học Pháp thuộc, thật ra Việt Nam đã có một số công trình biên soạn tự/từ điển Hán - Việt đáng kể. Ban đầu là Hán - Nôm, tức chữ Hán dịch ra tiếng Việt cổ (Nôm). Có thể kể: Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa (của sư Pháp Tính, thế kỷ XVII), Nhật dụng thường đàm (của Phạm Đình Hổ, khoảng 1827), Tự điển tiết lục (của Phạm Công Vĩ, bài tựa viết năm 1852), Đại Nam quốc ngữ (của Nguyễn Văn San, mục “Nghĩa lệ” đề năm 1880), Tự Đức thánh chế tự học giải nghĩa ca (của vua Tự Đức, khắc in năm 1898), Nam phương danh vật bị khảo (của Đặng Xuân Bảng, khắc in năm 1902), An Nam dịch ngữ (do một người Trung Quốc thời Minh biên soạn khoảng giữa thế kỷ XVI).
Ngoài ra còn có những sách phổ thông dạy chữ Hán theo phương thức đối chiếu Hán - Nôm, có công dụng tương đương tự điển, như Nhất thiên tự, Tam thiên tự, Ngũ thiên tự.
Hầu hết các sách kể trên trong thời gian về sau và gần đây đều đã được các nhà nghiên cứu trong nước cho phiên âm, dịch nghĩa, chú giải in thành sách, rất tiện cho lớp trẻ hiện đại học tập, nghiên cứu chữ Nho, tức Hán cổ.
Ở giai đoạn tiếp theo, trước cả Đào Duy Anh và Thiều Chửu, còn có vài công trình quan trọng ít được biết, tạm gọi là những công trình từ điển Hán - Việt tiên phong.
Trước hết nên nhắc đến phần phụ trương gọi là “Từ vựng Quốc ngữ - chữ Nho - chữ Pháp” đăng trên tạp chí Nam Phong từ số 1 (7.1917) đến các số 13 và 14 (4.1918), với tổng cộng chừng 2.000 mục từ, tương đương với một từ điển Hán - Việt - Pháp khổ nhỏ chừng 200 trang.
Công trình thứ hai là bản phác thảo Hán - Việt từ điển đã được phát khởi từ năm Khải Định thứ 10 (1925), do bộ Học chủ biên, được biên soạn và phát hành mỗi tháng một kỳ, in tại nhà in Đắc Lập ở Huế, dưới hình thức những tập từ điển phác thảo, nhằm thu thập ý kiến đóng góp bổ sung của đông đảo độc giả và học giả trong nước. Phụng duyệt hành là Học bộ (bộ Học, bộ Giáo dục), Phụng duyệt biên là Binh bộ Thị lang Nguyễn Bá Trác. Việc làm công phu, có tham vọng thông kim bác cổ, đã thu thập giải thích được rất nhiều từ ngữ, thành ngữ, điển tích, nhân danh, địa danh. Nhưng công việc bị dở dang vì những lý do không tên, không thấy được xuất bản thành sách như nhóm chủ biên mong muốn.
Ngoài ra, xuất bản năm 1933 tại Nam Định (do Imprimerie TRUONG PHAT), sau Hán - Việt từ điển của Đào Duy Anh một năm, nhưng quyển Việt - Hán thông thoại tự vị của nhóm Đỗ Văn Đáp biên soạn công phu đã được chuẩn bị từ trước đó khá lâu và hoàn thành trong năm 1925. Cuốn từ điển đặc biệt này dày 1.122 trang khổ lớn, đã trở thành quý hiếm, ít được biết đến, hiện còn một bản lưu trữ tại Phòng đọc Hán Nôm của Thư viện Tổng hợp TP. HCM để phục vụ rộng rãi độc giả.
