Ngày 8.2, nguồn tin của Người Đô Thị cho biết UBND thành phố Đà Lạt đã có tờ trình gửi Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng thẩm định và trình UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết Công viên Xuân Hương - Tỷ lệ 1/500 (phường 3, thành phố Đà Lạt), làm cơ sở triển khai các bước tiếp theo.
Tổ chức tư vấn lập quy hoạch là Công ty cổ phần tư vấn đầu tư bất động sản Việt Tín. Chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Đà Lạt.
Toàn cảnh khu vực quy hoạch Công viên Xuân Hương đưa ra lấy ý kiến người dân tháng 11.2021. Ảnh: Đồ án
Theo đó, phạm vi diện tích ranh giới nghiên cứu là 2,88 ha (28.781,67 m2), phạm vi diện tích lập quy hoạch trực tiếp là 1.77 ha (17.654,40 m2). Phía Bắc giáp đường Trần Quốc Toản, phía Nam giáp đường Hồ Tùng Mậu, phía Đông giáp nút giao thông trước Thủy Tạ, phía Tây giáp khu dân cư đường Hồ Tùng Mậu.
Một trong những mục tiêu quy hoạch là tạo cơ sở pháp lý cho việc lập, quản lý xây dựng theo quy hoạch các dự án đầu tư xây dựng sẽ chuyển đổi trong khu vực (di dời Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Lâm Đồng và chuyển sang Trung tâm triển lãm của thành phố Đà Lạt), góp phần phát huy hiệu quả trong sử dụng đất và đầu tư cho các dự án thành phần liên quan đến Công viên Xuân Hương theo Điều chỉnh thiết kế đô thị khu vực cảnh quan quanh hồ Xuân Hương, tạo thành một tổng thể hài hòa, thống nhất.
Về tổ chức không gian - kiến trúc cảnh quan, tờ trình đề xuất quy hoạch Công viên Xuân Hương theo hướng công viên mở, kết hợp với Trung tâm triển lãm thành phố và Đường sách thành phố Đà Lạt.
Tổ chức lại hệ thống cây xanh, thảm hoa phù hợp với không gian cảnh quan của khu vực. Tổ chức phân luồng hệ thống giao thông trong khu vực tạo trục đi bộ quanh khu vực hồ. Gìn giữ cảnh quan hiện trạng cấu thành danh thắng trong khu vực, từng bước xây dựng các công trình mới góp phần tạo cảnh quan danh thắng.
Chỉ xây dựng thêm các công trình kiến trúc tại những vị trí phù hợp nhằm phát huy giá trị cảnh quan, văn hóa lịch sử Đà Lạt. Đồng thời, tháo dỡ các công trình xây dựng không phù hợp làm ảnh hưởng cảnh quan của toàn khu vực.
Hồ Xuân Hương là hồ nhân tạo, có chu vi chừng 5 km, rộng 25 ha, chảy qua nhiều địa danh du lịch nổi tiếng của Đà Lạt như: Vườn hoa thành phố, Công viên Yersin, Đồi Cù, Quảng trường Lâm Viên... Ảnh: CTV – Google map
Giao thông kết nối là đường Trần Quốc Toản nằm về phía Bắc và đường Hồ Tùng Mậu – nằm phía Nam khu vực quy hoạch (Trong định hướng quy hoạch mạng lưới giao thông nội bộ sẽ kết nối các khu chức năng ra 2 tuyến giao thông đối ngoại). Hướng ra vào của các loại phương tiện sẽ được bố trí tại các vị trí thuận tiện dọc theo tuyến đường Trần Quốc Toản và đường Hồ Tùng Mậu.
Trung tâm khu vực quy hoạch với công trình Trung tâm triển lãm và khu vực Đường sách, dự kiến là điểm nhấn cảnh quan của công viên với hình thức kiến trúc hiện đại, các chi tiết đơn giản, màu sắc hài hòa tạo sự đồng đều, phù hợp với các khu vực xung quanh. Ngoài ra, còn có các công trình dịch vụ phục vụ cho khu vực công viên.
