Trong chiến tranh, tôi công tác trong Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam. Lúc đó tôi chỉ biết đồng chí Võ Văn Kiệt là lãnh đạo cao cấp của Đảng, hoạt động ở các vùng đồng bằng sông Cửu Long chứ chưa từng được gặp.
Sau khi kết thúc chiến tranh, Thành ủy TP.HCM đề nghị Bộ Quốc phòng biệt phái về thành phố một số cán bộ quân đội để tham gia công tác Đảng, chính quyền, công tác chuyên môn từ cấp quận, huyện và cả phường xã. Tôi trong đoàn cán bộ được biệt phái về, được bố trí đến gặp bí thư thành ủy. Đây là lần đầu tiên tôi gặp ông Võ Văn Kiệt và được phân công về tham gia ban chỉ huy lực lượng Thanh niên Xung phong (TNXP) TP.HCM.
Xây dựng con người bằng lòng tin
Trước khi gặp ông Sáu Dân, tâm trạng của những cán bộ trải qua thời gian dài trong chiến tranh là muốn một công việc ổn định ở thành phố này để có chút thời gian chăm sóc gia đình. Vừa ra khỏi rừng chưa được một năm lại phải trở lại rừng với lực lượng TNXP mà trong tay cơ sở vật chất, phương tiện chưa có gì cả, nhiều người trong chúng tôi không khỏi băn khoăn. Nhưng khi gặp ông Võ Văn Kiệt (kể từ đó chúng tôi bắt đầu quen gọi là ông Sáu Dân), nghe ông tóm lược tình hình thành phố, cung cấp nhiều thông tin rất thuyết phục, chúng tôi đã thấm hiểu được ý định của ông trong việc xây dựng con người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Nghe xong, tôi và các đồng chí từ quân đội điều về đã phai mờ đi những toan tính riêng tư.
Tôi còn nhớ một câu dặn dò của ông: “Khi bố trí các đồng chí về công tác ở lực lượng TNXP của thành phố Sài Gòn vừa mới giải phóng này, Thành ủy mong muốn không có phân biệt đối xử trong một tập thể đội viên có đủ các thành phần, có lòng tin thực sự vào anh chị em để từ đó có một sự chuyển hóa thực sự”. Qua thực tiễn, lời dặn dò đó của ông Sáu Dân mới thấm vào suy nghĩ và nhận thức của tôi.
Ông Võ Viết Thanh.
Trong Lực lượng TNXP của thành phố lúc đó có tới hơn 40 sĩ quan là y, bác sĩ từng phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng hòa, nhiều trí thức trẻ, nhiều anh chị là con em gia đình sĩ quan, công chức chế độ cũ, một số anh chị thuộc thành phần tệ nạn xã hội. Các anh chị em này đã cùng Ban chỉ huy Lực lượng TNXP đến khai hoang, phục hóa những vùng đất mới: từ miền Đông Nam bộ và Tây Nguyên đến U Minh Thượng, U Minh Hạ, mùa nước nổi thì mênh mông như biển, mùa khô thì phải chia nhau từng can nước… Công cụ lao động hoàn toàn là xẻng cuốc, cưa rìu. Vậy mà họ sống với nhau rất hòa thuận, không câu nệ quá khứ. Thực tế lao động mới mẻ và có ích đã biến phần lớn trong số họ trở thành những con người không còn bị ràng buộc bởi quá khứ khác biệt trong chế độ mới, đúng như mong muốn của ông Sáu Dân và Thành ủy.
Ông Sáu Dân rất xúc động khi đến thăm Tây Nguyên, gặp những gia đình TNXP nên vợ nên chồng, quá khứ không vui đã bỏ lại phía sau, họ chọn ở lại lập nghiệp trên vùng đất mới khai hoang, phục hóa. Được góp phần và chứng kiến quá trình lao động chuyển hóa con người, chúng tôi như chạm tới nguồn hạnh phúc vô tận. Đến nỗi lúc đó tôi có ý nghĩ muốn làm công việc này suốt đời, không bao giờ nghĩ sẽ làm những việc khác để có vị trí cao hơn. Tôi rất tiếc là đến năm 1983 lại được điều chuyển sang ngành công an.
