Các loài chim hoang dã được bày bán công khai tại chợ Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Ảnh: HV
Trong quá trình hóa trang điều tra tại vùng “đặc khu” bán lậu chim trời, phóng viên VietnamPlus đã được chủ các gian hàng tại chợ nông sản Thạnh Hóa (tỉnh Long An) tiết lộ nguồn gốc của các loài chim, cò, rùa, rắn được bắt từ Vườn Quốc gia Tràm Chim, Khu Bảo tồn thiên nhiên Láng Sen, biên giới Camphuchia và được “hợp thức hóa” vào các trại gây nuôi thương mại.
Đó cũng là những “khối băng chìm” đang ngày đêm quyết “án tử” cho hàng triệu cá thể động vật hoang dã quý, hiếm.
Những "trang trại bình phong!”
Theo tiết lộ của Đào - chủ một gian hàng buôn bán động vật hoang dã tại chợ Thạnh Hóa, các mặt hàng chim, cò, đại bàng, rùa, rắn,… tại đây đều có nguồn gốc từ tự nhiên.
Nguồn hàng này, Đào thu mua của người dân thông qua những chuyến đi bẫy bắt ở khắp các tỉnh miền Tây, nhất là tỉnh Đồng Tháp - nơi có “thiên đường chim” là Vườn Quốc gia Tràm Chim và Khu bảo tồn thiên nhiên Láng Sen.
Toàn bộ động vật hoang dã trên sau khi thu mua sẽ được nhốt trong các lồng sắt, bán tại chợ.
Riêng các loài quý hiếm thuộc nhóm 1B, sẽ được thả trong trang trại nuôi thương mại của gia đình - nơi được các “con buôn” tiết lộ chỉ là “bình phong” để hợp thức hóa các nguồn hàng trước khi quyết định “án tử” và đưa đi tiêu thụ.
Để chứng minh, Đào mở điện thoại ra khoe khuôn viên trang trại gây nuôi thương mại với hàng chục loài hoang dã đang được nuôi nhốt ở nhà và tiết lộ “thực ra đây chỉ là nơi trưng bày, tập kết hàng sống. Còn hàng đông lạnh chị còn cả mấy nghìn kg, nhiều lắm, đang để trong tủ lạnh ở nhà. Bất cứ lúc nào khách cần cũng có.”
Cũng nằm trong khuôn viện chợ Thạnh Hóa, bà Tâm - chủ gian hàng bán chim cảnh có tên Yên Tâm cho biết “hàng” của bà 100% là hàng tự nhiên được bẫy bắt khắp các tỉnh miền Tây. Ngoài ra, bà còn thu mua khối lượng lớn, chim, cò, rùa, rắn hoang dã từ phia bên kia biên giới là nước bạn Camphuchia.
Vì thế, bà Tâm không ngần ngại tuyên bố: “Khách cần bao nhiêu cũng có và vận chuyển thoải mãi, do nhà có trang trại làm bình phong nên yên tâm.” Nói xong, bà mở điện thoại khoe loạt ảnh chim, cò,… bắt ngoài tự nhiên đang nhốt trong trang trại của gia đình và nói “nếu bán động vật mà bán đồ nuôi thì chỉ có lỗ thôi.”
Ngoài ra, bà Tâm còn chia sẻ kinh nghiệm buôn bán nhà hàng thì nên trưng bày một ít động vật sống, ngay như gian hàng bà đang bán cũng có không ít loài hoang dã cực kỳ quý, hiếm như rùa núi vàng, rùa răng, đặc biệt là rái cá.
Không chỉ chợ Thạnh Hóa mới buôn bán hàng “sách đỏ” công khai, mà ngay tại chợ Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp (nằm cách Vườn Quốc gia Tràm Chim khoảng 1km), hoạt động buôn bán, sát hại các loài chim trời, rùa, rắn hoang dã cũng diễn ra công khai.
Theo chủ các gian hàng thì nguồn hàng này được bẫy bắt từ Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Chia sẻ với khách rõ hơn về nguồn hàng, bà T. chủ một gian hàng bán chim trời tại chợ Tam Nông cho biết nhà có em trai và người dân vào khu bảo tồn để răng lưới bắt đem ra đây bán. “Sáng nay cô vừa thịt 25 con chim, ở nhà còn khoảng 50 con nữa, nếu cưng cần lấy 200 con thì sáng mai có hàng, chiều nay người ta mới giao.”
Vừa dứt lời, bà T. liền rạch bụng cá thể chim cắt đã vặt sẵn lông để trên bàn còn bê bết máu. “Yên tâm đi, đảm bảo đây là hàng tự nhiên, ở đây còn đổ hàng lên khu chợ chim Thạnh Hóa và Sài Gòn. Nếu mua thì cô gửi xe cho, chim đóng trong thùng xốp chẳng ai phát hiện cả,” bà chủ bán hàng đon đả...
Các loài chim hoang dã được bày bán công khai tại chợ Thạnh Hóa, tỉnh Long An. Ảnh: HV
Không chỉ chợ Tam Nông, mà tại nhà hàng bè nổi, nằm đối diện trước cổng Khu du lịch Tràm Chim, người viết cũng dễ dàng hỏi mua thịt chim trời.
