Quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình là chủ đề được quan tâm nhất hiện nay ở Đà Lạt, vì sức ảnh hưởng quá lớn của nó, không phải chỉ với bộ mặt thành phố, với những người làm du lịch, mà còn với sự phát triển chung của cả tỉnh. Vì thế, những người dân thường như tôi cũng muốn đóng góp ý kiến của mình.
“Những công trình có dấu ấn sẽ được giữ lại! Còn lại là giải tỏa!” – Đó là lời khẳng định của ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, trong một bài viết trên Người Đô Thị: "Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng: không nên hoài niệm quá mà cản trở phát triển Đà Lạt".
Ông Trung nêu một loạt cái tên: Rạp Hòa Bình, dãy kiosque và khách sạn dọc đường Nguyễn Thị Minh Khai, khu phố chợ đường Phan Bội Châu, khu bến xe Tùng Nghĩa... phấn khởi như thể đã quét sạch được những gì xấu xí, vô dụng. Nhưng ông không công bố thống kê có bao nhiêu căn nhà sẽ bị đập, bao nhiêu nhân khẩu phải dời đi, bao nhiêu doanh nghiệp, hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng.
Trừ một vài công trình mới xây gần đây với vẻ ngoài lạc lõng, còn đa số những căn nhà trong danh sách ấy đã được định vị từ cách đây gần trăm năm trong quy hoach ban đầu của Đà Lạt, và chắc chắn, đã đóng góp nhiều cho quá trình hình thành và phát triển của thành phố.
Nổi bật nhất trong số đó chắc chắn là rạp Hòa Bình.
Rạp hát Hòa Bình sẽ bị dỡ bỏ, thay bằng Trung tâm thương mại Hòa Bình, là khu phức hợp có tính chất giải trí gồm 5 tầng nổi. Ảnh: zing.vn
Theo ông Trung: “Qua nghiên cứu, chưa có tài liệu nào cho thấy Rạp Hòa Bình là biểu tượng của Đà Lạt. Trong khi đó, hiện nay công trình xuống cấp, chưa sử dụng hết công năng. Một công trình của nhà nước mà không được khai thác sử dụng thì cũng là một lãng phí về nguồn lực trong khi tỉnh đang khó khăn về ngân sách.” - Quyết định phá dỡ được dựa trên một lập luận quá đỗi đơn giản, sơ sài. Một công trình công cộng lâu năm ở vị trí trung tâm thành phố xứng đáng được ứng xử thận trọng và khoa học hơn việc đơn thuần tra cứu danh mục bảo tồn và tài liệu.
Lẽ ra, những người làm quy hoach phải khảo sát ý kiến của cư dân địa phương, tham vấn ý kiến chuyên gia, đồng thời có sự đối chiếu với các trường hợp điển hình để ứng xử phù hợp. Gần ba mươi năm trước, khi Tháp Rùa còn hoang phế, Hà Nội đã quyết định không phá bỏ nó để xây một công trình mới và đẹp hơn, vì “Tháp Rùa không phải là một công trình đặc biệt về kiến trúc. Nhưng tháp đã trở thành một thành phần không thể tách lìa khỏi khung cảnh đặc sắc của hồ Gươm, nó là một công trình kiến trúc hoài niệm” (KTS. Hoàng Đạo Kính).
Tháp Rùa đã được tu bổ, cải tạo và trở thành điểm nhấn độc đáo của cảnh quan khu trung tâm thủ đô. Rạp Hòa Bình có thể là thành công tiếp theo. Nếu được cải tạo, chuyển đổi công năng phù hợp, công trình sẽ là một điểm hẹn văn hóa đầy sức hút.
Dãy nhà cổ phía sau rạp Hòa Bình còn tương đối về hình hài. Trong đó, bức tường vàng Cối xay gió của ngôi nhà cổ lâu nay trở thành điểm check-in nổi tiếng của giới trẻ, du khách tới Đà Lạt. Ảnh: zing.vn
Thầm lặng nhất trong danh sách là dãy kiosque dọc đường Nguyễn Thị Minh Khai và khu phố chợ Phan Bội Châu. Có lẽ những người có trách nhiệm với đồ án đã áp đặt mục tiêu xây dựng một bãi để xe phục vụ cho các công trình lân cận nên đã đưa ra giải pháp rất cực đoan là giải tỏa trắng khu vực quanh chợ và biến đường Nguyễn Thị Minh Khai thành một quảng trường mà quên đi những giá trị khác.
