Điều gì đã thuyết phục ông nhận làm cố vấn của dự án đặc biệt này?
Khi được mời làm cố vấn cho dự án, tôi nhận lời ngay mà không hề băn khoăn suy nghĩ bởi nhiều lẽ.
Thứ nhất, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, theo tôi, là một vị thủ tướng đặc biệt. Ở ông, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng toát lên một năng lượng tích cực, một sức hút, dám nghĩ dám làm, quyết liệt trong hành động, đã làm là đến nơi đến chốn. Với mỗi người mà ông gặp, ông thực sự khơi gợi niềm cảm hứng, sự khao khát cống hiến cho quê hương, đất nước. Bản thân tôi cũng rất tò mò, muốn khám phá vì đâu mà ông lại có một năng lượng tuyệt vời như vậy.
![]() |
PSG-TS. Nguyễn Văn Huy. |
Thứ hai, Thủ tướng là người có mối quan tâm lớn đến văn hóa. Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (nơi tôi làm giám đốc từ ngày đầu thành lập) đã mang ơn rất lớn của Thủ tướng vì đã 5 lần ông tháo gỡ khó khăn, tạo nên 5 bước ngoặt lớn cho Bảo tàng. Không có ông thì khó có được một Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam như hôm nay.
Thứ ba, mặc dù bị sức ép về thời gian (phải hoàn thành trưng bày trong 11 tháng với khối lượng công việc khổng lồ) nhưng Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long, Bảo tàng Vĩnh Long, các cán bộ khu tưởng niệm và đặc biệt là gia đình cố Thủ tướng thể hiện tâm huyết và quyết tâm thực hiện một cách trưng bày mới, với những cách tiếp cận không theo lối mòn. Điều đó giúp tôi cùng nhóm nghiên cứu nội dung và thiết kế trưng bày có thể sáng tạo trong cách kể chuyện mới.
Và một điều nữa mà tôi muốn đồng hành cùng dự án này đó là tôi được làm việc cùng một ê kíp làm việc bài bản, khoa học và luôn luôn muốn sáng tạo.
Truyền thông gọi ông là người tạo ra cuộc “cách mạng” về trưng bày bảo tàng ở Việt Nam. Vậy khi làm cố vấn cho dự án này, hẳn ông sẽ có những điều đặc biệt để “dụng võ”?
Tôi chỉ là người đam mê bảo tàng, luôn muốn bảo tàng có chất lượng cao nhất để hấp dẫn khách nhiều nhất, tức là để phát huy tốt nhất một thiết chế văn hóa bảo tàng cho đúng tầm của nó. Điều đặc biệt của dự án này là nhóm tư vấn chúng tôi tin rằng điều nên làm là biểu đạt một cách trung thực và sống động tấm lòng chân thành của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - ông Sáu Dân, với tình yêu quê hương và con người - những con người bình thường - dân - như ông thường nói.
“Tôi nghiệm thấy, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc sinh thời không những có tầm nhìn xa, mà là còn là một người rất thực tiễn, gần gũi, sâu sát mọi việc. Một đơn vị nhỏ như Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (Bảo tàng) mà đã có tới năm lần ông quan tâm trực tiếp. Mỗi lần ông đều tháo gỡ những khó khăn, tạo ra một bước ngoặt lớn cho Bảo tàng. Với một Bảo tàng mà như thế, vị Thủ tướng được dân quý mến này còn phải quan tâm và chỉ đạo hàng vạn, hàng triệu công việc lớn nhỏ khác của đất nước suốt bao nhiêu năm. Thật cảm phục ông biết nhường nào!”
PGS-TS. Nguyễn Văn Huy
Mọi người có thể cảm nhận được ông từ những gì thiết tha, ấm áp đọng lại, với lòng mong mỏi sẽ chạm tới gần hơn thần thái của ông, ước mơ của ông. Chính vì lẽ đó mà tên của phần trưng bày được thảo luận kỹ càng để cuối cùng mang một cái tên dung dị, gần gũi: “Vườn ông Sáu Dân” với thông điệp “Sáu Dân - nhà cách mạng, nhà lãnh đạo mang cốt cách Nam bộ suốt đời vì dân, vì nước, có tầm nhìn xa trông rộng, bản lĩnh kiên cường, đổi mới, sáng tạo”.
Ngay từ đầu khi lắng nghe những yêu cầu, mong muốn của các bên liên quan và gia đình, nhóm tư vấn đã xác định hướng tiếp cận rất phù hợp - nhân học bảo tàng.
Theo đó: (1) nội dung trưng bày lấy con người là trung tâm, quan tâm đến những câu chuyện và dòng chảy tư duy và hành động; thể hiện đa giọng nói; thể hiện ý kiến, cảm xúc của nhiều đối tượng khác nhau, ở nhiều vị trí xã hội khác nhau tạo sự đa dạng và chiều sâu cho trưng bày; (2) coi trọng những câu chuyện ẩn sâu trong từng hiện vật và tạo ra sự kết nối nhiều chiều về nhân vật được trưng bày.
