Lâm Đồng sửa đổi quy định bảo tồn biệt thự: 'mở đường' để cải tạo Dinh Tỉnh trưởng Đà Lạt?

 08:50 | Thứ ba, 14/03/2023  0
Hai trong số những nội dung đáng chú ý của dự thảo Quyết định thay thế quy định quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt là đề xuất điều chuyển Dinh Tỉnh trưởng từ bảo tồn theo diện biệt thự nhóm 1 xuống nhóm 2 và thêm quy định mới: “Đối với nhà biệt thự thuộc khu vực đã có quy hoạch chi tiết thì thực hiện theo quy hoạch chi tiết được duyệt”.

Nguồn tin Người Đô Thị ngày 13.3 cho biết, văn phòng UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản số 268/VP-XD ngày 10.3 gửi các phó chủ tịch và các ủy viên UBND tỉnh để lấy ý kiến vào phiếu biểu quyết (đồng ý, không đồng ý, các ý kiến khác) đối với:

Bản dự thảo Quyết định quy định quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt, thay thế Quyết định số 47 ngày 8.12.2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quy định bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt.

Dinh Tỉnh trưởng là một trong những dinh thự được xây sớm nhất tại Đà Lạt (thập niên 1910) nằm giữa mảng đồi xanh hiếm hoi còn lại của khu trung tâm Đà Lạt. Ảnh: Quốc Tuấn


Theo đó, dự thảo Quyết định thay thế Quyết định số 47 vẫn phân loại nhà biệt thự thành ba nhóm. Tuy nhiên, có sự điều chỉnh về khái niệm từng nhóm và điều chuyển vị trí của Dinh Nguyễn Hữu Hào cũ và Dinh Tỉnh trưởng cũ từ nhóm 1 xuống nhóm 2. 

Cụ thể, dự thảo Quyết định thay thế đề xuất:

Biệt thự nhóm một: Là biệt thự có giá trị điển hình về nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan và có giá trị lịch sử, văn hóa. Gồm 3 nhà biệt thự: Dinh I (Dinh Bảo Đại cũ); Dinh II (Dinh toàn quyền cũ); Dinh III (Dinh Bảo Đại cũ).

(Theo Quyết định số 47: Biệt thự nhóm một là những biệt thự gắn với di tích lịch sử, chính trị, văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; biệt thự có giá trị đin hình về kiến trúc).

Biệt thự nhóm hai: Là biệt thự không thuộc biệt thự nhóm một nhưng có giá trị nghệ thuật kiến trúc, cảnh quan, lịch sử, văn hóa. Gồm 72 nhà biệt thự (trong đó đứng đầu danh sách là Dinh Nguyễn Hữu Hào cũ và Dinh Tỉnh trưởng cũ).

(Theo Quyết định số 47: Biệt thự nhóm hai là những biệt thự không thuộc biệt thự nhóm một nhưng có giá trị về kiến trúc, lịch sử, văn hóa)

Biệt thự nhóm ba: Là biệt thự không thuộc biệt thự nhóm một và biệt thự nhóm hai. Gồm 91 nhà biệt thự.

Theo Quyết định số 47: Dinh Tỉnh trưởng thuộc biệt thự nhóm 1 (được bảo tồn nguyên trạng) nhưng dự thảo Quyết định thay thế đã đề xuất điều chuyển xuống biệt thự nhóm 2. Ảnh: Lê Quân


Cũng theo dự thảo Quyết định thay thế: Không được phá dỡ nhà biệt thự nhóm một và nhóm hai nếu chưa bị hư hỏng nặng, có nguy cơ sập đổ theo xác nhận kết quả đánh giá an toàn công trình của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

Trường hợp phải phá dỡ để xây dựng lại thì phải theo đúng kiến trúc ban đầu, sử dụng đúng loại vật liệu, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao của nhà biệt thự cũ, hoặc đảm bảo phù hợp quy hoạch chi tiết của khu vực được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Đại diện chủ sở hữu hoặc đơn vị quản lý nhà biệt thự có trách nhiệm thực hiện phá dỡ nhà biệt thự nếu có đủ năng lực theo quy định của pháp luật về xây dựng hoặc thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực theo quy định của pháp luật để thực hiện phá dỡ; trường hợp phá dỡ để xây dựng lại nhà biệt thự thì chủ đầu tư có trách nhiệm phá dỡ nhà biệt thự.