Lẻ tẻ, trong giai đoạn trước 1950, sau tự điển Thiều Chửu, còn thấy xuất hiện vài bộ tự/ từ điển có lẽ ít quan trọng, như Nam - Hoa tự điển của Nguyễn Trần Mô (in lần đầu năm 1942), Hán - Việt tân từ điển của Hoàng Thúc Trâm (in lần đầu năm 1951)…
Ông đã xuất bản tập sách Từ điển - Sách công cụ chữ Hán của Việt Nam và Trung Quốc. Thưa ông, “công cụ ngôn ngữ” đã ảnh hưởng/tác động thế nào đến quá trình phát triển không chỉ của văn học mà cả khoa học tự nhiên của Việt Nam?
Có lẽ không cần lý luận nhiều, qua thực tế, mọi người đều thấy rõ tất cả những nước tiên tiến đều rất sớm chú trọng đến việc công cuộc xây dựng và phát triển công cụ ngôn ngữ của họ, trong đó có vấn đề xây dựng hệ thống thuật ngữ thống nhất bằng tiếng bản ngữ cho các ngành học thuật cả về tự nhiên lẫn xã hội.
Bởi vì ngôn ngữ, trong đó có thuật ngữ khoa học, vốn là phương tiện chủ yếu để biểu đạt, học tập - giảng dạy và giao lưu liên quan các ngành khoa học khác nhau và ngày càng hiện đại hóa. Gần bên ta đã có hai nước đồng văn Trung Quốc và Nhật Bản tiến bộ rất nhanh mà nay đã trở thành đại cường quốc về khoa học kỹ thuật và kinh tế, tấm gương của họ về lãnh vực này thật ra đã được một số bậc thức giả người Việt chú ý tham khảo từ những năm 30-40 của thế kỷ trước, mà tiêu biểu là học giả Hoàng Xuân Hãn với công trình Danh từ Khoa học (Toán, Lý, Hóa, Cơ, Thiên văn), dày 200 trang khổ 16x24cm, xuất bản lần đầu vào năm 1942, sau đó được tái bản nhiều lần với tham vọng phát khởi cho việc dùng chuyển ngữ tiếng Việt thay cho tiếng Pháp trong các trường trung, đại học tại Việt Nam.
Với một viễn kiến tương tự, thời gian sau, vào những năm 50 của thế kỷ trước, nhóm Nhà xuất bản Minh Tân (Paris), rất tâm huyết với việc phổ biến kiến thức mới bằng Việt ngữ cho dân Việt, do ông Nguyễn Ngọc Bích phụ trách, đã biên tập và xuất bản hàng loạt từ điển thuật ngữ chuyên môn, như Danh từ Khoa học (Vạn vật học) của Đào Văn Tiến (dày 108 trang, khổ 13x19cm), Danh từ Y học của Phạm Khắc Quảng và Lê Khắc Thiền (dày 256 trang, khổ 13x19cm), Danh từ Âm nhạc của Tống Ngọc Hạp (dày 336 trang, khổ 13x19cm).
Lẻ tẻ trong những năm này, thời kỳ kháng chiến, thấy có cuốn Tự điển danh từ Vi trùng học của Phạm Văn Huyến (Nghệ An, 1950), sau sửa chữa bổ sung thêm tiếng Anh, phát triển thành Tự điển danh từ Vi trùng học Pháp - Việt - Anh của cùng soạn giả (Giấy kiểm duyệt số 200 XB ngày 29.1.1959 của Nha Thông tin và Báo chí).
Nói chung là còn rất ít so với nhu cầu sử dụng của học giới.
Ảnh minh họa. Nguồn: VNU Media
Là người chú tâm nghiên cứu sách công cụ ngôn ngữ, ông có nhận thấy nhu cầu biểu đạt các khái niệm mới bằng tiếng Việt cần được chuẩn hóa, minh định để thống nhất khái niệm (trong sự phát triển nhanh của khoa học hiện nay)?
Việc chuẩn hóa thuật ngữ tiếng Việt, bằng cách trước hết đối chiếu với tiếng Pháp, rồi sau tới tiếng Anh, giảng bằng tiếng Việt, lẽ tất nhiên là cần thiết cho việc chuyển ngữ từ Pháp sang Việt, đặc biệt đối với cấp cao đẳng, đại học cũng đã được các thế hệ học giới sau Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Ngọc Bích… tiếp tục thực hiện với một tâm huyết không kém những người đi trước.