Dãy kiosque trên đã có từ rất sớm, cùng với sự hình thành của chợ. Ban đầu, chúng được làm bằng gỗ, là sự kết hợp của mô hình lều chợ quê với nhà sàn của người Lạch, sau này mới được thay thế bằng 5 căn nhà bê tông cốt thép theo thiết kế của KTS Ngô Viết Thụ.
Mô hình độc đáo này đảm bảo sự sầm uất dọc con đường chính dẫn đến cổng chợ, đồng thời vẫn tạo được sự thông thoáng về tầm nhìn và cho phép tổ chức không gian kinh doanh linh động theo thời điểm. Chính điều này đã khiến cho chợ đêm Đà Lạt có được sức sống và vẻ quyến rũ rất riêng.
Thế nhưng, tất cả phải ra đi và phương án tái định cư chỉ đơn giản là “một số loại hình buôn bán nhỏ sẽ được tổ chức lại một cách khoa học...”
Chợ Đà Lạt do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế có không gian hướng về hồ Xuân Hương, phía trước có khoảng không gian vòng xoay khá lớn. Ảnh: zing.vn
Trong thực tế, Chợ Đà Lạt không phải chỉ là nơi mua sắm của du khách và bán lẻ hàng hóa cho cư dân địa phương mà còn là một trong những trung tâm phân phối nông sản của miền Nam. Xóa sổ khu phố chợ không chỉ đơn thuần là đóng cửa mấy nơi buôn bán nhỏ lẻ lộn xộn, mà còn là dẹp bỏ cả địa bàn, phương thức hoạt động quen thuộc mấy chục năm nay của các tiểu thương bán sỉ, khiến họ mất đi sức mạnh “mua có bạn, bán có phường”.
Hậu quả là ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự lưu thông và sức cạnh tranh của nông sản Đà Lạt. Ngoài ra, chợ Đà Lạt còn phải chịu phân tán sức mua đáng kể với trung tâm thương mại mới hình thành ngay bên cạnh dẫn đến sự giảm sút lượng khách vãng lai và doanh thu bán lẻ. Chịu nhiều bất lợi trong kinh doanh, lâm vào cảnh hoạt động không hiệu quả, rất có thể Chợ Đà Lạt sẽ gia nhập danh sách các công trình phải giải tỏa trong tương lai không xa.
Dinh Tỉnh trưởng là một trường hợp bí ẩn, vì đã biết chắc là phải di dời, mà không biết là dời đi đâu, và bằng cách nào.
Dinh Tỉnh trưởng là di tích cấp thành phố của Đà Lạt, đã tồn tại hơn 100 năm, là nơi ở và làm việc của tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức trước đây. Ảnh: zing.vn
Tòa dinh thự hơn một trăm năm tuổi, là một trong những công trình được xây dựng sớm nhất ở Đà Lạt – thành phố vừa kỷ niệm 125 năm hình thành vào năm nay. Nơi đây, sáng ngày 23.8.1945, đã diễn ra cuộc biểu tình của một đội ngũ 10.000 người, buộc Tỉnh trưởng lúc ấy phải giao nộp ấn tín.
Cũng tại đây, Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời tỉnh Lâm Viên làm lễ ra mắt đồng bào, đánh dấu một sự kiện lịch sử quan trọng: nhân dân Đà Lạt đã từ thân phận nô lệ trở thành người có quyền quyết định vận mệnh của mình.
Việc di dời nguyên khối một tòa nhà với kết cấu móng đá hộc là một bài toán khó về mặt kỹ thuật, đầy rủi ro nhưng còn có thể thực hiện. Nhưng ai có thể di dời không gian lịch sử bao quanh công trình? Giải pháp nào để khi đứng ở một góc sân khép nép cạnh tòa nhà 10 tầng cao ngất, khách tham quan có thể hình dung được khí thế của biển người rợp cờ đỏ sao vàng trong nắng sớm và như còn nghe thấy âm vang hào hùng của mùa thu năm xưa?
Cùng với phá bỏ những công trình đã gắn bó với lịch sử, văn hóa, kinh tế của Đà Lạt, thì đồ án đã đề xuất giữ lại những căn nhà lấn chiếm trái phép khu vực quanh đồi Dinh và xây dựng mới một loạt những tòa nhà cao tầng: khu B chợ Đà Lạt, một trung tâm thương mại 5 tầng ở vị trí rạp Hòa Bình và một khách sạn 10 tầng trên đỉnh đồi Dinh, và một dải công trình khách sạn dịch vụ cao tầng chắn giữa đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Lê Thị Hồng Gấm cùng với quảng trường đại lộ Nguyễn Thị Minh Khai.
