1. Virus SARS-CoV-2 xuất hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc) vào cuối năm 2019, gây nên đại dịch trên toàn cầu. Cho đến nay, nó đã lan ra trên khắp thế giới với hơn 20 triệu người mắc bệnh và gần 750.000 người tử vong [1].
Nhiều biện pháp khác nhau đã được ban hành nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus, chẳng hạn như phong tỏa với quy mô lớn, giãn cách xã hội, đeo khẩu trang và rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Mỗi quốc gia đều có những chiến lược cho riêng mình. Nếu như ở các nước có tiềm lực kinh tế mạnh (Mỹ, châu Âu) áp dụng xét nghiệm đại trà trong cộng đồng thì ở một số quốc gia châu Á như Nhật Bản lại tập trung vào việc phát hiện các chùm bệnh mới và xét nghiệm chỉ dừng lại ở những trường hợp có nguy cơ cao [2,3].
Đà Nẵng thực hiện lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 cho người dân. Ảnh: VGP
Tại Việt Nam, quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp, có chung biên giới với Trung Quốc, là một trong những nước bị ảnh hưởng đầu tiên bởi đại dịch với trường hợp mắc bệnh đầu tiên vào ngày 23.1.2020. Đây cũng là trường hợp được báo cáo có sự lây nhiễm đầu tiên bên ngoài Trung Quốc. Mặc dù, hiện tại số ca nhiễm ở Việt Nam đang ngày càng tăng lên với ổ dịch mới tại Đà Nẵng và Quảng Nam nhưng kết quả phòng chống dịch của 100 ngày trước đó cũng nên được cân nhắc là bài học quý giá cho nhiều nước, dù vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về một số biện pháp chống dịch của Việt Nam.
Các kinh nghiệm đã có trong phòng chống dịch, từ SARS năm 2003 đến các dịch bệnh thường gặp như cúm, tay chân miệng, sởi và sốt xuất huyết... đã giúp chúng ta có những phản ứng kịp thời ngay từ giai đoạn đầu của COVID-19. Hệ thống phản ứng có sự phối hợp giữa Bộ Y tế (cụ thể là ban chỉ đạo Quốc gia về COVID-19), Trung tâm Điều hành các trường hợp sức khỏe cộng đồng khẩn cấp tại Viện Vệ sinh dịch tễ quốc gia cùng với mạng lưới Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh và các đơn vị dự phòng tuyến đầu.
Trong 100 ngày (từ 16.4 đến 22.7), con số mắc bệnh chỉ là 270 trường hợp. 60% trong số này là các ca bệnh từ nước ngoài về, và không có lây nhiễm trong cộng đồng. Ngay khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, chính phủ đã yêu cầu gia tăng tầm soát sức khỏe tại các cửa khẩu, truy vết và cách ly các trường hợp nghi nhiễm và có tiếp xúc với người bệnh. Chúng ta đã kiểm soát được sự lây truyền của virus SARS-CoV-2 thông qua hệ thống truyền thông sớm, truy vết tiếp xúc, cách ly nghiêm ngặt và hạn chế di chuyển quốc tế.
Truyền thông được áp dụng thông qua hệ thống gởi tin nhắn SMS đến người dân, thiết lập đường dây nóng, lan truyền video và các hình ảnh trên các phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội, mà điển hình là “Ghen Cô Vy”, bài hát cổ động do Bộ Y tế phát hành. Bản tin về COVID-19 được cập nhật hằng ngày trên sóng truyền hình quốc gia VTV 24 và trên cac website của Bộ Y Tế (ncov.moh.gov.vn and ncov.vncdc.gov.vn). Ngày 18.4, ứng dụng điện thoại “khẩu trang điện tử Bluezone” ra mắt, sử dụng công nghệ định vị Bluetooth năng lượng thấp nhằm xác định, theo dõi và cảnh báo những người có tiếp xúc với F1, F2 khi các ca này được xác nhận dương tính.
Biện pháp cách ly 14 ngày tại các cơ sở của Chính phủ ban đầu được áp dụng với các trường hợp từ vùng dịch trở về, nhưng sau đó áp dụng cho tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam. Tổng cộng có khoảng 200.000 người đã bị cách ly, và đây là điều gây nhiều tranh cãi cho giới chuyên môn khi đến nay, chưa có quốc gia nào lại áp dụng cách ly bắt buộc và tập trung cho tất cả các hành khách nhập cảnh.