Từ năm 1954, sau Hiệp định Genève, đất nước tạm thời bị chia cắt thành hai miền Nam - Bắc đối lập nhau về ý thức hệ chính trị nhưng cùng sinh hoạt trong điều kiện chiến tranh liên miên, công cuộc xây dựng vì thế nói chung nhiều lúc đã bị gián đoạn.
Tại miền Bắc, do ảnh hưởng mới của Liên Xô và Trung Quốc, và phần ảnh hưởng cũ còn sót lại của Pháp, nhiều sách từ điển thuật ngữ đối chiếu Nga - Việt, Trung - Việt, hoặc Pháp - Nga - Trung - Việt đã được biên soạn, nhưng ít tập trung, mà phần nhiều do các nhà xuất bản hoặc trường, viện nghiên cứu tổ chức thực hiện để đáp ứng nhất thời cho nhu cầu hoạt động của ngành mình.
Vài thí dụ: Từ điển Y học Nga - Việt của Hoàng Đình Cầu và Nguyễn Văn Trong (NXB Khoa Học, Hà Nội, 1967), Danh từ Hóa học Nga - Anh - Việt (NXB Khoa học, 1962), Danh từ Vật lý Nga - Anh - Việt (NXB Khoa học, 1962), Từ điển thuật ngữ Luật học Nga - Trung - Pháp - Việt (NXB Khoa học Kỹ thuật, 1971), Danh từ đối chiếu tên các loài cá có giá trị kinh tế ở miền Tây Thái Bình Dương Latinh - Nga - Trung Quốc - Triều Tiên - Việt Nam - Mông Cổ - Nhật - Anh (Bắc Kinh, 1964)…
Đáng chú ý nhất là công trình tập thể quy mô lớn, bộ Danh từ Y Dược Pháp - Việt gồm 2 tập (tập I: phần Y; tập II: phần Dược) xuất bản lần đầu năm 1963 do BS. Hoàng Đình Cầu chủ biên, Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch đề tựa (tháng 7.1962). Đến năm 1976 gộp in chung thành một quyển có sửa chữa bổ sung với 60.000 mục từ, dày 704 trang khổ 16x24cm. Công trình có giá trị này biên soạn công phu, được coi là đặt nền tảng cho thuật ngữ y học tại Việt Nam mà các từ điển y học xuất hiện sau nó cả ngoài Bắc lẫn trong Nam phần nhiều đều dùng làm tài liệu tham khảo chính. Đến năm 2001, công trình này được bổ sung phần đối chiếu tiếng Anh cho những từ đơn, thành Từ điển Y học Pháp - Anh - Việt do NXB Y học ấn hành, chỉ tiếc một điều là sách có đến khoảng trống gần 50 năm không được bổ sung, cập nhật từ mới và tiếng Pháp ngày nay cũng ít thông dụng trong các trường đại học có phân khoa y dược.
Về sau, trên cơ sở tham khảo phát huy từ bộ Danh từ Y Dược Pháp - Việt, BS. Bùi Khánh Thuần đã soạn Từ điển Y học Anh - Việt, dày 1.188 trang, khổ 16x24cm, do NXB Ngoại văn - NXB Y học ấn hành năm 1988, đến nay vẫn được coi là bộ từ điển y học Anh - Việt đầy đủ nhất và tương đối đáng tin cậy hơn cả, chỉ hiềm các sách mà soạn giả dùng tham khảo đã khá cũ (mới nhất có cuốn in năm 1985), nên không thu thập được những từ hoặc cụm từ y học mới xuất hiện từ năm 1985 đến nay.
Xây dựng hệ thống thuật ngữ là một quá trình lịch sử lâu dài mà sự thành tựu nhanh hay chậm là tùy vào nỗ lực, thiện chí, tâm huyết của giới học giả và đại chúng, cũng như sự quan tâm thúc đẩy của nhà chức trách theo hướng bất vụ lợi, tận tâm phục vụ nhân dân...