Lực lượng Thanh niên Xung phong đã trở thành cánh cửa mở rộng lối vào đời cho hàng vạn bạn trẻ dù xuất thân từ đâu, bởi như một câu nói nổi tiếng của ông Võ Văn Kiệt: “Không ai chọn cửa mà sinh ra”. Ảnh TL
Nghĩ về giai đoạn được giao làm Chỉ huy trưởng lực lượng TNXP của TP.HCM những năm đầu sau ngày 30.4.1975, tôi càng khâm phục tầm nhìn, kính trọng nhân cách lãnh đạo của ông Võ Văn Kiệt. Chúng ta từng có một lực lượng TNXP trước 1954 và trước 1975 để phục vụ chiến đấu chống Pháp và chống Mỹ. Nhưng, tổ chức TNXP thời bình như ông Kiệt và Thành ủy TP.HCM đã làm sau năm 1975 thì chưa có tiền lệ.
Để xây dựng con người mới, nhất là thanh niên, trong một thành phố lớn từng là đô thị trung tâm của chế độ cũ thì không thể ngồi chờ có luật pháp rồi mới làm. Ông Võ Văn Kiệt trong cương vị chủ tịch thành phố và sau đó là bí thư thành ủy đã cùng ban lãnh đạo cho ra đời một quy chế đối với lực lượng TNXP hoạt động trong thời bình.
Quy chế ấy có chức năng, nhiệm vụ; có cả chế độ, chính sách cho đội viên TNXP trong và sau thời gian nhập ngũ. Kính phục tư duy xa và rộng của ông Sáu Dân là đã không chỉ đưa lực lượng lao động trẻ Sài Gòn ra nông trường đào kênh, trồng lúa, trồng cao su mà cái chính là qua đó xây dựng tuổi trẻ góp phần dựng xây đất nước dù xuất thân từ đâu. Nhưng TNXP đâu chỉ có lao động.
Năm 1977, chiến tranh nổ ra ở biên giới Tây Nam nước ta do Pol Pot tiến hành với quy mô lớn. Chính lúc đó, cả vạn người thuộc lực lượng TNXP được đưa ra làm hậu cần cho các binh đoàn, quân đoàn của Việt Nam chống lại Pol Pot. Anh em TNXP đã hy sinh rất nhiều trên đất bạn cũng như vùng biên giới.
Có một điều đáng nói là khi đó TNXP cũng được trang bị vũ khí. Nếu không có lòng tin với lực lượng hỗn hợp về xuất thân như thế, chắc chắn sẽ không dám đưa vũ khí cho họ. Xây dựng con người với lòng tin, đó chính là cách ông Sáu Dân suy nghĩ và chỉ đạo.
Nhà văn Nguyễn Đông Thức (giữa) trong lần cùng ông Võ Văn Kiệt (phải) ra thăm nông trường dừa Đỗ Hòa của TNXP TP.HCM ở Cần Giờ, năm 1982. Bên trái là giám đốc nông trường Võ Thị Bạch Tuyết. Ảnh: TL
Không lùi bước trước khó khăn
Tôi có may mắn được làm nhiều việc và trong thời gian khá dài với ông Võ Văn Kiệt, lúc ở TP.HCM cũng như lúc ở trung ương. Ông là một tấm gương cho tôi học tập về tinh thần không bao giờ lùi bước trước khó khăn và rất coi trọng thực tiễn. Không phải ông coi nhẹ lý luận, nhưng ông dứt khoát không phải là người giáo điều. Chính nhờ vậy mà khi thấy thực tiễn bị ngăn trở bởi các quy định lỗi thời, ông mạnh dạn bàn bạc với tập thể lãnh đạo TP.HCM “xé rào” tìm lối cho cuộc sống phát triển.
Sau này khi làm chủ tịch UBND TP.HCM, tôi cũng học theo cách nghĩ, cách làm đó của ông. Chỉ đạo bất cứ công việc gì phải cân nhắc hai yếu tố: lợi ích đất nước, lợi ích của nhân dân. Đáp ứng được hai yếu tố đó thì sẽ có cách tháo gỡ những ràng buộc của những thông tư, nghị định chưa theo kịp thực tiễn. Nếu lãnh đạo địa phương và bộ ngành mà không lấy cơ sở vì lợi ích của đất nước, lợi ích của dân để hành động, chỉ sợ mất cái ghế của mình thì đất nước còn trì trệ, khó phát triển.
