Phòng chống COVID-19:

Tạm thời chưa thay đổi mô hình “3 tại chỗ”

 10:37 | Thứ hai, 23/08/2021  0
Nhiều doanh nghiệp mong muốn thay đổi mô hình “3 tại chỗ” (sản xuất, nghỉ ngơi, ăn uống tại chỗ), tuy nhiên, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, mô hình này vẫn được tiếp tục duy trì đến ngày 6.9 hoặc doanh nghiệp phải chấm dứt trước ngày 23.8.

Mô hình “3 tại chỗ”

Ngay khi TP.HCM bùng phát dịch OVID-19, một doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng, nhu yếu phẩm có trụ sở tại KCN ở tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch sản xuất, phân phối sản phẩm trong mùa dịch. Để thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, công ty đã chuyển đổi công năng của các khu nhà ở văn phòng thành nơi ở cho công nhân; chuẩn bị và thiết lập các khu cách ly y tế, xây dựng phương án y tế trong trường hợp xuất hiện ca F0, và bố trí khu vực giao nhận hàng hóa theo quy trình giao nhận hàng hóa không tiếp xúc (người giao hàng vận chuyển hàng vào khu vực bãi để hàng có sự giám sát của bảo vệ và camera, hàng hóa sau đó được khử khuẩn toàn bộ, công nhân nhà máy mới ra nhận hàng).

Sau hơn 5 tuần thực hiện nghiêm quy định 5K của Bộ y tế, đến thời điểm hiện tại, nhà máy chưa xuất hiện bất cứ ca F0 nào và công suất hoạt động của nhà máy tăng so với thời kỳ chưa giãn cách. Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp cho biết, ngoài giờ làm việc, mặc dù doanh nghiệp đã bố trí các khu vực tập thể thao, giải trí, nhưng một số công nhân vẫn có tâm lý buồn, nhớ nhà.

Mô hình “3 tại chỗ” được nhiều doanh nghiệp áp dụng thành công thời gian qua. Nguồn: Bộ Công thương


Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Logistic, cho biết một số doanh nghiệp logistic có kho, cảng cũng đã áp dụng mô hình 3 tại chỗ. Các doanh nghiệp đã vận động một số công nhân ở lại làm việc và thuê nơi lưu trú gần đó, doanh nghiệp chi trả toàn bộ chi phí ăn, ở, đi lại cho công nhân, nhưng khi ở lại quá lâu, đã xuất hiện tâm lý bất an, hoang mang, nhất là khi nghe thông tin một số nhà máy đã biến thành ổ dịch.

Ông Hiệp cho rằng, sau một thời gian áp dụng, mô hình "3 tại chỗ" đã phát sinh một số hệ lụy, như có thể lây nhiễm chéo từ các ca F0. Thực tế cho thấy, vào cuối tháng 7 vừa qua, nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai thực hiện mô hình “3 tại chỗ” đã trở thành ổ dịch khi liên tiếp xuất hiện các ca F0 ở tỉnh Bình Dương, Đồng Nai…

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử Việt Nam, phân tích mô hình “3 tại chỗ” đã áp dụng thành công tại một số doanh nghiệp điện tử tại Bắc Giang vào đợt dịch tháng 5, 6 vì thời gian áp dụng ngắn (2-3 tuần) và điều kiện nhà xưởng rộng rãi, số ca mắc covid dưới 10.000 ca. Tuy nhiên, mô hình này không phát huy được nhiều tác dụng như kỳ vọng khi áp dụng vào các doanh nghiệp phía Nam, nhất là khi tình hình dịch diễn biến phức tạp, số ca mắc tại TP.HCM hiện đang ở mức gần 176.000 ca, Bình Dương trên 70.000 ca, Đồng Nai trên 17.200 ca.

Nhiều doanh nghiệp ở khu vực này không đáp ứng được điều kiện “3 tại chỗ”. Đa phần, các nhà xưởng được xây dựng cách đây hơn 10 năm, hạ tầng nhà xưởng đã cũ và không được rộng rãi, mặt khác lực lượng lao động phía Nam khá đông. Một số doanh nghiệp thực hiện mô hình “3 tại chỗ” với tỷ lệ người lao động chỉ từ 30-50%, chỉ sản xuất cầm chừng, rất khó có thể duy trì trong thời gian dài.

Mô hình “1 cung đường 2 điểm đến” cũng phát sinh một số bất cập như doanh nghiệp rất khó tìm được những địa điểm vừa đủ rộng rãi đáp ứng nhu cầu của hàng nghìn công nhân, vừa gần nhà máy.

Theo thông tin từ Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai, đã có 50 doanh nghiệp với hơn 8.000 lao động đề nghị ngừng hoạt động“3 tại chỗ” và 216 doanh nghiệp giảm lao động.