Đối với nhà biệt thự nhóm một, nhóm hai khi xây dựng lại phải theo đúng kiến trúc ban đầu, sử dụng đúng loại vật liệu, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao của nhà biệt thự cũ. Đối với nhà biệt thự nhóm ba được phép xây dựng mới theo quy hoạch, phù hợp với kiến trúc, cảnh quan của khu vực.

Việc cải tạo nhà biệt thự phải được thực hiện theo quy định pháp luật về nhà ở, xây dựng, quy hoạch, kiến trúc, quản lý di sản văn hóa, các quy định khác có liên quan, cụ thể:

Đối với nhà biệt thự nhóm một khi cải tạo phải giữ nguyên hình dáng kiến trúc bên ngoài, cấu trúc bên trong, mật độ xây dựng, số tầng và chiều cao.

Đối với nhà biệt thự nhóm hai khi cải tạo phải giữ nguyên kiến trúc bên ngoài.

Đối với nhà biệt thự nhóm ba được cải tạo, nâng cấp không gian bên trong, bên ngoài công trình; thực hiện theo các quy định của pháp luật về quy hoạch, kiến trúc và pháp luật về xây dựng.

“Đối với nhà biệt thự thuộc khu vực đã có quy hoạch chi tiết thì thực hiện theo quy hoạch chi tiết được duyệt”, dự thảo đề xuất một quy định mới so với Quyết định số 47.

Trước đó, nNgười Đô Thị ngày 15.1 đã thông tin, Lâm Đồng đã tiến hành lấy ý kiến sở ngành về nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt. 

Hầu hết các ý kiến các sở ngành tỉnh Lâm Đồng đã đồng thuận với nội dung đề xuất điều chỉnh cục bộ. Đặc biệt là việc điều chỉnh chức năng của khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng từ "khách sạn” sang “trung tâm hội nghị, hội thảo kết hợp chức năng dịch vụ hỗ trợ (thương mại, dịch vụ, khách sạn)” trên cơ sở tổ chức không gian và hình thức kiến trúc mới gắn kết với công trình hiện trạng, hài hòa với kiến trúc, cảnh quan khu vực để hình thành điểm nhấn, kiến trúc cảnh quan.

Theo phương án kiến trúc khu vực đồi Dinh ban đầu, từng được lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng chọn, Dinh Tỉnh trưởng sẽ nâng lên 28m, phần dưới và xung quanh xây tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ... Khái toán tổng chi phí đầu tư, xây dựng dự án Khu Hòa Bình do Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Đại Quang Minh từng đưa ra là 7.675 tỷ đồng, trong đó chi phí đền bù giải phóng mặt bằng khu vực đồi Dinh là 751 tỷ đồng. Ảnh trên: Lê Quân


Cần nhấn mạnh, từ khi UBND tỉnh Lâm Đồng có chủ trương di dời Dinh Tỉnh trưởng (nâng cao 28m so với vị trí ban đầu. Phần dưới và xung quanh Dinh sẽ là tổ hợp khách sạn, thương mại, trung tâm hội nghị quốc tế 1.500 chỗ…), thì Quyết định số 47 ngày 8.12.2017 của UBND tỉnh quy định bảo tồn, quản lý, sử dụng quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố Đà Lạt (trong đó Dinh Tỉnh trưởng được phân loại biệt thự nhóm 1) đã trở thành một trong những căn cứ pháp lý quan trọng để các chuyên gia quy hoạch, kiến trúc sư và những người bảo vệ di sản viện dẫn nhằm bảo vệ nguyên trạng khu vực đồi Dinh và Dinh Tỉnh trưởng.

Trong diễn biến liên quan đáng chú ý, tại văn bản số 827 ngày 10.6.2021 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng gửi Sở Xây dựng Lâm Đồng báo cáo thống kê nhà biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, đã cho biết: Dinh Tỉnh trưởng cũ (tọa lạc tại số 01, đường Lý Tự Trọng) là một trong những biệt thự gắn với di tích, lịch sử, chính trị, văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa; biệt thự có giá trị điển hình về kiến trúc. 

Dinh Tỉnh trưởng là biệt thự gắn với di tích, lịch sử, chính trị, văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa. Ảnh: Phúc Tiến


Sau khi được bàn giao dưới sự cho phép của đơn vị quản lý biệt thự để làm trụ sở cơ quan làm việc, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Lâm Đồng đã tiến hành sửa chữa, cải tạo và chỉnh trang lại khuôn viên biệt thự nhưng vẫn giữ nguyên trạng, các chỉ tiêu quy hoạch và công năng, tính chất sử dụng ban đầu của khu biệt thự; không tự ý phá dỡ hoặc cải tạo làm thay đổi mật độ xây dựng, số tầng và độ cao, kiểu dáng kiến trúc, màu sắc, thay đổi kết cấu chịu lực, hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị của biệt thự; không cơi nới, chiếm dụng diện tích, không gian hoặc làm hư hỏng, thay đổi khuôn viên biệt thự dưới mọi hình thức.