Khách sạn đồi Dinh cao 10 tầng, nằm trên đỉnh cao có tầm nhìn bao quát toàn thành phố Đà Lạt, sẽ đóng vai trò là điểm nhấn trên đường chân trời đô thị, thay cho núi Lang Biang lãng mạn yên bình. Sở Xây dựng Lâm Đồng trong quá trình thẩm định đã không biết hay bất chấp quy định về bảo vệ tầm nhìn cảnh quan trong quy hoạch chung thành phố Đà Lạt đã được Thủ tướng phê duyệt?
Thậm chí, khách sạn còn được phép quảng cáo trên các tầng thương mại của tòa nhà nên du khách khi đến Đà Lạt sẽ thấy sống động và nhộn nhịp hơn. Tất nhiên, họ cũng sẽ thấy nóng hơn một chút, vì khoảng 3ha cây xanh cổ thụ hiếm hoi còn sót lại trong trung tâm thành phố cũng phải chặt hạ nốt để nhường đất cho công trình này.
Đại lộ Nguyễn Thị Minh Khai được mô tả là quảng trường hoa kết hợp bãi đỗ xe ngầm. Quảng trường hoa không phải là một ý tưởng mới với du lịch Đà Lạt nữa. Đây không thể là điểm đến thu hút du khách, nếu so sánh với vườn hoa trung tâm, các công viên đẹp ven hồ.
Với diện tích nhỏ, lại phải kết hợp với chức năng giao thông, quảng trường hoa sẽ chỉ bố trí được vài bồn bông lẻ tẻ cùng với đôi hàng cây. Các nhà quy hoạch khẳng định sẽ tiếp tục duy trì một số loại hình kinh doanh nhỏ ở đây, nhưng không nói rõ giải pháp bố trí không gian và tổ chức kinh doanh.
Phối cảnh khu Hoà Bình với nhiều dấu tích di sản của Đà Lạt sẽ bị xóa bỏ
Qua những hình ảnh trong đồ án, có thể hình dung nơi này sẽ có sự trống trải chói chang của quảng trường Lâm Viên vào ban ngày và các gian hàng tạm bợ nối đuôi nhau kiểu chợ đêm Bến Thành vào buổi tối. Bãi đỗ xe ngầm là tiện ích chủ yếu để phục vụ những công trình mới xây dựng xung quanh với diện tích sử dụng rất lớn. Lưu lượng xe tăng cao sẽ làm giao thông xung quanh khu vực càng tắc nghẽn nghiêm trọng hơn.
Phía đông quảng trường là một dải liên tiếp các trung tâm thương mại, bắt đầu từ Bavico Plaza hiện nay, cho đến đài phun nước, với mật độ xây dựng 70%, cao đến 5 tầng, che chắn toàn bộ tầm nhìn từ quảng trường về phía hồ Xuân Hương. Điểm nhấn của khu vực này đương nhiên là trung tâm thương mại mới tại vị trí của rạp Hòa Bình, được gợi ý xây dựng theo kiểu phỏng sinh học nửa vời với lớp bao che bằng kính và kim loại.
Những ý kiến e ngại sự tương phản của hình thức công trình này với bối cảnh hiện hữu là không có cơ sở, vì khi nó hoàn thành sẽ rất phù hợp với các tòa nhà to lớn cũng mới tinh bao quanh quảng trường. Lúc ấy, cái không gian thoáng đãng, những công trình vừa cũ kỹ vừa ấm áp hiện nay đã hoàn toàn biến mất, cùng với nét duyên thầm của một Đà Lạt xưa.
Nhìn chung, công trình mới trong đồ án đều có tầng cao và khối tích lớn, và đều được xây dựng trên các lô đất có vị trí rất đẹp do nhà nước quản lý. Đáng tiếc là chúng đều chỉ phục vụ cho mục đích tư nhân (khách sạn và thương mại) mà không đem lại sức hút văn hóa, tô đậm bản sắc đô thị hay cải thiện cuộc sống của người dân địa phương.
Nhìn vào tổng thể quy hoạch vừa được duyệt, người ta dễ thấy thắc mắc vì tỉ lệ đất công cộng 2% là quá thấp cho một trung tâm đô thị, mật độ cây xanh 3m2/người còn xa mới đạt quy chuẩn quốc gia cho đô thị loại V.
Quyền lợi của chính người dân đã phải ra đi. Để nhường chỗ cho điều gì, ai biết?
KTS. Phạm Thị Kiều Anh