Đề xuất mô hình sản xuất linh hoạt cho doanh nghiệp

Nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng sản xuất vì không đáp ứng tiêu chuẩn thực hiện mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường 2 điểm đến” trong khi không ít doanh nghiệp đang sản xuất cầm chừng. Theo một số doanh nghiệp FDI để thực hiện mô hình “1 cung đường 2 điểm đến”, chi phí của doanh nghiệp đội lên rất lớn, đơn cử như chi phí phát sinh từ việc đảm bảo phòng chống dịch của Intel Việt Nam trong giai đoạn 15.7-15.8 khoảng 140 tỷ đồng, Công ty Jabil Việt Nam bị đội chi phí khoảng 120 tỷ đồng mỗi tháng…

Bên cạnh đó, việc không đảm bảo công suất, ảnh hưởng đến tiến độ các đơn hàng xuất khẩu, tiềm ẩn nguy cơ bị đứt gãy chuỗi cung ứng, thậm chí có thể ảnh hưởng đến nhu cầu thu hút vốn FDI khi các công ty mẹ dự định chuyển sản xuất sang các quốc gia khác.

Nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiện nay, Hiệp hội Da - Giầy - Túi xách Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp Điện tử… đã có văn bản kiến nghị Chính phủ cho phép các doanh nghiệp chủ động đưa ra phương án tổ chức sản xuất kinh doanh an toàn trong mùa dịch. Bà Đỗ Thị Thúy Hương cho biết, đó là mô hình “4 xanh +5K”, trong đó 4 xanh gồm: Phòng dịch an toàn - Môi trường, nhà xưởng an toàn - Cung đường xanh - Nơi ở xanh.

Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, phương án căn cơ nhất vẫn là tiêm vắc xin cho người lao động làm việc trong các nhà máy, công ty để đảm bảo miễn dịch cộng đồng. Nhiều Hiệp hội kiến nghị, Chính phủ tạo điều kiện phân bổ vắc-xin cho khối sản xuất hoặc cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu vắc xin từ công ty mẹ, đẩy nhanh việc tiêm chủng nhanh nhất, nhiều nhất cho người lao động tại các địa phương đang có dịch diễn biến phức tạp như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…

Ngày 12.8, Bộ Y tế có công văn 6565 cho phép các địa phương, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chủ động triển khai các biện phát phòng, chống dịch đảm bảo sản xuất kinh doanh tùy theo điều kiện của của doanh nghiệp, địa phương mình. TP.HCM cũng đưa ra một số phương án cho doanh nghiệp lựa chọn. Ngoài 2 phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường - 2 địa điểm", doanh nghiệp tại TP.HCM có thể tổ chức theo phương án "3 tại chỗ theo kíp"- luân phiên theo kíp hoặc "4 xanh" (nhân lực xanh, cung đường xanh, vùng sản xuất xanh và nơi ở xanh).

Tuy nhiên, với phương án “4 xanh”, một số doanh nghiệp cho rằng cần thống nhất chủ trương giữa TP.HCM và Bình Dương, Đồng Nai cũng như đến các phường, quận. Việc công nhận “cung đường xanh” giữa các địa phương này phải được quy định rõ để không gây khó cho doanh nghiệp, và người lao động đi qua các chốt, trạm kiểm dịch, cũng như nên xây dựng mã QR riêng cho người lao động để thuận tiện hơn khi qua chốt kiểm dịch…

Mục tiêu của Chính phủ là vừa đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch nhưng không để đứt gãy chuỗi sản xuất, ảnh hưởng đến người lao động, nền kinh tế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, TP.HCM áp dụng biện pháp “ai ở đâu, ở yên đó” từ ngày 23.8 đến 6.9 , các doanh nghiệp vẫn tiếp tục duy trì những mô hình sản xuất hiện tại hoặc chấm dứt không áp dụng, các doanh nghiệp đã chuẩn bị phương án để thay đổi mô hình sản xuất sẽ tạm thời chưa thể thay đổi, chờ đến khi thành phố có chỉ đạo mới.

Ngày 21.8, Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (HEPZA) đã có văn bản số 2428 về việc tăng cường một số biện pháp phòng, chống dịch tại các khu chế xuất và công nghiệp TP từ ngày 23.8. 

Theo văn bản này, các doanh nghiệp đang sản xuất theo mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 điểm đến" sẽ không được di chuyển khỏi nơi sản xuất. Doanh nghiệp không thay đổi, bổ sung hoặc giảm lao động đang vừa cách ly, vừa sản xuất, trừ trường hợp cấp cứu phải ra khỏi nơi sản xuất.

HEPZA thông báo sẽ không giải quyết bất cứ thay đổi về nhân sự hoặc doanh nghiệp đăng ký mới sản xuất theo 2 mô hình trên sau 0h ngày 23.8 đến hết ngày 6.9.

Đối với 4 phương án sản xuất đã được nêu ra tại kế hoạch 2715 được các doanh nghiệp kỳ vọng, trong đó có phương án "4 xanh", HEPZA cho hay "không áp dụng các phương thức sản xuất khác theo kế hoạch 2715" cho đến khi có thông báo mới. (Theo Tuổi trẻ)

Nguyễn Lê

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.