Từ vụ 'tiến sĩ cầu lông': Niềm tin và trách nhiệm trong đào tạo tiến sĩ

 15:33 | Thứ năm, 26/05/2022  0
Như đã nói trong bài viết "Từ vụ 'tiến sĩ cầu lông': Tiêu chuẩn và thước đo chất lượng thế nào trong đào tạo tiến sĩ?", những bất cập trong đào tạo tiến sĩ và nghiên cứu khoa học tại Việt Nam có một phần căn nguyên là do nhập nhằng về tiêu chuẩn chất lượng, khi nhiều người không được đào tạo nghiên cứu đúng nghĩa vẫn được hướng dẫn nghiên cứu sinh. Một phần nữa là sự lạm dụng các thước đo định lượng, viết ra trên giấy có vẻ chính xác chi li, nhưng thực tế lại tạo ra những “vùng xám” vô cùng mù mờ khó hiểu.

Tình trạng “vàng thau lẫn lộn” ấy khiến cho dư luận bất bình, mất mát niềm tin vì những kẻ làm bừa, gây di hại không nhỏ đến những người làm nghiên cứu và đào tạo tiến sĩ thực thụ ngay tại cùng đơn vị hay trong cùng lĩnh vực.

Niềm tin cộng đồng khoa học

Những ý kiến trái chiều về quy chế đào tạo tiến sĩ theo Thông tư 18 biểu hiện các nhóm thái độ tương phản về niềm tin của cộng đồng khoa học Việt Nam. Một bộ phận tin rằng mình sẽ được “cởi trói”, được giao quyền tự chủ nhiều hơn, được đặt niềm tin cao hơn, và biểu lộ sự sẵn sàng tâm thế để thay đổi theo chiều hướng tích cực. Không chỉ trong việc đào tạo tiến sĩ mà cả trong việc nâng cao chất lượng và vị thế của các tạp chí khoa học trong nước.

Một bộ phận khác thì ngược lại, thể hiện sự thất vọng vì cho rằng bỏ qua yêu cầu bắt buộc công bố quốc tế là một bước đi lùi, tạo cơ hội cho các “lò ấp tiến sĩ” nở rộ trở lại (câu chuyện “tiến sĩ cầu lông” hôm nay là một minh chứng). Thậm chí họ hoàn toàn không tin tưởng rằng các tạp chí trong nước, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học xã hội (KHXH), có khả năng thay đổi theo chiều hướng tích cực như nhóm thứ nhất kì vọng.

Thanh tra Chính phủ vừa thông báo kết luận thanh tra công tác quản lý tài chính, tài sản công, thực hiện các dự án đầu tư, tổ chức hợp tác nghiên cứu, đào tạo, liên kết đào tạo, cấp bằng thạc sĩ, tiến sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội (KHXH) Việt Nam giai đoạn 2015-2019. Đáng chú ý Có hội đồng nghiệm thu 18 đề tài/ngày, không đảm bảo chất lượng. Ảnh: Một Thế Giới


Ở đây, cần phải nói ngay rằng việc lạm dụng chỉ số tác động (IF) để đánh giá chất lượng bài báo khoa học đã dẫn đến hệ luỵ về việc gian lận trong công bố quốc tế, với nhiều minh chứng khó chối cãi đã được đưa ra công luận trong thời gian gần đây. Không phụ thuộc một cách máy móc vào IF, các tạp chí trong nước sẽ có cơ hội chuyển mình nhờ được công nhận đạt yêu cầu công bố trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ. Vì thực chất, một bài báo nghiên cứu đăng ở một tạp chí trong nước không nhất thiết là kém chất lượng; cũng như là, một bài đăng ở một tạp chí nước ngoài không đương nhiên có chất lượng tốt hơn.