Tại miền Nam, cùng thời với bộ sách kể trên có công trình tư nhân của BS. Lê Khắc Quyến, mang tên Danh từ Y học, do Nhà sách Khai Trí ấn hành lần đầu năm 1966 (khởi in từ năm 1962 nhưng kéo dài), dày 944 trang, khổ 14x20cm. Một nỗ lực cá nhân đáng khâm phục, nhưng còn không ít hạn chế, đặc biệt có khuynh hướng sử dụng quá nhiều từ Hán - Việt rất khó hiểu đối với phần nhiều người Việt không am tường Hán ngữ.
Về những khoa chuyên môn khác ngoài y học, có thể nói từ trước năm 1975, để thực hiện chuyển ngữ ở bậc đại học, miền Nam đã có một phong trào biên soạn thuật ngữ rất sôi nổi tích cực, mà tiêu biểu là Ủy ban Quốc gia Soạn thảo Danh từ chuyên môn, do GS. Lê Văn Thới làm chủ tịch, với nhiệm vụ (theo Nghị định số 1101-GD/PC/NĐ ngày 18.5.1967):
- Đặt nguyên tắc phiên dịch và phiên âm ra Việt ngữ các danh từ chuyên môn bằng ngoại ngữ.
- Kiểm điểm, tham khảo và nghiên cứu các tập danh từ chuyên môn hiện hữu để xác nhận, bổ túc hoặc đính chính để chánh thức hóa và thống nhất việc áp dụng.
- Soạn thảo, bổ túc những danh từ chuyên môn cần thiết cho việc giảng dạy tại các trường và các cấp học Việt Nam.
- Kiểm điểm hằng năm tình trạng sử dụng của mỗi danh từ và cứu xét những đề nghị và những thắc mắc của giáo chức về vấn đề nầy.
- Chánh thức hóa các danh từ mới hoặc thông dụng; hủy bỏ danh từ không hợp thời.
(theo Nội san Danh từ chuyên môn, Bộ Giáo dục và Thanh niên, tháng 8. 1969, tr. VII).
Theo nghị định nêu trên thì trực thuộc Ủy ban Quốc gia Soạn thảo Danh từ chuyên môn có 12 Ban Chuyên môn: 1. Luật khoa; 2. Văn khoa; 3. Khoa học; 4. Y khoa; 5. Dược khoa; 6. Nha khoa; 7. Sư phạm; 8. Kỹ thuật; 9. Mỹ thuật; 10. Kiến trúc; 11. Nông-Lâm-Súc; 12. Nguyên tử năng.
Ủy ban đã cho xuất bản định kỳ một tập nội san lấy tên Danh từ chuyên môn. Những danh từ mà Ủy ban đã duyệt xét sẽ được đăng tải lần lần trong nội san này. Đầu tờ nội san có bài viết “Nguyên tắc soạn thảo danh từ chuyên khoa” (dài 23 trang).
Các công trình xuất bản đều thấy ghi: TỦ SÁCH KHOA HỌC. Giám đốc: LÊ VĂN THỚI. Đã xuất bản được: Danh từ Dược học Pháp - Việt (Nguyễn Văn Dương, 1970), Danh từ Nguyên tử năng Pháp - Việt (Nguyên tử lực cuộc, 1970), Danh từ Mỹ thuật Pháp - Việt (1970).
Trước đó, TỦ SÁCH KHOA HỌC cũng do GS. Lê Văn Thới giữ chức Giám đốc đã ra được một số tập danh từ khoa học, đều do Bộ Quốc gia Giáo dục Sài Gòn xuất bản: Danh từ Toán học Pháp - Việt, Danh từ Vật lý Pháp - Việt (1962), Danh từ Hóa học Pháp - Việt (1963), Danh từ Thực vật học Pháp - Việt (1963), Danh từ Động vật học Pháp - Việt (1965).