Khai báo y tế bắt buộc bắt đầu với tất cả hành khách đến từ Hàn Quốc từ ngày 23.2 và một tháng sau, Chính phủ yêu cầu tất cả người dân trong nước và người nhập cảnh vào Việt Nam phải khai báo và cập nhật tình trạng sức khỏe qua thông qua ứng dụng nCOVI và webstite tokhaiyte.vn của Bộ Y Tế.
Với sự xuất hiện của ca bệnh mới tại Hà Nội (bệnh nhân nữ, về Việt Nam sau khi du lịch ở Anh và Italia) sau 30 ngày dịch được kiểm soát, lệnh phong tỏa toàn quốc được ban bố từ ngày 1.4 đến 22.4. Các cơ quan chức năng nhanh chóng xác định danh tính, truy vết tất cả các hành khác và phi hành đoàn trên chuyến bay, tiến hành cách ly bắt buộc với bất kỳ ai có tiếp xúc đến người này.
Tất cả trường học, các địa điểm giải trí (nhà hàng, tiệm cắt tóc, bảo tàng, rạp phim…), ngoại trừ các cửa hàng thiết yếu, bị đóng cửa. Biện pháp giãn cách xã hội bắt buộc áp dụng: tránh tụ tập trên hai người, các phương tiện vận chuyển công cộng, dịch vụ taxi bị tạm dừng, khuyến khích ở nhà và đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng.
Mẫu xét nghiệm COVID-19 ở Đà Nẵng. Ảnh: Bộ Y tế
2. Các biện pháp trên đã giúp Việt Nam đứng vững với đại dịch trong suốt 100 ngày qua. Tuy nhiên, vẫn có những kẽ hở đã tạo cơ hội cho các đợt bùng phát mới, một trong số đó là chưa có một hệ thống phản ứng nếu COVID-19 lọt ra khỏi truy vết tiếp xúc hoặc nhập cảnh trái phép. Điều này đã dẫn đến ổ dịch mới tại Đà Nẵng, các bằng chứng cho thấy các bệnh nhân ban đầu không hề có nguồn gốc. Thậm chí, hai trường hợp gần đây càng đáng lo hơn khi họ không hề liên quan đến ổ dịch tại ba bệnh viện như bệnh nhân 589 và bệnh nhân người Nhật ở công ty Đà Lạt [4].
Giả sử rằng, nếu bệnh nhân này không về Nhật để tình cờ phát hiện thì rõ ràng có một ổ dịch mới lây lan trong cộng đồng không hề có yếu tố liên quan đến Đà Nẵng. Chúng ta cũng không chắc chắn được, liệu có bao nhiêu trường hợp như bệnh nhân người Nhật này, nếu có, thì chỉ với một trường hợp thôi cũng có thể làm cho cả hệ thống y tế phải khốn đốn. Ngoài ra, chúng ta cũng chưa hề có tiêu chuẩn xét nghiệm virus SARS-CoV-2 nào cho các đối tượng có nguy cơ cao, như đợt này, các bệnh nhân đầu tiên mắc bệnh không hề có yếu tố dịch tễ, viêm phổi cả tuần, thậm chí cả tháng vẫn chưa làm xét nghiệm COVID-19.
Hoặc một ví dụ nữa là New Zealand, một trong số ít quốc gia có mô hình phòng chống COVID-19 hiệu quả. Giống với Việt Nam, cũng sau 102 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, thì trong tuần này, họ đã phát hiện ra các 04 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 không rõ nguồn gốc [5]. Các cơ quan và chuyên gia y tế ở nước này đang nỗ lực điều tra nguyên nhân, điều đầu tiên họ nghi ngờ đó là sự lơi lỏng tại các cửa khẩu và sự xuất hiện của virus ở hàng nhập khẩu đông lạnh. Nhiều chuyên gia đã đặt ra giả thuyết có thể virus đã lưu hành mà không bị phát hiện trong suốt 100 ngày qua tại New Zealand.
Ở Việt Nam, hiện tại phương pháp truy vết, chúng ta đã làm rất tốt nhưng điểm yếu là vẫn chỉ tập trung vào yếu tố dịch tễ hay chùm ổ dịch có liên quan tới yếu tố dịch tễ. Cụ thể, theo “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng vi rút Corona mới (SARS-Cov-2)” của Bộ Y tế, yêu cầu xét nghiệm tất cả các trường hợp bệnh nghi ngờ, bao gồm người bệnh có sốt và/hoặc viêm đường hô hấp cấp tính không lý giải được bằng các nguyên nhân khác. Hoặc yêu cầu xét nghiệm người bệnh có bất kỳ triệu chứng hô hấp nào và có tiền sử đến/qua/ở/về từ vùng dịch tễ có bệnh COVID-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng, hoặc tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nghi ngờ, hoặc xác định COVID-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng.