Thế nhưng, các ý kiến phản đối cho rằng dù IF của các tạp chí ISI/SCOPUS còn hạn chế thì vẫn không có cách nào đánh giá tốt hơn. Điều tréo ngoe là, nhiều người trước kia khi làm nghiên cứu sinh không phải đăng bài quốc tế mà vẫn được bảo vệ luận án, nhưng bây giờ lại kiên quyết phản đối quy chế theo Thông tư 18. Lí do chính là vì họ cho rằng môi trường giáo dục mà mình thụ hưởng ngày xưa (ở nước ngoài hay cả trong nước) vốn trong sạch, còn bây giờ thì họ không còn đủ niềm tin rằng bản quy chế này phục vụ một mục tiêu tốt đẹp trong một môi trường vẩn đục.

Sự mất mát niềm tin này dù tự mâu thuẫn một cách đáng buồn nhưng không phải không có cơ sở. Nếu xem kĩ nhiều bài báo, đặc biệt trong lĩnh vực KHXH, đăng trên các tạp chí được Hội đồng Giáo sư nhà nước (HĐGSNN) xếp hạng 1, thì thấy rằng chất lượng rất đáng bàn nếu so với các tiêu chuẩn nghiên cứu quốc tế. Cũng như là, thật không dễ dàng tìm được lời đáp cho một câu hỏi day dứt: khi không có đủ con người đạt chuẩn khoa học quốc tế, thì làm sao có thể đủ người hướng dẫn nghiên cứu sinh hay phản biện bài báo khoa học theo các chuẩn mực ấy? Và rồi tất cả lại quẩn quanh chuyện con gà và quả trứng.

Tranh biếm của họa sĩ Lý Trực Dũng. Nguồn: Thể thao và Văn hoá


Một bên mất hẳn niềm tin vào con người, chỉ còn tin vào con số, dù là con số dễ bị gian lận giả mạo và diễn giải sai lệch. Giả sử xem một bài đăng tạp chí ISI/SCOPUS như một lượt học sinh thi đậu một trường chuyên, và mỗi lần bài báo được một tác giả khác trích dẫn là một lần học sinh ấy đạt kết quả tốt trong học tập; thì bất kể em học sinh chuyên ấy có học tốt hay không, họ vẫn cứ luôn xem là trò giỏi vì đã thi đậu đầu vào. Còn những em học sinh không vào trường chuyên, dù học ở đâu và có kết quả ở đó tốt đến thế nào, họ vẫn cứ mãi xem là trò kém vì không thi đậu trường chuyên.

Bên kia thì hết sức tin tưởng mình có thể làm tốt. Và thực tế luôn có những người nói được làm được, tạo sự tin tưởng. Nhưng trên bình diện chung, dường như họ chưa đủ khả năng thuyết phục phía đối diện trước tình trạng “vàng thau lẫn lộn”, làm sao chứng tỏ được đâu là “vàng” đâu là “thau”. Nhất là với nỗi lo “lò ấp tiến sĩ” nổi sóng dư luận một thời, bây giờ lại dậy sóng lần nữa với những luận án có tên gọi cười ra nước mắt và cách thức quản lí đào tạo đầy bất ổn, bỏ lửng lơ những câu hỏi day dứt về trách nhiệm của những người làm khoa học.

Trách nhiệm nhà khoa học

Muốn đánh giá được chất lượng thực sự của một luận án thì cần phải đọc trọn vẹn toàn văn cũng như công khai danh sách thành viên hội đồng bảo vệ, chứ không chỉ dừng lại ở tên đề tài. Giả sử, với một luận án bất kì được bảo vệ và hội đồng thông qua, chỉ cần công khai toàn văn luận án kèm danh sách chi tiết hội đồng (trừ trường hợp bảo vệ ở chế độ mật), thì bất cứ ai cũng có thể tra cứu và đánh giá chất lượng thực sự của luận án đó như thế nào. Và các thành viên trong hội đồng đương nhiên sẽ liên đới trách nhiệm nếu luận án thực sự có vấn đề về khoa học.

Ảnh minh hoạ: Internet


Khảo sát nhanh cơ sở dữ liệu luận án của cơ sở đào tạo liên quan là Học viện Khoa học Xã hội[i], có tổng cộng 1.810 luận án của ba niên khoá 2016, 2017 và 2018. Trong số đó, chỉ có 5 luận án đầu tiên trong danh sách là truy cập được toàn văn, số còn lại chỉ có bản tóm tắt với lí do “hết thời gian hiển thị”.

