Trên cánh đồng chanh Việt

 03:11 | Thứ hai, 28/11/2016  0
Với diện tích canh tác hơn 100ha, Công ty thương mại và đầu tư Chanh Việt đang sở hữu cánh đồng chanh không hạt quy mô lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long. Từ cánh đồng này, những trái chanh vượt biển qua châu Âu...

Đất vỡ hoang

Con đường bê tông mảnh mai chạy dọc theo những luống chanh xum xuê. Trái vít trĩu cành. Hệ thống thủy lợi dẫn nước tưới nhỏ giọt đến từng gốc. Khó có thể ngờ rằng chỉ cách nay bốn năm, cánh đồng xanh rượi này còn là vùng đất hoang sơ, bạt ngàn tràm gió và cỏ dại.

Thú vị hơn, Chủ tịch HĐQT Chanh Việt - anh Nguyễn Văn Hiển cũng là tay ngang trong nông nghiệp. Xây dựng mới là nghề của anh. Có thời điểm dưới tay doanh nhân này trên dưới năm trăm công nhân, cùng lúc ôm sáu, bảy công trình cao tầng rải rác trong thành phố.

Tuy nhiên, mảng xây dựng ngày càng thu hẹp. Anh chỉ nhận hợp đồng thi công cho một vài chủ đầu tư thân thiết, có thực lực. Bất động sản đang gặp trục trặc về dòng tiền. Chủ đầu tư gặp khó nhận chìm nhà thầu. Áp lực công nợ buộc đơn vị thi công phải nhận thêm công trình, lấy tạm ứng đắp qua dự án cũ. Công nợ dồn lại khiến nhà thầu kiệt sức. “Đã có những đồng nghiệp của tôi phá sản”, Hiển chùng giọng. Như nén một tiếng thở dài.

Doanh nhân Nguyễn Văn Hiển trên cánh đồng chanh không hạt hơn 100ha ở Long An. Ảnh T.Dũng

Thế nhưng quyết định đầu tư vào nông nghiệp không đơn thuần vì e ngại rủi ro trên thị trường bất động sản, mà ít nhiều bị chi phối bởi xúc cảm cá nhân. Cánh cò lẻ bạn đáp xuống bờ sông Sài Gòn vô tình lọt vào tầm mắt của Hiển khi anh đang thị sát một công trình cao tầng.

Đồng quê thương nhớ thức dậy, cuồn cuộn trong lòng khách tha hương. Ký ức thơm mùi cỏ, dậy mùi bùn, ngọt ngào mùi đường mật trong lò phần phật lửa... Ký ức vẹn nguyên hình ảnh mẹ cha vãi mồ hôi trên từng luống dưa, luống cà. Bóng người vác cuốc liêu xiêu về nhà trong bóng chiều chạng vạng. Đất khó. Mùa khô nắng cháy da người. Trở mùa, mưa thối đất thối cát. Quê nghèo. Nhà nghèo như quê. Miếng ăn chật vật quanh năm suốt tháng.

Cả gia đình quây quần bên niêu cơm “liên hiệp quốc”, độn khoai, sắn, bắp, mít khô. Vị mặn lên mâm là chén mắm cái có khi nhúc nhích giòi mẹ, giòi con. Đói ăn nhưng ráng không đói chữ. Lực bất tòng tâm. Từ bỏ con đường học vấn, người anh lớn đi làm công nhân khi vừa hết trung học, nhường đàn em khát vọng đèn sách...

Những “cánh cò” lần lượt bay vào Sài Gòn. Rời giảng đường, Hiển và các em tự giác kiếm việc làm thêm. Tin dữ ập đến khi Hiển đang học năm cuối: cha anh qua đời sau một cơn đột quỵ. Mấy anh em đón xe đò về chịu tang. Xuống bến cũng vừa hết tiền. Đành cuốc bộ hơn 30 cây số, tới nhà thì huyệt đã hạ xong. Họ không kịp nhìn mặt cha mình. Chung quy cũng bởi quá nghèo. Đấy cũng chính là động lực để Hiển và các em nỗ lực vươn lên không mệt mỏi.

Chưa tìm được việc làm đúng chuyên môn sau khi tốt nghiệp, Hiển làm công nhân, tranh thủ học tiếp chương trình sau đại học. Sự kham nhẫn được đền đáp. Anh trúng tuyển công chức, làm việc tại một cơ quan quản lý lĩnh vực xây dựng. Môi trường nhà nước không giữ được chân Hiển. Anh cùng mấy người bạn tách ra lập công ty.

Chuỗi giá trị chanh

“Phải làm nông nghiệp cho đã thèm”, Hiển khép lại dòng hồi ức miên man. Năm 2012, anh cùng cộng sự “bỏ phố về đồng”, thí điểm 20ha tại xã Thạnh Lợi, huyện Bến Lức - Long An, một trong những vùng sản xuất chanh tập trung ở đồng bằng sông Cửu Long với diện tích canh tác khoảng 5.000ha. Đất chua phèn là điều kiện thổ nhưỡng tương đối thích hợp đối với chanh không hạt có tên khoa học là Limca, nguồn gốc từ California (Hoa Kỳ).