Ngoài công việc của Ủy ban nêu trên, trong giai đoạn tương đương (1960-1970), một số đơn vị thuộc các viện, trường và vài tạp chí chuyên môn cũng đã tự phát chủ động biên soạn thuật ngữ liên quan đến ngành mình, dưới hình thức những bản sơ thảo có tính cách đề nghị chờ thu thập thêm ý kiến của học giới, như các tạp chí Luật khoa, tập san Nhãn khoa, tập san Acta Medica Vietnamica, tập san Quân y Việt Nam… Họ đã cho đăng dần từng kỳ trên các số báo, nhưng tất cả đều bị dở dang do sự kiện 30.4.1975.
Riêng Y khoa Đại học đường Sài Gòn đã lần lượt xuất bản được trọn vẹn 6 tập Danh từ Cơ thể học (Nomina Anatomica) Latinh - Pháp - Việt trong các năm 1963-1965.
So sánh kết quả làm việc giữa hai miền Nam - Bắc, phải khách quan thừa nhận miền Nam có phần đa dạng phong phú hơn nhờ chính sách tự do về học thuật, nhưng vướng phải khuyết điểm là hơi lộn xộn và đôi khi có những cá nhân tài năng nhưng làm việc tự phát thiếu phương pháp; lại trong vấn đề chế tác thuật ngữ, có xu hướng sử dụng quá nhiều từ gốc Hán khó hiểu (như bì phu, địa dịch, công xúc tu sỉ…).
Trong khi đó, giới học thuật miền Bắc được chính sách Việt hóa cổ vũ, đã đặt ra được nhiều từ mới dễ chấp nhận hơn (trừ trường hợp Việt hóa hơi quá lố), cán bộ chuyên môn thường được đào tạo bài bản, làm việc tập thể trong chiến tranh, ít nghĩ tới lợi ích cá nhân hơn tinh thần phục vụ, nên đã tạo ra được một số sản phẩm có giá trị, nhưng nói chung ít ỏi về mặt số lượng cũng như về tính đa đạng.
Họ còn bị ý thức hệ chính trị chi phối, nên đôi khi định nghĩa một danh từ nào đó mà cũng khoác lên cho nó một tính nhân dân - tính giai cấp. Vài trường hợp khác biệt trong dụng ngữ giữa hai miền Nam - Bắc hiện vẫn còn gây ít nhiều tranh cãi, nhưng không đáng kể, như dùng hỏa tiễn hay tên lửa, trực thăng hay máy bay lên thẳng… Cũng có trường hợp một từ miền Nam quen dùng một cách rất hình tượng nhưng miền Bắc không bao giờ có cũng không bao giờ hiểu, như Chung sự vụ để chỉ đơn vị trong quân đội chuyên lo hậu sự/ an táng những quân nhân tử trận, thiết nghĩ ngày nay cũng nên đưa vào từ điển để các thế hệ trẻ về sau đọc hiểu…
Thí sinh đại học thế kỷ XXI cầu may trước trường đại học đầu tiên ở Việt Nam - Văn miếu Quốc Tử Giám Hà Nội. Ảnh: Việt Phố Cổ
Nói đến các danh từ khoa học trong quá trình tiếp thu nền văn minh, khoa học phương Tây, người ta hay nhắc đến người tiên phong Hoàng Xuân Hãn, so với thời điểm những danh từ khoa học đó bắt đầu chuẩn hóa tại Việt Nam, thì giờ mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Quan sát của ông, hiện nay trên các lĩnh vực khoa học như y học, sinh học, vật lý, toán học, tin học... cũng như các lãnh vực khoa học ứng dụng công cụ ngôn ngữ có gặp trở ngại gì không? Theo ông nếu cần phải nghiên cứu sáng tạo thì ưu tiên trong lãnh vực nào?