Còn nhớ những năm đất nước mới tái thống nhất, cực kỳ khó khăn, bạn ít thù nhiều, bị bao vây cấm vận, người vượt biên ồ ạt còn người có nhu cầu ra nước ngoài vì việc riêng thì vô cùng khó khăn về thủ tục hành chính. Thực tế đã phát sinh tiêu cực trong việc xét duyệt cho đi nước ngoài. Tình trạng này tạo ra bức xúc trong người dân về chính sách xuất cảnh của Nhà nước. Tôi, lúc đó đang công tác ở Bộ Công an với cương vị thứ trưởng phụ trách an ninh, đã cùng anh em bàn bạc, đặt mình vào cuộc sống của người dân để tìm ra đối sách thích hợp.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt (bìa trái) cùng các chuyên gia khảo sát thực địa vùng Nhà Bè - khu Tân Thuận. Ảnh tư liệu của chuyên gia kinh tế Phan Chánh Dưỡng.
Bộ trưởng Mai Chí Thọ phân công tôi qua trình bày, đề xuất giải pháp với ông Võ Văn Kiệt (lúc đó đang là Phó Chủ tịch và sau đó là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng). Cuối cùng, đã đi tới được phương án giải quyết là: việc xuất cảnh ở Việt Nam, Bộ Công an sẽ cấp tất cả hộ chiếu phổ thông để những người có nhu cầu đi nước ngoài vì việc riêng có thể đi bất cứ lúc nào theo quy định mà không cần xin phép công an địa phương. Việc nhập cảnh thì tùy thuộc quy định cấp visa của những nước có quan hệ xuất nhập cảnh với Việt Nam. Từ khi thực hiện chính sách xuất nhập cảnh như trên, dòng người vượt biên giảm hẳn. Những người dân có nhu cầu xuất cảnh tạm thời hoặc lâu dài đã được giải quyết thông thoáng và hợp pháp.
Được sự chấp thuận của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, chúng tôi tổ chức các đoàn đi đến các trại “trại tỵ nạn” có công dân Việt Nam để trao đổi với bà con về hai hướng giải quyết. Một, nếu bà con trở lại Việt Nam, tài sản vẫn còn, hộ khẩu vẫn còn và được nhận một khoản trợ cấp từ Nhà nước. Hai, nếu bà con được các nước phương Tây chấp nhận cho nhập cảnh thì Nhà nước Việt Nam hoàn toàn ủng hộ…
Sau đó từ Singapore, Hồng Kông, Thái Lan, Mã Lai… chúng tôi lần lượt đưa cả vạn người trở về quê hương, ổn định dần cuộc sống. Từ kết quả tháo gỡ khó khăn này: với sự mạnh dạn ủng hộ của lãnh đạo trung ương mà ông Võ Văn Kiệt là đại diện, có thể rút ra kết luận: khi chúng ta mạnh dạn thay đổi chính sách phù hợp với nhu cầu của cuộc sống thì không chỉ dọn dẹp được tiêu cực mà cái được lớn nhất là lòng người.
Dám nghĩ, biết làm và dám chịu trách nhiệm
Quan hệ giữa tôi và ông Võ Văn Kiệt cũng có những chuyện đáng nhớ. Bên ngoài cuộc họp, ông luôn thân tình với tôi bằng cách gọi “mày, tao” như con cháu trong nhà. Nhưng trong công việc thì rất nghiêm túc, thậm chí có lúc cũng khá căng thẳng. Đó là chuyện hồi đó lãnh đạo thành phố chỉ đạo đưa 3.000 TNXP TP.HCM lên Tây Nguyên sản xuất nông nghiệp. Tỉnh Đắk Lắk giao cho 5.000 hecta đất để khai hoang, trong đó có 2.000 hecta nằm trên những quả đồi hoang hóa, còn 3.000 hecta là rừng đang tái sinh.
Hồi đó tôi chưa có kiến thức sâu về môi trường, chỉ nghĩ đơn giản: khai hoang bằng thủ công quá tốn sức, mỗi ngày cần tới 3 - 4 người chỉ để đốn 2 - 3 cây. Vả lại, cây đang tái sinh, đốn đi cũng uổng. Nghĩ vậy nên tôi xin chủ trương không đốn cây ở khu vực 3.000 hecta rừng đang tái sinh.
Không phải ông coi nhẹ lý luận, nhưng ông dứt khoát không phải là người giáo điều. Chính nhờ vậy mà khi thấy thực tiễn bị ngăn trở bởi các quy định lỗi thời, ông đã mạnh dạn bàn bạc với tập thể lãnh đạo TP.HCM “xé rào” tìm lối cho cuộc sống phát triển.
