Tựu trường trong dịch bệnh: giáo dục phải vì cuộc sống

 20:53 | Thứ năm, 05/08/2021  0
Vừa qua, việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT (đợt 1) giữa lúc dịch bùng phát đã gây tốn kém trong tổ chức, gây tâm lý lo âu trong xã hội, làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh. Điều này đã cho thấy sự máy móc, thiếu uyển chuyển và sáng tạo trong hệ thống đánh giá chất lượng giáo dục của ngành giáo dục.

Hậu quả là học sinh, học sinh và giáo viên ở những vùng dịch phải “ngậm bồ hòn” mà chạy theo những “nguyên tắc” duy ý chí của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Dẫu rằng sau đó, đại diện của Bộ này có bào chữa trên truyền thông rằng, Bộ đã không ép phải thi nhưng sự mập mờ, nước đôi trong quan điểm chỉ đạo để thoái thác trách nhiệm là điều khó che đậy.

Để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT  đợt 1, TP.HCM  thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho gần 120.000 thí sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác thi. Ảnh: Chí Hùng/Zing


Mới đây nhất, giữa lúc đại dịch đang lan rộng, tác động đến đời sống và tâm lý của người dân, Bộ GD&ĐT lại ra văn bản ban hành khung thời gian năm học 2021-2022, với ấn định ngày tựu trường sớm nhất là ngày 1.9; riêng học sinh lớp 1 có thể đến trường từ ngày 23.8. Văn bản không nêu rõ hình thức “tựu trường” như thế nào.

Câu hỏi đặt ra là tính bối cảnh của các văn bản này được đặt ở đâu? Những người ra văn bản đã ngồi ở đâu để soạn ra những “khung thời gian” như vậy? Dựa trên nền tảng an toàn nào về dịch tễ học và điều kiện xã hội để có thể đưa ra một văn bản xa rời bối cảnh như vậy?

Cần nhắc rằng, trên thực tế, dịch bệnh đang bùng phát mạnh ở các tỉnh miền Trung, TP.HCM, các tỉnh phía Nam và ngay cả Hà Nội. Quy định giãn cách ở nhiều địa phương còn tùy vào khả năng khống chế dịch bệnh. Đi sâu vào bức tranh đó, có thể thấy nhiều gia đình đang ở trong các khu cách ly điều trị, nhiều gia đình buộc phải di chuyển về quê vì khốn khó… Việc ổn định tâm lý để tính toán chuyện học hành của con cái cần có một sự chuẩn bị tự thân của người dân đi cùng các giải pháp an sinh xã hội cụ thể. Theo đó, cần những chính sách và phương thức giáo dục đòi hỏi sự linh hoạt cho năm học mới này. Có thể học hỏi kinh nghiệm tổ chức dạy học từ các nước trên thế giới đã trải qua những đợt dịch bệnh kéo dài để đưa ra chính sách hợp tình hợp lý.

Chưa bao giờ như lúc này, bộ máy điều hành đời sống giáo dục của một quốc gia cần những sáng tạo để có sự thích ứng với những thử thách khẩn cấp của đại dịch. Những thay đổi thích ứng nhất thiết phải được đặt trên sự an toàn của con người (bao gồm người học, người dạy, người liên đới với hoạt động giáo dục).

Một ngành chuyên môn đòi hỏi chính sách được xây trên thực tiễn đời sống như giáo dục và đào tạo, hẳn đòi hỏi sự nhạy cảm trước các chuyển biến của thực tế - đó là chưa nói cần đến sự tương thông với cộng đồng. Tầm nhìn chính sách cần xây dựng trên sự hiểu biết và tinh thần nhân văn; không thể tảng lờ, xa lạ và thậm chí máy móc đến lạnh lùng trước các chuyển biến của cuộc sống, tâm thái cộng đồng.

Chưa bao giờ như lúc này, bộ máy điều hành đời sống giáo dục của một quốc gia cần những sáng tạo để có sự thích ứng với những thử thách khẩn cấp của đại dịch. Những thay đổi thích ứng nhất thiết phải được đặt trên sự an toàn của con người (bao gồm người học, người dạy, người liên đới với hoạt động giáo dục). Các chính sách thấu đáo, sáng tạo, tôn trọng con người cũng sẽ là thông điệp, kinh nghiệm, bài học lan tỏa, tạo niềm tin tưởng cho xã hội thay vì gây thêm âu lo, bất an.

Trong sự chao đảo của muôn mặt đời sống mà đại dịch tạo ra, Bộ GD&ĐT hẳn có nhiều việc làm để chuẩn bị, giải quyết khủng hoảng ngay trong bộ máy cho đến chữa lành sang chấn xã hội qua môi trường giáo dục: chính sách hỗ trợ giáo viên, chính sách khuyến khích và trợ lực cho hệ thống trường tư thục đặc biệt là mầm non, chính sách đầu tư hạ tầng kỹ thuật để phục vụ cho việc dạy học trực tuyến, xây dựng hệ thống đánh giá chất lượng giáo dục thay thế cho thi cử truyền thông trong những bối cảnh khẩn cấp và trước mắt là chế độ chính sách hỗ trợ học sinh nghèo theo đuổi việc học trong điều kiện khó khăn kinh tế trong năm học mới, hỗ trợ tư vấn và điều trị khủng hoảng tâm lý cho trẻ em bị rơi vào hội chứng giãn cách kéo dài và chịu mất mát trong đại dịch…

Chưa bao giờ như lúc này, mỗi một văn bản chính sách giáo dục được ban hành cần được thăm dò, nghiên cứu, suy xét thấu đáo để cho thấy rõ thông điệp giáo dục là vì cuộc sống. Đừng để người dân phải đặt ra câu hỏi cay đắng: chẳng lẽ nào các văn bản, quy định được gửi tới từ một hành tinh xa xôi, và hành tinh ấy có tên là: Bộ Giáo dục và Đào tạo?!

Nguyễn An Nam

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.