Định hướng xuyên suốt của nhóm tư vấn là tạo ra một chuỗi cảm xúc tiếp biến bằng tư liệu hình ảnh gốc, bằng các trang báo với những sự kiện ghi dấu ấn của ông Sáu Dân, bằng phương tiện nghe - nhìn, công nghệ tái hiện và bằng nghệ thuật kể chuyện bảo tàng theo cách tiếp cận nhân học. Tức là những con người có tên, có thân phận cụ thể, từng may mắn gặp ông, làm việc cùng ông; đó là những lời của nhân chứng sống.
Thủ tướng Võ Văn Kiệt xem bản vẽ thiết kế tòa Trống Đồng của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam trong chuyến thăm năm 1992. Ảnh: Nguyễn Văn Kự
Toàn bộ trưng bày sẽ là một dòng chảy của ký ức và kỷ niệm, với những câu chuyện đáng nhớ, những điều chưa được biết về một con người thông qua những điều dung dị, nhỏ bé đời thường từ các góc nhìn khác nhau và tâm tưởng của nhiều con người thuộc các thế hệ, thành phần, xuất thân khác nhau: người dân, cộng sự, trí thức, nhà quản lý...
Thủ pháp này vừa thích ứng với không gian vườn và khối kiến trúc hiện hữu, vừa làm cho không gian trưng bày trở nên tự nhiên, giản dị và gần gũi.
Điều gì ở “Vườn ông Sáu Dân” mà ông tâm đắc nhất?
Có ba điều: Một là, sau khi tiếp cận khối tư liệu khổng lồ về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và thảo luận rất nhiều lần, chúng tôi đã tìm ra mạch nguồn chủ đạo của trưng bày này. Đó là: những suy nghĩ, tư duy của cố Thủ tướng về gia đình, quê hương và đất nước, trong đó người dân luôn được ông đặt làm trọng tâm; những quyết sách, hành động của ông để thể hiện những suy tư, suy nghĩ từ mạch nguồn đầu tiên ấy.
Nhà trưng bày “Vườn ông Sáu Dân” tại Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã khánh thành vào ngày 17.11. Đây là công trình do gia đình cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt phối hợp tỉnh Vĩnh Long thực hiện, nhằm mang lại diện mạo mới cho Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: Báo Thanh Niên
Thứ hai, với trưng bày này, tự thân tất cả những giọng nói của người trong cuộc (Thủ tướng, bạn bè, đồng chí, người thân) đã là những lời dẫn tuyệt vời. Chúng tôi hạn chế tối đa sử dụng ngôn ngữ của người thứ ba, có chăng chỉ là một vài câu dẫn dắt để tạo bối cảnh.
Thứ ba, điều làm nên sự đặc biệt cho trưng bày này chính là câu chuyện của những người trong cuộc - là cố Thủ tướng, bạn bè, những cận vệ, cộng sự hay những cán bộ dưới quyền; là người thân của ông… Dù họ đã làm việc với ông từ rất lâu, họ đã xa ông ít nhất là từ khi ông mất, nhưng khi nhắc đến cố Thủ tướng, ký ức và niềm cảm xúc của họ với ông lại ùa về, tươi mới và đầy tự hào.
Đó là chất liệu tuyệt vời cho trưng bày này!
Là người dẫn dắt Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cũng như nhiều bảo tàng khác cùng đổi mới, theo ông cần làm gì để phát huy hiệu quả công năng sử dụng các khu lưu niệm nói chung và Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt nói riêng?
Trưng bày “Vườn ông Sáu Dân” đã đi vào giai đoạn hoàn thiện, dự kiến khai trương vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Thủ tướng (23.11.2022). Tuy nhiên, kinh nghiệm của chúng tôi là khi một bảo tàng/khu lưu niệm nói chung hay một trưng bày nói riêng khai trương cũng chính là lúc phải bắt tay vào một giai đoạn mới - làm sao cho trưng bày tiếp cận được nhiều nhất mọi nhóm công chúng tiềm năng; làm sao mà công chúng khám phá, hiểu được những lớp lang ý nghĩa của trưng bày nhất có thể.
Khu lưu niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ảnh: Báo Lao Động
Có ba mục tiêu mà trưng bày mong muốn hướng tới là: mang lại diện mạo mới cho Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt; tạo sự kết nối và không gian đối thoại về lịch sử, cảm xúc, truyền thống cách mạng, con người, khơi nguồn cảm hứng yêu đời, sống có lý tưởng cho lớp trẻ và cuối cùng là hướng đến kết nối với du lịch, thúc đẩy du lịch (trong và ngoài nước) ở địa phương.
