Ủy hội sông Mekong sẽ cập nhật Chiến lược phát triển thủy điện bền vững

 22:33 | Thứ tư, 15/08/2018  0
Ủy hội sông Mekong (MRC) vừa cho biết, tổ chức liên chính phủ này đang tìm cách hiệp lực với CHDCND Lào rà soát và cập nhật kế hoạch và chiến lược phát triển thủy điện quốc gia này.

Việc này được tiến hành sau khi Lào cho rà soát, kiểm tra tất cả các đập đã đang xây dựng, đình chỉ xem xét tất cả dự án thủy điện mới sau sự cố vỡ đập Xepian Xenamnoy; đồng thời dựa trên kế hoạch và chiến lược phát triển lưu vực của Ủy hội.

Vụ vỡ đập thủy điện XePien XeNamnoy nhấn nhìm 7 bản thuộc huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, phía đông nam của Lào. Ảnh: ABC Laos

MRC đã hoàn thành nghiên cứu có chi phí 4,7 triệu USD về Phát triển và quản lý bền vững lưu vực sông Mekong bao gồm tác động của các dự án thủy điện trên dòng chính, với tên gọi “Nghiên cứu của Hội đồng”. Nghiên cứu này đã được Thủ tướng Chính phủ các quốc gia Mekong phê duyệt vào cuối năm 2011, và hoàn thành vào tháng 12.2017.

Theo MRC, sau khi được Thủ tướng Chính phủ các quốc gia Mekong chấp thuận việc cân nhắc sử dụng kết quả của Nghiên cứu của Hội đồng vào tháng 4.2018, hiện tổ chức này đang cập nhật Chiến lược Phát triển Thủy điện Bền vững (SHDS) với một số lộ trình xem xét danh mục các dự án tối ưu nhất và bền vững nhất.

Việc cập nhật này có tính tới nhu cầu và hợp tác năng lượng trong khu vực, các mục tiêu phát triển quốc gia, các hình thức năng lượng tái tạo mới, biến đổi khí hậu, ảnh hưởng xã hội và môi trường xuyên biên giới, chia sẻ chi phí và lợi ích cũng như các dự án chung.

Chiến lược SHDS dự kiến sẽ được các quốc gia thành viên phê duyệt vào đầu năm 2019; sau khi được phê duyệt, các quốc gia sẽ điều chỉnh kế hoạch và dự án cấp quốc gia một cách phù hợp.

Chiến lược cũng sẽ đóng góp cho Chiến lược phát triển lu vực Mekong (BDS) cập nhật vào năm 2019 cùng với Kế hoạch phát triển lưu vực (BDP) mới cho toàn bộ lưu vực.

BDS/BDP không chỉ ưu tiên các dự án thủy điện mà còn quan tâm đến các vấn về tưới tiêu, chống lũ lụt và hạn hán, giao thông thủy và du lịch.

Toàn cảnh vợ đập XePien XeNamnoy vào tháng 7.2018 vừa qua. Ảnh: TL

Tại thông cáo của mình, MRC cho biết sẽ kêu gọi các đối tác đối thoại của mình là Trung Quốc và Myanmar tham gia, và làm việc chặt chẽ với các đối tác này để cập nhật BDS/BDP.  

Các khung hợp tác liên quan của Mekong như Cơ chế Hợp tác Mekong – Lan Thương (LMC), Tiểu vùng Mekong mở rộng, Sáng kiến Hạ lưu sông Mekong, Mekong – Nhật Bản, Mekong – Hàn Quốc, và Hợp tác Mekong - sông Hằng cũng được đề nghị tham gia và hỗ trợ.

MRC kỳ vọng, chiến lược SHDS cập nhật, kế hoạch và chiến lược phát triển thủy điện của Lào, các chiến lược kế hoạch lưu vực BDS/BDP sẽ giúp lưu vực sông Mekong phát triển bền vững hơn, khi các dự án xây dựng thủy điện đáp ứng lợi ích trên toàn lưu. Các dự án này sẽ áp dụng các hướng dẫn của MRC như Hướng dẫn thiết kế đập trên dòng chính gồm: các tiêu chuẩn an toàn đập, và quy trình Tham vấn trước theo Thủ tục Thông báo, Tham vấn trước và Thỏa thuận (PNPCA).

“Tôi kêu gọi tất cả các tổ chức và các khung hợp tác liên quan tới Mekong hãy cùng tham gia với Ủy hội trong nỗ lực phát triển Mekong theo hướng tối ưu hơn, bền vững hơn và ít bất đồng hơn”, ông Phạm Tuấn Phan, Giám đốc điều hành Ban Thư ký MRC nói.

* Trong một diễn tiến liên quan, từ bài học vỡ đập thủy điện XePian XeNamnoy, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam một lần nữa đã kiến nghị chính phủ các nước tại lưu vực Mekong và các nhà đầu tư thủy điện cần tham vấn ý kiến của người dân, các nhà khoa học, tổ chức xã hội trong việc đánh giá tác động môi trường - xã hội của các dự án thủy điện. Đồng thời việc này cần được tổ chức nghiêm túc và có giám sát độc lập. 

Đồng thời, Chính phủ các nước khu vực Mekong cần hợp tác chặt chẽ và thúc đẩy hơn nữa trong việc chia sẻ nguồn lợi thai thác từ sông Mekong. Cụ thể, cần có đánh giá đầy đủ các tác động tổng thể, tích lũy của các dự án thủy điện trên dòng chính thay vì thực hiện theo từng dự án thủy điện riêng rẽ như hiện nay. Điều này sẽ giúp chính phủ và người dân của các nước tại lưu vực Mekong đều bình đẳng trong sử dụng tài nguyên nước, năng lượng an toàn và tiến tới phát triển một khu vực Mê Công văn minh và thịnh vượng.

VRN kêu gọi các tổ chức tài chính, nhà đầu tư, thi công các công trình thủy điện cần minh bạch các thỏa thuận đầu tư và chuyển nhượng nhằm đảm bảo trách nhiệm xã hội khi đầu tư vào các dự án tại tại khu vực Mekong.

Lê Quỳnh

 

 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.