Trước khi đi vào phần chính văn của cuốn Danh từ Khoa học, GS. Hoàng Xuân Hãn đã có một “Lời dẫn” dài đến 40 trang tương đương với một bài nghiên cứu lý luận về vấn đề chế tác thuật ngữ trong điều kiện Việt Nam thời điểm cuốn sách ra đời (1942), trong đó ông đã nêu lên được một số nhận xét sâu sắc về tính cách một danh từ khoa học (trang XI), từ đó vạch ra một phương sách đặt danh từ (trang XIX) mà tác giả cho là hợp lý nhất và hữu hiệu nhất.
Noi theo ông, đã dần dà xuất hiện một số sách, bài khảo cứu chuyên bàn luận vấn đề thuật ngữ tiếng Việt, như ngoài bài viết “Nguyên tắc soạn thảo danh từ chuyên khoa” đăng trong Nội san danh từ chuyên môn (1969) của Sài Gòn đã nêu ở trên, có thể kể: Danh từ chuyên khoa trong Việt ngữ của Đàm Quang Hậu (NXB Đại học Huế, 1958), Về vấn đề xây dựng thuật ngữ khoa học của Lưu Vân Lăng (NXB Khoa học Xã hội, 1977), Chuẩn hóa chính tả và thuật ngữ (NXB Giáo Dục, 1984), và gần đây nhất là quyển Thuật ngữ tiếng Việt hiện đại do Nguyễn Đức Tồn chủ biên (NXB Khoa học Xã hội, 2016)…
Riêng về môn từ điển học, đặc biệt có cuốn Một số vấn đề từ điển học do Nguyễn Ngọc Trâm chủ biên (NXB Khoa học Xã hội, 1997) mà theo tôi, ai muốn bắt tay biên soạn từ điển giải thích tiếng Việt hay từ điển đối chiếu đa ngôn ngữ cũng nên tham khảo để không bị vướng phải những vấp váp sơ đẳng về phương pháp - lý luận cũng như về những khía cạnh có tính cách vi mô khác.
Trong điều kiện thuận lợi chấm dứt chiến tranh sau ngày đất nước thống nhất 1975, từ điển - sách công cụ các loại, các ngành thi nhau xuất hiện như nấm mọc sau mưa. Trong cuốn Từ điển về từ điển (NXB Văn hóa Thông tin, 2004), soạn giả Vũ Quang Hào đã liệt kê giới thiệu được gần 1.000 quyển sách có tên gọi “tự điển, từ điển”; không liệt kê những sách công cụ khác như các loại sổ tay, sách tra cứu, cẩm nang, thuật ngữ, danh từ…
Có công nhất trong việc tổ chức thực hiện các loại từ điển - sách công cụ có lẽ phải kể một số nhà xuất bản có tính chuyên ngành như Khoa học Kỹ thuật, Khoa học Xã hội, Giáo dục, Nông nghiệp, Y học, Ngoại văn… đã cho ra hàng trăm công trình thuộc mọi ngành khoa học khác nhau với sự biên tập và in ấn tương đối kỹ lưỡng.
Tuy nhiên, vì thuộc một lãnh vực còn tương đối mới, các mặt khuyết điểm và nhược điểm là rất khó tránh khỏi. Trong điều kiện nền kinh tế thị trường có cạnh tranh, bên cạnh chất lượng biên soạn ngày càng tăng, vẫn bị xen vào xu hướng chạy theo thành tích và lợi nhuận qua một số từ điển - sách công cụ biên tập cẩu thả, tài liệu tham khảo chỉ loe hoe vài sách báo, hoặc chỉ là sách xào đi nấu lại từ mấy công trình đã có trước với mục đích in ra để bán (thậm chí có trường hợp cùng một cuốn sách được cho in lại với nội dung y nguyên như cũ, chỉ đổi tên sách, tên tác giả hoặc nhóm chủ biên và nhà xuất bản), hoặc đôi khi chúng được đứng tên bởi một nhà xuất bản rất “chính quy” nào đó! Vài bộ từ điển lớn sử dụng ngân sách Nhà nước để tổ chức thực hiện, đã có sự tư túi gian lận và biên tập qua loa, bị giới học thuật phê bình chỉ trích…
Riêng về khía cạnh thống nhất thuật ngữ, vốn là nội dung chủ yếu của vấn đề đang xét, có thể đánh giá cho đến nay chúng ta chỉ giải quyết được chừng 50-60 phần trăm so với yêu cầu, tạm xài được thôi, vì vẫn còn không ít thuật ngữ bị sử dụng khác nhau giữa các sách khoa học đã xuất bản. Sự hạn chế này có lẽ cũng nên được coi là điều bình thường, vì công cuộc xây dựng hệ thống thuật ngữ thống nhất ở tầm mức quốc gia luôn không phải là một chuyện đơn giản đối với mọi nước, nó đòi hỏi phải có sự kế thừa, phát huy, sàng lọc - chọn lọc và công nhận trong một khoảng thời gian lâu dài nhất định.