Đơn vị cũng thực hiện đúng các quy định về phòng, chống cháy nổ, vệ sinh công cộng, an ninh trật tự. Không chặt hạ cây xanh, không xây thêm công trình mới trên khuôn viên đất biệt thự khi không được chấp thuận của cấp có thẩm quyền…

“Vì đây là một biệt thự có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu nằm trong diện bảo tồn, nên Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Lâm Đồng xin đề xuất cần có một khoản kinh phí hàng năm để bảo trì, cải tạo và sử dụng khai thác hiệu quả biệt thự này”, báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng cho biết.

Hữu Tiến - Anh Tuấn 

Như Người Đô Thị đã liên tục thông tin trong hơn ba năm qua, ngay sau khi phê duyệt quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình của Đà Lạt, mặc dù lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng có nhiều động thái cầu thị lắng nghe các góp ý chuyên môn nhưng cho đến nay những tranh luận liên quan đến đồ án quy hoạch này vẫn còn gay gắt

Theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ: "Quy hoạch chi tiết xây dựng khu trung tâm Hòa Bình cần rà soát lại trước khi thực hiện, nhất là việc di dời Rạp Hòa Bình, Dinh Tỉnh trưởng và khu vực xung quanh; phê duyệt đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện đảm bảo theo quy định..."


Theo đó, Hội Kiến trúc sư Việt Nam sau khi có văn bản ngày 15.9.2020 đề nghị Lâm Đồng nghiên cứu, tiếp thu ý kiến phản biện của các chuyên gia, kiến trúc sư trên cả nước và "không nên xây dựng công trình khách sạn trên đồi Dinh", đã tiếp tục có công văn ngày 8.11.2021 gửi UBND tỉnh Lâm Đồng góp ý phương án kiến trúc công trình tại đồi Dinh. 

Hội đề nghị UBND tỉnh Lâm Đồng rà soát để lý giải đầy đủ nội dung thể hiện theo quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung số 704 ngày 12.5.2014. Đặc biệt là tinh thần thể hiện tại các điều I, mục 6, mục 8. 

Ngoài ra, theo Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Quyết định số 229 ngày 12.2.2019 phê duyệt chi tiết quy hoạch và thiết kế đô thị, tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hoà Bình có nội dung tại mục 3, 3.1, Phân khu III là chưa phù hợp. Vì việc lập và phê duyệt quy hoạch này yêu cầu phải đồng thời thực hiện trên cơ sở tuân thủ Luật Di sản văn hoá hiện hành.

Dinh Tỉnh trưởng và khu đồi Dinh thời điểm quy hoạch vẫn thuộc danh mục công trình văn hoá bảo tồn theo Quyết định số 47 ngày 8.12.2017 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Theo quy định, công trình chỉ có thể chuyển đổi trạng thái sau khi đã có quyết định thay đổi mới của chính cấp đã phê duyệt xếp loại.

“Tiến trình lập quy hoạch –  kiến trúc không gian khu vực này cần rà lại thủ tục chọn đấu thầu hay thi tuyển theo luật định. Vì ngoài quy định quy mô và mức kinh phí tư vấn, tính chất đặc biệt về yêu cầu kiến trúc tại đây đã được đặt ra từ đầu, trong quyết định phê duyệt các cấp về quy hoạch cho khu vực”, công văn của Hội đề nghị.

Diễn biến sau đó, Sở Xây dựng có văn bản gửi UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết đang tiếp tục phối hợp chủ đầu tư, đơn vị tư vấn nghiên cứu thêm phương án để tiếp tục lấy ý kiến về chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc khu vực đồi Dinh làm cơ sở điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu vực trung tâm Hòa Bình…

Cuối năm 2022, Lâm Đồng tiến hành lấy ý kiến về nội dung điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt. Một trong những nội dung được đề xuất là điều chỉnh chức năng của khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng từ "khách sạn” sang “trung tâm hội nghị, hội thảo kết hợp chức năng dịch vụ hỗ trợ (thương mại, dịch vụ, khách sạn)”…

Xem tuyến bài: Quy hoạch Đà Lạt gây tranh cãi 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.