Thạnh Lợi từng là một xã nghèo trọng điểm của Long An. Điện lưới quốc gia chưa phủ hết. Thế nên quyết định đầu tư vào nông nghiệp của Chanh Việt nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ chính quyền địa phương, nhất là sau khi công ty kéo điện về phục vụ sản xuất. Nghiễm nhiên, cả cộng đồng cùng hưởng. Chanh Việt có thêm thiện cảm từ nhân dân.

Một số sản phẩm mới của Chanh Việt: bột chanh, tinh dầu chanh, muối chanh có sự hợp tác với các nhà khoa học, làm tăng giá trị chanh trái. Ảnh Huy Lee

Năng suất thí điểm trên dưới 20 tấn/ha. Đầu ra gặp khó. Kênh siêu thị không hiệu quả do sản lượng tiêu thụ thấp. Đội ngũ công nhân xây dựng của Chanh Việt được trưng dụng, tỏa đi phân phối khắp các chợ lớn nhỏ. Sản lượng tiêu thụ mỗi ngày năm, bảy tấn nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Phần bị hao hụt trong quá trình vận chuyển. Phần khác là giá cả không cạnh tranh. “Quy trình, phương thức canh tác khác, giá thành khác” - Hiển cho biết.

Thực phẩm không rõ nguồn gốc bủa vây cộng đồng là một thực tế nhức nhối. Vàng thau lẫn lộn. Tình trạng không chắc chắn về chất lượng hàng hóa cùng chủng loại tác động đến mức sẵn lòng chi trả. Nghi vấn khoản tiền bỏ ra liệu có tương xứng thúc đẩy người tiêu dùng chi tiêu ít hơn cho cùng một đơn vị sản phẩm. Hệ quả không chỉ là người tiêu dùng thiệt hại, mà còn triệt tiêu động lực của những nhà sản xuất làm ăn chân chính. Tình trạng hàng xấu đẩy hàng tốt ra khỏi thị trường được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 1970 bởi kinh tế gia George Akerlof (năm 2001, ông là một trong ba tác giả nhận giải Nobel). Nhưng đấy lại là một câu chuyện khác.

Tránh sa lầy tại thị trường nội địa, Chanh Việt tìm đường xuất khẩu. Thay vì tiếp cận một số thị trường được xem là khá dễ dãi ở khu vực châu Á hay Trung Đông, Chanh Việt định hướng châu Âu. Thị trường này đòi hỏi những tiêu chuẩn rất cao, buộc doanh nghiệp phải đầu tư bài bản. Hiển cùng cộng sự cầu hiền. Khát vọng đi xa nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà khoa học đang làm việc tại Đại học Nông Lâm TP.HCM, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam... Đầu tư vào chất xám mang đến cho Chanh Việt những vị ngọt đầu tiên. Thông qua hai đối tác xuất khẩu, chanh trái cập cảng Hà Lan.

Sản phẩm Chanh Việt xuất khẩu sang thị trường Hà Lan. Ảnh Huy Lee

“Được mùa mất giá” là một trong những bi kịch của sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ. Hệ thống kho lạnh đang xây dựng ngay trong khuôn viên trang trại giúp doanh nghiệp không bị động khi cung vượt cầu. Hiển cho biết đang đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu cải tiến giống, nhằm nối dài thời gian bảo quản chanh trái trong kho lạnh tối thiểu lên gấp đôi so với thời lượng hai tháng hiện hữu. Đây là phương tiện hỗ trợ cần thiết để doanh nghiệp bắt đúng điểm rơi thị trường. Trước đó, các nhà khoa học can thiệp thành công vào phương thức canh tác, thúc chanh ra trái “nghịch mùa”, theo nghĩa năng suất cao nhất vào chu kỳ thị trường cháy hàng thường diễn ra trước và sau Tết.

Tuy xuất cảng thành công nhưng thực tế là thị trường nhập khẩu chỉ chấp nhận chanh loại 1, chiếm khoảng 40% sản lượng. Cái khó không bó cái khôn. Vỏ chanh chưng cất thành tinh dầu, tiếp cận các hãng dược phẩm. Phần ruột rút lấy nước cốt, cô đặc thành bột chanh. Đây là nguyên liệu đầu vào sản xuất muối chanh, nước giải khát đóng lon... Những sản phẩm “phái sinh” kỳ vọng gia tăng giá trị cho chanh trái vẫn đang trong quá trình thử nghiệm.

Một chuỗi giá trị chanh không hạt khép kín đang thành hình.

Chanh Việt tham dự sự kiện Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2016, diễn ra từ ngày 16.11 đến 19.11.2016 tại TP.HCM.

Ngô Gia

 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.