Đề xuất "giải pháp tổng thể" cải tạo sông Tô Lịch thành Công viên lịch sử-văn hóa-tâm linh Tô Lịch" bằng nguồn vốn từ phía Nhật Bản của Công ty CP Tập đoàn Môi trường Nhật Việt (JVE) đang thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn và dư luận.
Ý tưởng hay nhưng tránh "treo đầu dê bán thịt chó"
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, PGS.TS Phạm Ngọc Trung - Giảng viên cao cấp ngành Văn hóa học (Học viện Báo chí và tuyên truyền), nhìn nhận đây là đề xuất tương đối tổng hợp, bao gồm rất nhiều vấn đề như: Kiến trúc đô thị, cảnh quan môi trường, môi trường nước, xây dựng tượng đài, biểu tượng văn hóa từ thời Hùng Vương đến thời đại Hồ Chí Minh dọc trên sông Tô Lịch với chiều dài gần 15km.
GS.TS Phạm Ngọc Trung - Giảng viên cao cấp ngành Văn hóa học - Học viện Báo chí và tuyên truyền. |
"Theo tôi đây là một ý tưởng tốt. Trước đó nhiều cơ quan, đơn vị đã đề xuất nhưng do kinh phí không có nên chỉ làm được từng bước. Nhưng Công ty JVE đã làm một cách có hệ thống, có bài bản, có ý tưởng hay và tốt" - PGS.TS Phạm Ngọc Trung nhìn nhận ban đầu.
Nhấn mạnh ý tưởng của Công ty JVE "rất hay, nếu làm được như vậy thì rất tốt". Tuy nhiên, Giảng viên cao cấp ngành Văn hóa học - Học viện Báo chí và Tuyên truyền đặc biệt lưu ý: "Việc này có thực hiện được theo kế hoạch hay không đó thực sự là vấn đề".
PGS.TS Phạm Ngọc Trung phân tích: Thứ nhất, tên gọi "Công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh" là tên gọi mới nhưng "không được chính xác", chỉ nên gọi là "Công viên lịch sử - văn hóa" bởi vì trong "văn hóa" đã bao gồm cả "tâm linh".
Thứ hai, công ty JVE chưa nói rõ kế hoạch của họ như thế nào?. "Theo tôi được biết, Công ty JVE có đề xuất mở rộng lòng sông, kè hai bên và đáy bằng bê tông như vậy là không khoa học. Như vậy, ý tưởng hay nhưng kế hoạch thực hiện lại có nhiều vấn đề không khoa học. Đã gọi là sông thì phải có sự nối tiếp giữa đất và nước, nếu kè hai bên và kè đáy thì không còn là sông nữa mà là một con kênh... Do đó cần phải xem xét lại".
Thứ ba, Công ty JVE đề ra một ý tưởng rất lớn tuy nhiên vấn đề tài chính chưa được đề cập rõ ràng; đối tác khi thực hiện có đủ tiềm lực để thực hiện như những kế hoạch ban đầu hay không; khi xây dựng xong ai quản lý, sử dụng, tu bổ như thế nào; ai chịu trách nhiệm?.
"Chúng ta chưa biết năng lực của nhà đầu tư đến đâu nên nếu không cẩn thận thì gặp phải tình trạng "treo thịt dê, bán thịt chó", quảng cáo thì rất hay nhưng khi thực hiện thì liên kết với nhau đội giá... vấn đề này Hà Nội đã mắc phải nhiều lần... Chính vì thế, trước khi suy nghĩ đến việc phê duyệt, các cơ quan có thẩm quyền cần có những nhận định, bàn bạc kỹ lưỡng và có cái nhìn tổng thể để thực hiện tốt nhằm tránh các "nhiệm kỳ sau" phải giải quyết hậu quả" – PGS.TS Phạm Ngọc Trung lưu ý.
Cùng đó, cho rằng đây là những vấn đề quan trọng, PGS.TS Phạm Ngọc Trung đề xuất cần có sự góp ý của các cơ quan Trung ương như bộ Tài nguyên và Môi trường, bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đặc biệt là các chuyên gia Văn hóa và ý kiến người dân cùng nhau xây dựng giúp nhà thầu thực hiện đúng như đề xuất.
"Nhà thầu đưa ra đề xuất là một chuyện, nhưng các cơ quan quản lý Nhà nước cần nghiên cứu chặt chẽ để thẩm định năng lực và giám sát họ trong quá trình xây dựng và chăm sóc cho công trình sau này.