Theo lời người làm việc tại nhà hàng này thì “ở đây vì khu vực bảo tồn, không có hàng sẵn nhưng em muốn ăn thịt chim thì chị sẽ mua về chế biến cho. Ở đây sen ốc là ngon nhất...”
Cấp phép khống tràn lan, thiếu kiểm soát
Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác bảo tồn, bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) cho biết hiện nay trên cả nước theo số liệu cung cấp từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì có hơn 20.000 cơ sở gây nuôi thương mại động vật hoang dã lớn, nhỏ với nhiều loài động vật khác nhau bao gồm động vật hoang dã quý hiếm và động vật hoang dã thông thường.
Điều đáng quan tâm là, hiện nay, quy chế quản lý đối với những cơ sở gây nuôi động vật hoang dã vì mục đích thương mại vẫn còn hết sức lỏng lẻo.
Qua khảo sát thực tế trong năm 2014-2015 tại 26 các cơ sở gây nuôi trên cả nước, ENV phát hiện tất cả các cơ sở đều có dấu hiệu nhập lậu động vật hoang dã từ tự nhiên.
Trong số đó, 16/26 cơ sở gây nuôi có dậu hiệu rõ ràng về việc nhập lậu động vật hoang dã như mua bán giấy tờ về động vật hoang dã có nguồn gốc từ tự nhiên. “Chúng tôi cũng nghĩ ngờ rằng có sự tiếp tay của một số cán bộ kiểm lâm, dẫn đến việc tạo điều kiện cho những cơ sở này tiếp tục chuyển hàng tấn những động vật hoang dã đi tiêu thụ tại các thị trường trong và ngoài nước,” bà Hà nhấn mạnh.
Vẫn theo bà Hà, thời gian qua, có hàng tấn động vật hoang dã được vận chuyển, nhưng đều có giấy tờ hợp pháp từ những tỉnh khu vực phía Nam như Long An, Đông Tháp, An Giang, Tây Ninh về Thành phố Hồ Chí Minh,… trong khi nhiều loài hoang dã không có khả năng phát triển tốt trong môi trường gây nuôi.
Chìm, cò hoang dã được nuôi nhốt trong một gian hàng buôn bán chim trời có tên Yên Tâm ở chợ Thạnh Hóa. Ảnh: HV
“Điều đó cho thấy thấy nhiều dấu hiệu đáng ngờ rất có khả năng đó là những lô hàng động vật hoang dã nhập từ tự nhiên và được hợp pháp hóa vào các trang trại. Hiện nay, ENV cũng đang có nghi ngờ với một số trang trại ở khu vực phía Nam,” bà Hà nói và cho rằng “để có thể gây nuôi thương mại thành công và đem lại lợi ích kinh tế cho người nuôi thì phải mất rất nhiều thời gian. Như cá thể rùa răng mất khoảng 10 năm mới trưởng thành để buôn bán.”
“Tôi không dám khẳng định 100% là các cơ sở gây nuôi thương mại động vật hoang dã ở Việt Nam là có vấn đề, nhưng rõ ràng tôi nhìn thấy nhiều cơ sở như các cơ sở có quy mô lớn lập ra chỉ là vỏ bọc để buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Vì thế, chúng ta cần phải có những giải pháp cực kì quyết liệt và nghiêm khắc,” bà Hà nhấn mạnh.
Vị chuyên gia ENV cũng lưu ý, mặc dù pháp luật đã có những quy định về điều kiện có thể thành lập những cơ sở gây nuôi thương mại động vật hoang dã, trong đó điều kiện tiên quyết là cái loài đó phải nằm trong danh mục được công bố của cơ quan khoa học Cites về việc có khả năng sinh sản, sinh trưởng tốt trong môi trường có kiểm soát, nhưng trên thực tế vẫn chưa được thực thi.
Vì thế, ENV đề suất cần có 1 cơ sở dữ liệu quốc gia các trang trại gây nuôi thương mại động vật hoang dã, từ đó có thể xem động vật hoang dã từ trang trại này có thực sự đi đến trang trại kia hay không và số lượng sau khi nó thay đổi là như thế nào.
Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả quán lý các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã vì mục đích thương mại ở Việt Nam, theo ENV, cần sự vào cuộc từ các cấp từ Trung ương tới địa phương.
Đặc biệt là cần hoàn thiện lại quy định pháp luật liên quan đến việc xác nhận bảng kê lâm sản, trong đó tăng cường thêm trách nhiệm của các cơ quan kiểm lâm cũng như thêm vai trò của các cơ quan khoa học.
“Khi có nhiều bên liên quan tham gia vào quy trình xác nhận thì sẽ hạn chế được vấn đề tham nhũng, hay sự móc nối xảy ra trong quá trình bảng kê lâm sàng; đảm bảo tính khách quan của việc giám sát các cơ sở gây nuôi, từ đó giúp các cơ quan quản lý có thể nhận định đâu là những loài có khả năng gây nuôi trong môi trường có kiểm soát có thể cung ứng cho thị trường hay không,” bà Hà nhấn mạnh.
Hùng Võ