Các thế hệ học giới đi trước chúng ta đã tỏ ra rất thông minh linh hoạt trong cách vận dụng các yếu tố Hán ngữ để chế tác danh từ tiếng Việt, nhiều trường hợp đã đặt ra được những từ gọn hơn so với từ gốc Hán Trung Quốc, như nói hội chứng (Trung Quốc: tông hợp trưng), hoa hậu (Trung Quốc: tuyển mỹ hoàng hậu, đệ nhất mỹ nhân), học cụ (Trung Quốc: học tập dụng cụ); một số từ khác dùng toàn yếu tố tiếng Hán nhưng không theo Trung Quốc, như nói hải phận (Trung Quốc: lãnh hải), hải tặc (Trung Quốc: hải đạo) (sau đẻ ra thêm cát tặc, tin tặc…), hậu môn (Trung Quốc: cang môn/ giang môn; trong Hán ngữ hiện đại “hậu môn” có nghĩa cửa sau; Hán ngữ cổ đại có 5 nghĩa nhưng chỉ có một nghĩa như “hậu môn” trong tiếng Việt), vi khuẩn (Trung Quốc: tế khuẩn), hậu tố (Trung Quốc: hậu xuyết), tiền tố (Trung Quốc: tiền xuyết)… Ưu điểm này rất cần được phát huy.
Nói cách khác, xây dựng hệ thống thuật ngữ là một quá trình lịch sử lâu dài mà sự thành tựu nhanh hay chậm là tùy vào nỗ lực, thiện chí, tâm huyết của giới học giả và đại chúng, cũng như sự quan tâm thúc đẩy của nhà chức trách theo hướng bất vụ lợi, tận tâm phục vụ nhân dân, tương tự như nhóm Hoàng Xuân Hãn trong Chính phủ Trần Trọng Kim (1945) chỉ uống nước trà, ăn bánh ngọt, không xôi thịt trong vòng một, hai tuần đã cho ra được bộ chương trình giáo dục có giá trị áp dụng lâu dài, thường được mệnh danh là Chương trình Hoàng Xuân Hãn. So với phong cách làm việc của Viện hàn lâm Khoa học Việt Nam hiện nay, thật khác xa một trời, một vực.
Trần Văn Chánh là soạn giả của một số tự điển, từ điển và những sách công cụ liên quan đến việc học tập, nghiên cứu chữ Hán, đặc biệt đối với Hán cổ được lưu hành rộng rãi từ những năm 1990 của thế kỷ trước như Từ điển Hán-Việt -Hán ngữ cổ đại và hiện đại, Đại tự điển Hán-Việt-Hán ngữ cổ và hiện đại...
Ngoài ra ông cũng là tác giả của những khảo cứu: Bàn về giáo dục Việt Nam trước và sau 1975; Người xưa cảnh tỉnh - Thói hư tật xấu của người Việt trong con mắt các nhà trí thức nửa đầu thế kỷ XX (viết chung với nhà nghiên cứu Vương Trí Nhàn); Những bài học thuộc lòng Tân quốc văn giáo khoa thư.
Duy Thông thực hiện