Trong những ngày vừa qua, tại miền Trung, đặc biệt là Quảng Bình, Quảng Trị, Huế... tình hình lũ lụt diễn phức tạp. Việc các hồ thủy điện đồng loạt xả lũ, kết hợp với mưa lớn kéo dài đã làm cho vùng hạ du của các tỉnh miền trung bị ngập lụt trên diện rộng, gây thiệt hại nghiêm trọng cả về tài sản lẫn con người.
Theo tìm hiểu của phóng viên, hiện nay trên địa bàn các tỉnh miền trung này có tới hàng chục thủy điện lớn và nhỏ đang hoạt động và nhiều dự án nghìn tỷ được cấp phép hoặc đang trong quá trình xây dựng.
Trong đó, đáng kể như tính đến đầu 2019, tỉnh Quảng Trị có 8 dự án thủy điện (công suất từ 3 MW đến 64 MW) đã đi vào vận hành, phát điện. Tại Huế là 13 dự án, Quảng Bình cũng có trên 10 thủy điện và hàng loạt dự án khác dần hình thành trong tương lai.
Về khía cạnh kinh tế, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng trong các dự án về đầu tư, đầu tư vào thủy điện là hiệu quả nhất. Tổng mức phí ban đầu tuy rất cao, song chi phí dành cho maketting, bán hàng thấp, lợi nhuận lớn.
Bên cạnh đó, lượng điện sản xuất ra bao nhiêu đều được bán hết, không chỉ phục vụ chỉ riêng trong nước mà nhu cầu xuất khẩu điện sang các nước khác cao, thời gian vận hành lâu dài nên dẫn đến tình trạng "người người, nhà nhà" đua nhau tìm kiếm cơ hội phá rừng đầu tư thủy điện.
"Chúng ta nói nhiều về việc cấp phép cho các dự án thủy điện khó, phức tạp vì ảnh hưởng, tác động đến môi trường lâu dài và nghiêm trọng, nhưng vì sao vẫn có hàng chục, hàng trăm công trình được cấp phép xây dựng? Điều này, cần quay trở lại vấn đề về lợi ích kinh tế, lợi nhuận của các dự án thuỷ điện đưa lại rất lớn cho nên có hay không việc tồn tại các "nhóm lợi ích" trong việc bất chấp để phê duyệt hàng loạt dự án thủy điện cóc này?", ông Long nhận định.
Cũng theo vị chuyên gia kinh tế này, đồng ý phê duyệt công trình thủy điện, đồng nghĩa với việc chấp nhận chặt cây, phá rừng với diện tích lớn. Và khoản lợi từ khai thác gỗ cũng là một trong những nguyên nhân khiến các nhà đầu tư hứng thú với loại hình đầu tư trên.
Tương tự, ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở KHCN tỉnh Nghệ An, cũng cho rằng thủy điện “cóc” là dạng dự án thủy điện có công suất nhỏ. Dạng dự án này được nhiều doanh nghiệp lao vào làm vì suất đầu tư vừa phải, thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận lớn.
"Người ta xây thủy điện với lý do điều tiết lũ, nhưng thật ra không phải như vậy. Họ kiếm lợi từ cây rừng bị chặt phá là chính, rồi sau đó có thể là năng lượng điện và nhiều nguồn tài nguyên khác. Nhưng vô hình chung, khi họ phá rừng thì cũng tước mất lá chắn hữu hiệu của thiên nhiên để điều tiết các dòng chảy của nước," ông Thành cho hay.
Theo Giám đốc Sở KHCN tỉnh Nghệ An, bình quân các nhà máy thủy điện cóc 1MW tiêu tốn 1 - 10 ha rừng đầu nguồn. Ví dụ dự án Rào Trăng 3 công suất 11 MW chiếm 11 ha, dự án Rào Trăng 4 công suất 14 MW tốn 168 ha rừng vùng Khu bảo tồn thiên nhiên huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) và đầu tư hết 290 - 500 tỷ đồng.
So với điện mặt trời, để xây dựng nhà máy điện mặt trời 1 MW cần khoảng 0,6 ha. Giả sử công suất hữu ích khoảng 50% thì cũng chỉ mất 1,2 ha đất. Như vậy so với thủy điện là tương đương vì thủy điện công suất hữu ích cũng khoảng 70% là tối đa. Suất đầu tư của hai hình thức này cũng ngang nhau.
Trong khi, đất giá trị canh tác nông nghiệp thấp, hoang hóa ở vùng miền Trung cũng như Bắc trung bộ còn rất nhiều, việc đầu tư dự án điện mặt trời góp phần chống lãng phí quỹ đất.
"Sao cứ phải nhăm nhe lên rừng? Hay ngoài xả nước hái tiền thì còn có thứ đàng sau dự án là tận dụng gỗ rừng? Riêng tỉnh Thừa Thiên Huế còn có 11 dự án thủy điện cóc tổng công suất chỉ 105 MW! Rất cần rà lại để loại bỏ không chỉ ở tỉnh này mà tất cả", ông Thành quan ngại.
Liên quan đến vấn đề phát triển thủy điện vừa và nhỏ, chia sẻ với báo chí, Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và môi trường nhận định, thời gian quan vừa qua Việt Nam cho phát triển thủy điện vừa và nhỏ hơi nhiều, và cũng chưa có những giải pháp về những trường hợp nếu tất cả thủy điện cần xả lũ, có thể gây lụt lội vượt mức chịu đựng của nền đất nơi đó, nhưng trường hợp vừa rồi ở Rào Trăng chẳng hạn.
Sự thật thì bình thường không sao, nhưng đến khi vào hoàn cảnh thời tiết thay đổi, mưa lụt nhiều, nước dâng cao… thì phải xả lũ. Và nếu xả lũ không đồng bộ, không tính toán trước những tình huống khó khăn, thì có thể dẫn tới sạt lở đất đá, như ở Rào Trăng vừa rồi.
Theo ông Đặng Hùng Võ, trong khoảng 10 năm qua tại Việt Nam đã động viên sức đầu tư của tư nhân vào các thủy điện vừa và nhỏ, để tăng sản lượng điện quốc gia. Nhưng bên cạnh đó, những giải pháp để có thể ngăn rủi ro trong trường hợp xấu nhất, theo ông là chưa đảm bảo.
Theo Tổng cục Phòng chống thiên tại, phá rừng, xây thủy điện là nguyên nhân của lũ quét, sạt lở đất… Từ năm 2010 đến 2019 đã xảy ra 260 trận lũ quét, sạt lở đất ảnh hưởng tới các vùng dân cư, làm chết và mất tích 910 người, thiệt hại về kinh tế ước tính hàng chục nghìn tỉ đồng.
Quang Dân