Huỳnh Lê Nhật Tấn sinh năm 1973, hiện đang làm việc tại Đà Nẵng. Sau hai tập thơ tự do Men da (2009) và Que than (2017), anh vừa xuất bản tập sách mỹ thuật Vết căn nguyên (tháng 3.2022). Từ cuốn sách, anh trích ra 28 tranh để làm triển lãm cá nhân lần thứ hai Vết căn nguyên.
![]() |
Chân dung Huỳnh Lê Nhật Tấn. |
Triển lãm cá nhân lần đầu với thể loại tranh thơ art graphic Dấu nối sinh tồn (2007) từng diễn ra tại Viet Art Centre (42 Yết Kiêu, Hà Nội).
Huỳnh Lê Nhật Tấn cũng đã có các triển lãm nhóm như sắp đặt nghệ thuật thơ Trong bé nhỏ đến rộng lớn (2010) tại Văn Miếu; trình diễn và sắp đặt thơ Những nấc thang (2010) tại Festival Huế. Triển lãm Mỹ Sơn - cảm xúc mới (2013) tại Mỹ Sơn, Quảng Nam…
Thơ đến với anh từ khá sớm, trong mỗi bài, qua năm tháng, nó chuyển động dần dần từ các ý tưởng rõ ràng cho đến các bài thơ mang hơi hướng siêu thực.
Hội họa đến với anh muộn hơn, chừng 10 năm trở lại đây, nơi anh còn chú trọng nhiều đến việc diễn ý, gởi gắm các tình huống hiện sinh và phi lý thông qua các ký hiệu, biểu hiện. Đến những bức tranh gần đây, vẽ sau thời Covid-19, cũng đã bắt đầu có chất siêu thực. Anh đến với hội họa bằng con đường tự học.
Vết căn nguyên của Huỳnh Lê Nhật Tấn diễn ra từ 26.3 đến 3.4 tại TP.HCM.
Huỳnh Lê Nhật Tấn cho biết: “Mùa đông 2012, khởi đầu cho chủ đề Vết căn nguyên, tôi vẽ bức tranh mang tên Ngược chiều kéo dài miên man, từng mảng màu ẩm ướt. Ở tâm trạng sầu não, tôi thấy nỗi đau va chạm cuộc đời. Hai khuôn mặt đàn ông, đàn bà hoang dã, con số 6, xoay vòng hoán vị giống nhau, và chúng chỉ là một - biến đổi suy niệm nhiều khía cạnh, có thể tinh thần suy sụp - về tượng dạng thất bại đời sống xã hội biến đổi giới tính. Ý nghĩ càng dày đặc, nó thổi lên mặt phẳng, diễn bày hội hoạ ngữ ngôn. Đã có vài người chia sẻ. Họ xem, tán thưởng, thấu hiểu, chạm phải tượng hình trong tâm can, sự trùng hợp.
Sau đó, tôi quyết thường xuyên khởi điểm vẽ theo sợi dây đó, đi bấp bênh bằng vết màu đen mang dấu chấm [x]. Nghĩa là phải thấu cảm vấn đề nào đó, rồi tìm ra dấu tích xoi mói như đoản khúc, ý thơ siêu hình vậy, đứng trên trục tung, trục hoành, đường thẳng cong vút in trong trí não”.
Tác phẩm của Huỳnh Lê Nhật Tấn.
“Căn nguyên bắt nguồn từ tâm điểm, xoay rộng gieo gì gặp đó, nghĩ gì thì vẽ đó, nghĩa là danh tính người vẽ hiện ra ý tưởng, bắt đầu cho tranh là vết, dấu chấm, nét chấm cọ, vũng sơn đổ tràn lên toan, khoảng trống nằm bất động, bản thảo phơi ý, phút giây chợt hiện... Tôi điên cuồng hình tượng người nông dân, đôi tay anh ta mang bầu hạt giống, khuôn mặt tươi nở nụ cười, gieo rắc mùa màng. Anh mong chờ hi vọng bội thu hay là thất bát. Nó đều bắt nguồn từ hạt giống và thời tiết là căn nguyên.
Vậy, tôi vẽ cũng mang cốt ý đó, tâm tánh thể hiện từng bức họa, hàng loạt mệnh đề triết học, chúng là tiêu đề cho từng bức tranh ra đời, mang tên như bài thơ nhiều ẩn dụ: Nhìn sự rỗng không của thế gian, Lời độc địa, Hủy diệt từ lòng bàn tay đen, Những hạt giống nẩy mầm, Vòng roi ngựa, Máu đôi mắt bò tót, Ô vàng trên ngôi vị quyền lực, Vỏ bọc, Vũ trụ nguyên sơ, Trên bàn tiệc, Giọt linh hồn rơi vào đêm, Giao cảm sóng…”.
Và anh kết luận: “Nếu ai đó hỏi vì sao vẽ, phải bỏ mọi thứ để vẽ. Tôi sẽ nói rằng, vẽ để bắt đầu bằng một Vết, để đi tìm từ đâu có Vết đó. Vì nghệ thuật là phù du tan biến, vật chất trao đổi mọi thứ. Thì, nghệ thuật cũng vậy, phát minh bằng sáng tạo nuôi hạt giống tâm hồn. Nghệ thuật hội họa có mặt từ một đứa trẻ, vắng mặt nó nền văn minh nhân loại điêu tàn, hội họa vòng luân hồi tiếp nối”.
Trâm Anh