Mở rộng danh sách tìm kiếm ra các cơ sở đào tạo tiến sĩ khác, có thể thấy là cách thức, nội dung trình bày cũng như phạm vi truy cập đến các luận án tiến sĩ đã bảo vệ là rất tuỳ ý. Ngay cả Thư viện Quốc gia là nơi lưu chiểu mọi bản luận án tiến sĩ thì cơ sở dữ liệu toàn văn có trên 20.000 luận án từ 1957 đến 2013[ii], nhưng trình bày cũng rất sơ sài, tìm kiếm khó khăn và chỉ cho phép xem vài trang đầu của mỗi luận án. Cơ sở dữ liệu luận án tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đà tạo (GD&ĐT) cũng không khá hơn, với vẻn vẹn 2.760 luận án từ 2010 đến 2022, có thể tải toàn văn từ 2014 trở lại đây, nhưng hoàn toàn không có thông tin về thời gian và thành phần hội đồng bảo vệ[iii].

Trong khi đó, cả hai bản quy chế đào tạo tiến sĩ cũ (2017) và mới (2021) đều có quy định cơ sở đào tạo đăng toàn văn luận án tiến sĩ trong vòng 03 tháng sau khi bảo vệ xong. Xa hơn, quy chế đào tạo tiến sĩ năm 2009 còn bắt buộc công bố toàn văn luận án 30 ngày trước khi bảo vệ, cả trên website của cơ sở đào tạo lẫn của Bộ GD&ĐT. Trải qua gần 15 năm áp dụng quy chế công khai toàn văn luận án tiến sĩ (dù trước hay sau khi bảo vệ), mà giờ đây muốn biết ai học tiến sĩ ở đâu, ngành gì, do ai hướng dẫn, hội đồng bảo vệ lúc nào, thành phần tham gia gồm những ai, thì vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là bất khả.

Khi công khai minh bạch danh sách người học tiến sĩ, người hướng dẫn luận án, người đánh giá luận án, toàn văn luận án, tra cứu thuận tiện bất cứ lúc nào, thì sẽ có cơ hội thanh lọc dễ dàng những trường hợp lạm dụng hay làm ẩu, không đảm bảo chất lượng.

Tương tự, muốn tìm hiểu thêm về lí lịch khoa học của người hướng dẫn, kể các thành viên HĐGSNN, thì cũng không phải dễ dàng gì. Thiển nghĩ, muốn tăng cường trách nhiệm khoa học thực sự của những người làm khoa học hay cầm cân nảy mực của cộng đồng khoa học, không có cách nào tốt hơn việc minh bạch hoá toàn bộ các thông tin này.

Nhìn sang nước Pháp, từ 2011 Bộ Giáo dục Đại học và Nghiên cứu đã cho xây dựng một cơ sở dữ liệu luận án tiến sĩ tập trung toàn quốc[iv]. Cơ sở dữ liệu này cho phép tra cứu tên bất kì nghiên cứu sinh nào đang ghi danh học tại một cơ sở đào tạo tiến sĩ của Pháp, tên các luận án đang được thực hiện, ngày bảo vệ dự kiến, danh sách người hướng dẫn luận án, tên hầu hết các luận án đã bảo vệ từ 1985 và phần lớn toàn văn các luận án đã bảo vệ từ 2011 cho đến nay (kèm ngày và danh sách hội đồng bảo vệ). Nghĩa là, muốn biết ai đã có học tiến sĩ ở Pháp hay không, chỉ cần vài phút tra cứu là biết ngay. Muốn tra cứu thử mỗi giáo sư đang hướng dẫn bao nhiêu nghiên cứu sinh, không có gì khó khăn. Hoặc muốn xem toàn văn luận án của ai đó, cũng có thể tiếp cận dễ dàng.

