Gần 100 doanh nghiệp ở 30 tỉnh, thành trên cả nước vừa tham dự chương trình “Kết nối giao thương Việt Nam” do OBC Việt Nam (Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ Việt Nam) cùng Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước (ITTPC) và một số đơn vị tổ chức.
Tại chương trình, Tổng Giám đốc OBC Việt Nam Ngô Bảo Thái đã chia sẻ bí quyết bán hàng hiệu quả bằng câu hỏi “Tại sao?” để giúp các doanh nghiệp trở nên thành công hơn. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ những suy nghĩ, cảm xúc đầy tích cực và khả quan về chương trình, đồng thời mong rằng các sự kiện tương tự sẽ được tiếp tục tổ chức trong thời gian tới.
Tổng Giám đốc OBC Việt Nam Ngô Bảo Thái chia sẻ bí quyết bán hàng hiệu quả bằng câu hỏi “Tại sao?”.
Chương trình diễn ra với hình thức trực tuyến thông qua bốn vòng Kết nối giao thương (Business Matching) với các mục đích của từng vòng khác nhau. Vòng một và hai: Tìm hiểu tự do; vòng ba: kết nối nhóm ngành nghề và vòng bốn: Face 2 Face dành cho từng đối tác có nhu cầu kết nối trực tiếp.
Thông qua sự kiện lần này, 14 nhu cầu kết nối sản phẩm và dịch vụ đã nảy sinh, tiêu biểu như: Trung tâm Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo Đại học Huế đã kết nối với Nông trại Thiên Nông (H.Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) thông qua ITTPC.
Qua đó, PGS-TS Nguyễn Văn Toản - Trưởng khoa cơ khí và công nghệ, Đại học Nông Lâm - Đại học Huế, sẽ chuyển giao công nghệ điều tiết quá trình chín của quả bơ sau thu hoạch bằng các chế phẩm sinh học cho startup tiêu biểu Đặng Dương Minh Hoàng - chủ Nông trại Thiên Nông nhằm kéo dài thời gian bảo quản quả bơ (tăng từ 5-7 ngày lên 28-32 ngày), tỷ lệ hư hỏng ít hơn 10%.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp Sâm bố chính tại Thừa Thiên - Huế đã ký kết với bốn doanh nghiệp của các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận, TP Đà Lạt và TP.HCM; VCCI Bình Thuận kết nối với các doanh nghiệp các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng và Bà Rịa - Vũng Tàu để tổ chức sự kiện xúc tiến đầu tư cho Ninh Thuận vào tháng 5.2022...
Toàn cảnh chương trình “Kết nối giao thương Việt Nam” dưới hình thức trực tuyến.
Đây là lần thứ hai phiên bản quốc tế Business matching được sử dụng. OBC Việt Nam hy vọng các sự kiện tương tự sẽ diễn ra hai tháng/lần nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ toàn quốc tiếp cận với phương thức giao thương online và hiện đại nhất và không phải bỏ ra chi phí xúc tiến đầu tư.
“OBC mong muốn các doanh nghiệp từng bước phát triển vượt bậc, bền vững và nhanh chóng, tích cực tham gia quá trình hội nhập hóa toàn cầu để đưa đất nước ngày càng vươn xa”, ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch kiêm nhà sáng lập OBC Việt Nam bày tỏ.
Cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ (One Business Connection - OBC) đã chính thức ra mắt tại TP.HCM ngày 9.12.2021 với tầm nhìn là cộng đồng doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam về kết nối giao thương, đào tạo và huấn luyện doanh nghiệp thông qua các chương trình được tổ chức định kỳ hàng tháng, hàng quý.
Việt Nam hiện có khoảng 1,7 triệu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. OBC kỳ vọng sẽ quy tụ được 8.000 doanh nghiệp tham gia OBC trong năm 2022. Và từ năm 2022 đến 2030, dự đoán Việt Nam có khoảng 2,4 triệu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; qua đó, OBC mong sẽ quy tụ được 47.000 thành viên là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Hiện nay, lực lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ Việt Nam chiếm hơn 80% số lượng doanh nghiệp của Việt Nam và tạo nhiều công ăn việc làm nhất nhưng ít có điều kiện tiếp cận và ứng dụng nền tảng tri thức và công cụ tân tiến toàn cầu. Sự ra đời của OBC nhằm thay đổi nền tảng tri thức doanh nghiệp Việt Nam và từng bước đưa họ hội nhập vào nền tri thức doanh nghiệp toàn cầu.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong ba lĩnh vực: quản trị doanh nghiệp, kỹ năng phát triển bản thân và kỹ năng kết nối, OBC đã ký kết với VCI (Việt Nam Coaching Institute), ICF (International Coaching Federation), BCF Group, John C. Maxwell Team và Phi&P.
Tính đến nay, OBC đã bảo trợ cho 31 trường đại học, cao đẳng, các viện cùng trung tâm khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Thắng Trân