Võ Viết Thanh
Nghe vậy ông Võ Văn Kiệt tỏ vẻ rất không hài lòng. Có lẽ ông nghĩ tôi ngại khó. Tôi đã căng thẳng đến mất ngủ vì thái độ đó của ông. Nhưng tôi biết, ông Kiệt không phải là người bảo thủ, giáo điều nên tôi nghĩ cách mời được trung tướng Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà), ông Mai Chí Thọ và ông Võ Văn Kiệt lên Đắk Lắk thăm rừng. Tôi đưa các vị lãnh đạo vào xem tất cả các khu rừng tái sinh, đến bữa trưa cùng nghỉ, ăn cơm nếp dưới tán rừng. Hai ngày sau ông Kiệt gọi tôi lên nói đồng ý không đốn rừng.
Ông là một người như vậy. Không lý luận dông dài, luôn xuất phát từ thực tiễn, thấy đúng thì triển khai liền, nhưng nếu sai thì điều chỉnh cũng rất nhanh.
Đó còn là chuyện phát triển Cần Giờ. Lúc còn làm cố vấn cho Ban chấp hành Trung ương, ông nhắc tôi mấy lần là phải sớm bàn chuyện lấn biển Cần Giờ. Thậm chí ông còn trách tôi trì trệ. Tôi báo cáo với ông là muốn lấn biển phải thuê các nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm về địa chất, về môi trường; rồi phải cân nhắc vấn đề về xã hội...
Vì lấn biển là cả một vấn đề vô cùng lớn về môi trường sinh thái và tiền của, phải tính toán, cân nhắc thiệt kỹ để tránh sai lầm, gây hậu quả khó lường. Cấu tạo địa chất cho phép xây dựng các khối nhà cao tầng tới đâu. Khối lượng đất cát để san lấp lấy từ đâu. Khả năng làm biến dạng dòng hải lưu có thể xảy ra như thế nào đối với không chỉ dọc bờ biển Cần Giờ mà cả với dòng chảy của sông Sài Gòn.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên công trường đường dây 500KV Bắc-Nam. Ảnh: Minh Đạo
Mặt khác rất quan trọng là vấn đề tài chính. Tiền đầu tư rất lớn, chắc chắn phải đổ ra từ ngân hàng cho vay chứ không thể chỉ là tiền trực tiếp từ túi các doanh nghiệp. Nếu bị trở ngại, ách tắc kéo dài thì liệu có dẫn tới khủng hoảng tài chính hay không… Nghe tôi trình bày chi tiết, ông Kiệt không “cự” nữa và cũng không thúc giục chuyện lấn biển Cần Giờ nữa.
Khi từ Bộ Công an quay lại làm lãnh đạo thành phố, soi chiếu lại tấm gương của ông Võ Văn Kiệt ngày xưa cũng ở cương vị như mình, tôi học nhiều ở ông cái dám nghĩ, biết làm và dám chịu trách nhiệm. Tôi sửa cái “dám làm” bằng “biết làm” vì dám làm chưa chắc đã làm đúng.
Thời kỳ tôi làm chủ tịch, TP.HCM trình duyệt quy hoạch tổng thể và nhiều quy hoạch về phát triển cơ sở hạ tầng rất lớn, như khu đô thị Phú Mỹ Hưng; mười mấy khu công nghiệp, khu chế xuất; các đại lộ và các khu dân cư tập trung cao. Đặc biệt là hạ tầng của hai kênh có thể nói là tạo ra một sự đổi đời ở thành phố là Nhiêu Lộc - Thị Nghè và Bến Nghé. Chuyện trước mắt, chuyện lâu dài. Chuyện lớn, chuyện nhỏ (như chuyện nên xây dựng nghĩa trang bình đẳng, không phân biệt thứ bậc trong xã hội…).
Tôi thường tìm đến trao đổi những chuyện ấy với ông Kiệt và được ông đồng tình. Tôi cũng học hỏi và kính phục ông về sự chịu đựng, nhất là khi bản thân tôi phải trải qua sự cố có thể nói không nhỏ vì bị hiểu lầm tình tiết trong lý lịch (sau đó đã được giải tỏa). Tôi quan sát ông và biết quá trình làm việc từ thành phố đến trung ương đâu phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, đủ thứ lời ra tiếng vào, kể cả bịa đặt. Nhưng ông vì cái chung đã vượt qua tất cả, vẫn tận tụy lo lắng cho cái chung cho tới cuối đời.
Vì ông sống như vậy nên khi ra đi đã để lại một tấm gương mà toàn dân đều ghi nhớ, tiếc thương…
Võ Viết Thanh