Và điều mà chúng tôi đang nung nấu là làm thế nào để dự án thực sự có một đời sống nhằm phát huy giá trị (văn hóa, chính trị) và mang lại hiệu quả thiết thực về kinh tế cho người dân địa phương - như một cách để noi theo ý tưởng của ông về một bảo tàng nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trung Dũng thực hiện
ThS. Phạm Đam Ca (Trưởng dự án chỉnh trang “Vườn ông Sáu Dân”):
Phá sự cứng nhắc của tính chất biên niên
ông việc cần làm ở đây liên quan đến một nhân vật vẫn còn không ít liên quan đến thời hiện tại. Như vậy thì rất khác so với một nhân vật cổ xưa, mọi điều đã được nhìn nhận cẩn thận, cả về vai trò lịch sử lẫn những yếu tố thuộc về cuộc đời, cũng như các ảnh hưởng lên hậu thế. Việc này càng không dễ (nhưng đồng thời, hết sức hấp dẫn) khi đó là một nhân vật phức tạp.
![]() |
ThS. Phạm Đam Ca tốt nghiệp thạc sĩ về Typography tại Pháp, hiện là giảng viên, chuyên gia thiết kế đồ họa. |
Tôi được gia đình, từ bà Võ Hiếu Dân ủy thác, đề nghị chỉnh trang, làm lại sao cho đẹp hơn và hợp hơn một trưng bày về ông Võ Văn Kiệt nhân dịp 100 năm ngày sinh. Thời gian tổng cộng để thực hiện công việc chỉ trong vòng 11 tháng. Vấn đề là làm thế nào để trong một khuôn viên không lớn lắm, đã định hình về kiến trúc, có một sự trưng bày tưởng niệm vị cố Thủ tướng nổi tiếng, mà người ta vẫn còn lưu giữ nhiều ký ức.
Trong gần một năm, cần phải tìm hiểu, nghiên cứu và khảo sát nhiều điều. Tất nhiên, trước hết là không gian: cần phải xử lý thế nào sao cho khu trưng bày trở nên đúng là một khu trưng bày hơn. Nhiều công đoạn đã được thực hiện, kể cả các việc thuộc về kỹ thuật lẫn những gì liên quan đến hành chính.
Nhưng trong quá trình đó, điều quan trọng mà tôi nhận ra nằm ở chỗ, cần phải nhìn vào điều then chốt là phẩm cách và những thể hiện qua hành động của ông Võ Văn Kiệt khi còn sống, đặc biệt là ý muốn lắng nghe từ mọi phía, và sự hòa đồng vốn dĩ được truyền tụng từ lâu của một nhà lãnh đạo không muốn mình bị tách rời khỏi cuộc sống bình thường.
Nói ngắn gọn, tuy là một nhân vật nổi tiếng đã có quá nhiều thông tin như ta đã biết, nhưng điều quan trọng là phải nhìn vào khía cạnh con người. Tất nhiên, nói thì đơn giản như vậy, thể hiện cái đó như thế nào bằng ngôn ngữ của kiến trúc và sự trưng bày lại là một điều khác hẳn.
“Vườn ông Sáu Dân” trong Khu tưởng niệm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt tại Vĩnh Long. Ảnh: CTV
Xử lý không gian là điều trọng tâm, nhưng tôi cũng thấy, ở đây, yếu tố thời gian có vai trò không hề nhỏ. Một người như ông Võ Văn Kiệt, vẫn còn dính líu rất nhiều đến hiện nay, cho nên sự trưng bày mà tôi hướng đến muốn đảm bảo một sự đầy đủ của quá khứ-hiện tại-tương lai. Điều này có thể được cảm nhận rất rõ đối với những ai tới thăm khu trưng bày.
Cần phải nhìn nhận như vậy thì không gian của khu trưng bày mới có thể thực sự hòa nhập được vào với cảnh quan xung quanh - điều vô cùng quan trọng, vả lại nó cũng tương ứng với sự hòa đồng, gần gũi của ông Võ Văn Kiệt lúc còn sống. Ngắn gọn, tôi nghĩ cần phải đặt được một nhân vật như Võ Văn Kiệt vào giữa các nhân vật cũng như vào giữa vùng đất của chính Võ Văn Kiệt - có lẽ như vậy cũng đồng nghĩa với chuyện, phải làm sao để mọi thứ tự nhiên, tức cái gì cũng ở đúng chỗ của chúng.
Chính vì vậy, tuy sử dụng nhiều hình thức biểu đạt, nhưng tôi luôn luôn tìm cách tập trung vào đặc điểm: “Võ Văn Kiệt ở giữa”, ở giữa môi trường, cảnh vật, nhưng cũng ở giữa những con người. Có lẽ nhờ vậy, một con người mới có thể được nhìn nhận đầy đủ và không sai lệch.
Tất nhiên, trưng bày thì phải đi kèm với các lời kể, lời dẫn, hay thuyết minh, ở đây tôi chú trọng sử dụng lời của những người khác nói về Võ Văn Kiệt, và ở một mức độ nhất định, phá đi tính cách biên niên quá mức cứng nhắc, điều rất có thể ngăn chặn những cái nhìn muốn thực sự thấy được nhiều điều.