Nguồn biếm hoạ: Tuổi Trẻ cười


Nên chăng, Việt Nam hãy quyết tâm xây dựng một cơ sở dữ liệu luận án tiến sĩ tập trung như vậy, nhằm chia sẻ thông tin và dữ liệu dễ dàng giữa tất cả các cơ sở đào tạo tiến sĩ, đồng thời kiểm tra nghiêm ngặt việc tuân thủ quy định công bố toàn văn luận án tiến sĩ, không giới hạn thời gian truy cập. Khi công khai minh bạch danh sách người học tiến sĩ, người hướng dẫn luận án, người đánh giá luận án, toàn văn luận án, tra cứu thuận tiện bất cứ lúc nào, thì sẽ có cơ hội thanh lọc dễ dàng những trường hợp lạm dụng hay làm ẩu, không đảm bảo chất lượng. Qua đó, trách nhiệm từng người trong guồng máy sẽ từng bước được nâng cao. Kết quả nghiên cứu thực sự tốt thì đăng trên các tạp chí khoa học trong nước sẽ không còn là một rào cản, thậm chí còn có cơ hội được khuyến khích, phát triển.

Xét cho cùng, hai chữ “trách nhiệm” là mấu chốt của mọi điểm bất cập trong việc thực thi nghiên cứu khoa học và quy chế đào tạo tiến sĩ (dù ở bất cứ phiên bản nào). Những người làm việc thiếu trách nhiệm không bị truy cứu trách nhiệm, dẫn đến sự mất mát niềm tin của xã hội vào cộng đồng khoa học. Niềm tin đã mất mát ấy chỉ có thể cứu vãn được nếu chúng ta biết và chịu khắc phục nguyên nhân gốc rễ, bắt nguồn từ cách thức chúng ta xác định trách nhiệm của một người làm khoa học trong cộng đồng khoa học. Bắt đầu từ việc công khai một cách có hệ thống và thường trực các bản toàn văn cùng thông tin hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ, cũng như hồ sơ khoa học của các nhà nghiên cứu có tham gia vào quá trình đào tạo tiến sĩ.

Hội đồng cấp cao về đánh giá khoa học và giáo dục đại học (HCÉRES) của Pháp mỗi năm đánh giá chất lượng của hàng chục trường đại học và hàng trăm đơn vị nghiên cứu trên khắp nước Pháp. Mỗi hội đồng ngành đều biên soạn các tài liệu hướng dẫn và mô tả chi tiết các sản phẩm khoa học nào có thể được xem xét công nhận trong lĩnh vực của mình[v]. Trong đó bao gồm rất nhiều thể loại như bài báo, sách chuyên khảo, tham luận hội thảo, bằng sáng chế, sản phẩm ứng dụng, thậm chí cả bài báo truyền bá thường thức khoa học…

Một số hội đồng có lập danh sách cụ thể hàng trăm tạp chí khác nhau thuộc nhiều quốc gia, xuất bản bằng nhiều thứ tiếng, nhưng không định ra thang điểm tuyệt đối để chấm cho mỗi bài đăng. Chất lượng hồ sơ cần được đánh giá trên tổng thể về nhiều mặt, chủ yếu định tính, dựa vào sự công tâm của chính nhà khoa học phụ trách đánh giá hồ sơ. Sự công tâm ấy thể hiện không chỉ trong hồ sơ đánh giá, mà cả trong trách nhiệm của họ đối với quyết định đánh giá khi có bất cứ vấn đề gì xảy ra trong hay sau quá trình đánh giá.

Nguyễn Tấn Đại


Tác giả Nguyễn Tấn Đại là nhà nghiên cứu độc lập về khoa học giáo dục. Nghiên cứu viên liên kết, Phòng thí nghiệm liên đại học về khoa học giáo dục và truyền thông (LISEC), Đại học Strasbourg, Pháp.

[i] Tra cứu ngày 10/05/2022. Xem chi tiết tại: https://gass.edu.vn/SitePages/List_Thesis.aspx

[ii] Tra cứu ngày 10/05/2022. Xem chi tiết tại: http://luanan.nlv.gov.vn

[iii] Tra cứu ngày 10/05/2022. Xem chi tiết tại: https://luanvan.moet.gov.vn

[iv] Xem chi tiết tại: http://theses.fr

[v] Xem chi tiết tại: https://www.hceres.fr/en/guides-research-output-and-activities

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.