Dưới góc độ chuyên môn tôi cũng cảm thấy lo lắng. Nếu mình chỉ làm cho xong việc thì cũng đã khó! Còn làm để duy trì mãi mãi trở thành không gian văn hóa, một điểm nhấn văn hóa về lâu dài của Thủ đô thì phải có sự tính toán chu đáo. Làm với tinh thần trách nhiệm cao, nếu làm cho qua, không lo đến quyền lợi chung thì không nên.
Chúng ta phải đặt ra tất cả các vấn đề như vậy, không làm theo tư duy nhiệm kỳ, tư duy nửa vời... phí tiền của dân, của nhà nước. Cái gì chắc chắn mới làm" - PGS.TS Phạm Ngọc Trung đưa quan điểm.
Cùng trao đổi về vấn đề trên, PGS.TS Đinh Hồng Hải - Giảng viên bộ môn Nhân học Văn hóa, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội - cho rằng, Công ty JVE đã nhầm lẫn một yếu tố địa lý (con sông) với một thiết chế văn hóa (công viên).
Theo ông, một bên là sản phẩm thiên tạo, một bên là do nhân tạo. Tất cả những con sông nổi tiếng như sông Hương ở Huế, sông Seine ở Paris (Pháp) hay sông Thames ở London (Anh) qua nhiều lần cải tạo đô thị vẫn là chính nó mà không hề bị biến thành một công viên nào cả vì nó là dòng sông của lịch sử tự nhiên ở các thành phố đó từ ngàn đời xưa.
Sông Tô Lịch phải là sông!
Bàn về giải pháp phục hồi sông Tô Lịch, GS.TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và môi trường, cho rằng giải pháp cho sông Tô Lịch là phải "phục hồi lại con sông" dù không được như trước đây nhưng "sông phải là sông chứ sông không phải là công viên", sông phải gắn liền với lịch sử văn hóa của Thủ đô Hà Nội.
"Chỉ có tái tạo cảnh quan để tăng cường quá trình làm sạch nguồn nước của sông để phục hồi lại sông, vì dự án tách nước thải khỏi sông Tô Lịch đã có. Hiện nay, TP.Hà Nội đã vay tiền của Chính phủ Nhật thông qua tổ chức Jica và đã triển khai 4 gói thầu, trong đó có gói thầu thu gom nước thải dọc lưu vực S2 (lưu vực của sông Tô Lịch) đưa về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000 m3/ngày/đêm. Thứ hai, đối với các khu vực nước thải phân tán không thể thu gom được vào hệ thống thoát nước của sông thì cũng đã có định hướng" – GS.TS Trần Đức Hạ nói.
Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường, trước đây Công ty JVE có đề xuất, thí điểm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor thì giờ không còn phù hợp vì nước thải đã được các cơ quan chức năng của TP.Hà Nội thu gom. Sau khi thu gom nguồn bổ cập chính của sông Tô Lịch chủ yếu là nước mưa, hoặc bổ cập nước từ sông Hồng vào qua Hồ Tây.
"Việc này Hà Nội đã có dự án, có quy hoạch như việc bổ cập, lưu lượng như thế nào để tạo dòng chảy cho sông ở mùa khô. Sau đấy, trên dọc sông thì kết hợp khôi phục lại hệ sinh thái của sông…" – GS.TS Trần Đức Hạ nói, đồng thời nhấn mạnh, đã là sông thì phải có bờ, có cỏ cây… không thể kè thẳng đứng được.
"Nói chung, làm cách nào cũng được nhưng phải đảm bảo kiến trúc cảnh quan và bảo tồn hệ sinh thái của sông. Đặc biệt, sông Tô Lịch phải đảm bảo sinh thái và là sông thoát nước, chứ sông mà không thoát nước thì Thành phố úng, đọng thì sao?. Hà Nội hiện nay có 4 sông thoát nước là sông Tô Lịch, Lừ, Sét và Kim Ngưu nhưng cũng là khu sinh thái của đô thị, đã sông là phải có dòng chảy, có bờ. Đáy sông là phải giữ, sông không phải cống nên làm đáy sông thì phải làm thế nào để đảm bảo sinh thái. Phải tùy từng giải pháp, thiết kế nhưng sông phải là sông và phải đảm bảo hệ sinh thái" – GS.TS Trần Đức Hạ nhấn mạnh.
Thành An