Đường sách Đà Lạt được đề xuất thiết kế xây dựng tại Công viên Xuân Hương, song song với đường Hồ Tùng Mậu, trước khách sạn Dalat Palace. Ảnh: Đồ án
Khu vực phía Đông quy hoạch sẽ là khu vực đậu xe và khu nhà vệ sinh công cộng dành cho nhân viên, du khách đến tham quan công viên. Các bảng chỉ dẫn lối vào, bảng tên khu vực được thiết kế theo hình thức mang tính giới thiệu kết hợp quảng bá hình ảnh.
Quy hoạch đất xây dựng công trình kiến trúc gồm: Trung tâm triển lãm (diện tích 946,11 m2, gồm hai tầng hầm, tầng bán hầm, tầng 1, tầng 2); Công trình Đường sách (diện tích 239,46 m2); Chòi nghỉ (gồm 4 chòi với tổng diện tích 64,95 m2); Phòng kỹ thuật (với diện tích khoảng 8 m2).
Hình thức kiến trúc, màu sắc và vật liệu xây dựng gần gũi với thiên nhiên. Công trình phải có 4 mặt tiếp xúc với sân vườn.
Phối cảnh Công viên Xuân Hương và hình tượng nụ hoa 3 tầng làm Trung tâm triển lãm. Ảnh: Đồ án
Trung tâm triển lãm phục vụ số lượng lớn du khách ra vào thường xuyên khi đi vào hoạt động. Với phòng hội thảo bố trí tại tầng hầm 1 có sức chứa khoảng 500 người; Bãi đậu xe nằm tầng hầm 2 có sức chứa 79 xe ô tô và 131 môtô.
Cốt xây dựng công trình được xác định theo cốt tự nhiên nhằm hạn chế việc đào đắp làm ảnh hưởng đến địa hình khu vực quy hoạch.
Quy hoạch tổng diện tích đất giao thông sân bãi là 2.625,98 m2, trong đó: Giao thông đối nội có diện tích 1.762,83 m2; Giao thông đối ngoại (đường Hồ Tùng Mậu) diện tích 863,16 m2.
Phần vỉa hè khu vực đường Hồ Tùng Mậu phía Công viên Xuân Hương được hạ cao độ bằng với cao độ mặt đường Hồ Tùng Mậu để linh hoạt chuyển đổi công năng thành khu vực đậu, đỗ xe để tổ chức sự kiện vào các dịp lễ cần thiết.
Quy hoạch đất đường dạo bộ với diện tích 940,61 m2; Sân bãi có tổng diện tích 2.262,24 m2; Sân khấu ngoài trời có diện tích 525,44 m2; Sân chơi có diện tích 1.005,66 m2; Bãi đỗ xe, dừng xe có diện tích 731,15 m2; Cây xanh, thảm hoa có diện tích 1.097,41 m2.
Đất cây xanh, rừng thông có diện tích 8.094,15 m2, chiếm tỷ lệ 45,85% diện tích khu đất công viên. Đất thuộc khu vực đường Trần Quốc Toản (mở rộng) gồm đất giao thông và đất cây xanh vỉa hè với tổng diện tích 1.357,48 m2, chiếm tỷ lệ 7,69% diện tích khu đất công viên…
Đoạn đường Trần Quốc Toản trước Công viên Xuân Hương mới được mở rộng. Ảnh: Lâm Viên
Theo diễn giải của tờ trình, thực hiện đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết Công viên Xuân Hương còn xác định ngoài chức năng “Công viên chuyên đề, Công viên mở” thì chức năng chính Trung tâm triển lãm là khu vực cung cấp thông tin, tư liệu, dữ liệu, hình ảnh,... về thành phố Đà Lạt, gắn với đó là chức năng mới của khu vực “Đường sách Đà Lạt” nhằm xác định bố trí công trình có kiểu dáng kiến trúc phù hợp với điều kiện địa hình, cảnh quan và làm điểm nhấn của công viên và khu vực cảnh quan quanh hồ Xuân Hương, đáp ứng một phần nhu cầu thiết thực của người dân trong thành phố...
Phạm Tuấn – Hữu Đức