Các điều kiện này hầu như chỉ tập trung xét nghiệm các trường hợp có yếu tố dịch tễ (đến từ vùng dịch hoặc tiếp xúc gần), dẫn đến bỏ sót các đối tượng có yếu tố nguy cơ cao khác. Thậm chí, việc xét nghiệm cho các đối tượng có sốt hay viêm đường hô hấp cấp tính cũng còn nhiều chỉ hướng đến các trường hợp có biểu hiện lâm sàng, nếu vậy, chúng ta có thể bỏ sót các ca bệnh không triệu chứng, nhưng lại có biển hiện trên hình ảnh. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa có các biện pháp xử lý đối với các tình huống nhiễm bệnh nhưng không có yếu tố dịch tễ.
Biện pháp cách ly 14 ngày tại các cơ sở của Chính phủ ban đầu được áp dụng với các trường hợp từ vùng dịch trở về, nhưng sau đó áp dụng cho tất cả những người nhập cảnh vào Việt Nam. Ảnh tư liệu
3. Vậy làm sao để phát hiện các ổ dịch mới khi không có bất kỳ thông tin liên hệ nào với các ca bệnh trước đó? Ổ dịch sớm (cluster) ở đây được xác định là một chùm các ca bệnh, chứ không phải 1, 2 ca riêng lẻ. Để thực hiện điều này, chúng tôi đề xuất một số phương pháp dựa theo các biện pháp phòng dịch của các nước.
Thứ nhất, bổ sung và triển khai điều luật làm xét nghiệm cho tất cả các đối tượng sau:
(1) Bệnh nhân có biểu hiện viêm phổi trên X-quang hay CT (nặng hay nhẹ mà không thể giải thích được với các nguyên nhân khác).
Nếu điều này được thực hiện trước đó thì ổ dịch tại Đà Nẵng đã được phát hiện sớm hơn ít nhất 2-3 tuần.
(2) Bệnh nhân cảm cúm, sốt trên 4 ngày. Kèm theo test nhanh sốt xuất huyết âm tính.
Điều này dựa trên kinh nghiệm từ Nhật Bản cho thấy khá hiệu quả, vì số người cảm cúm < 4 ngày rất nhiều. Trong khi, COVID-19 không có thuốc đặc trị nên sốt hơn 4 ngày là triệu chứng rất hay gặp.
(3) Bệnh nhân cảm cúm, sốt hai ngày và có một trong các tiêu chuẩn sau: có bệnh lý nền, hay > 60 tuổi, có đau rát họng hay mất khứu giác, khó thở, nhân viên y tế, nhân viên chế biến thực phẩm đông lạnh, nhân viên tại sân bay, tài xế taxi, xe bus, hướng dẫn du lịch hay những ngành nghề tiếp xúc với nhiều người, người ở trong các viện/nhà dưỡng lão.
Lý do là các ổ dịch thường xuyên ở những nơi này. Và bài học từ các nước là ổ dịch tập trung ở các chợ hải sản như Trung Quốc, meat plant (nơi chế biến thực phẩm đông lạnh) như Mỹ, Úc, Anh hay Bệnh viện Bạch Mai, bệnh viện Đà Nẵng là những nơi có môi trường lạnh.
Hiện tại, ở Việt Nam có khá nhiều nơi "nghỉ dưỡng cho người già" như ở huyện Củ Chi, TP.HCM. Theo số liệu từ nhiều nước, ổ dịch ở các nơi này rất nhiều và rất nặng nề, đóng vai trò lớn dẫn đến tỷ lệ tử vong cao. Vì vậy, Bộ Y tế nên ra quy định thực hiện nghiêm ngặt, cách ly và hạn chế người thăm đối với viện/nhà dưỡng lão cho người già.
Thứ hai, tiến hành phân tích tìm địa điểm lây lan: Phương pháp của chúng tôi là bổ sung câu hỏi báo cáo địa điểm trong khai báo y tế. Câu hỏi này bao gồm những nơi mà họ đã tham dự hoặc tiếp xúc nhiều trong 10 ngày qua và chỉ dành cho những ai có biểu hiện ho và sốt.
Dữ liệu địa điểm sau đó được tổng hợp theo một dạng chung và được phân tích theo giờ, ngày hoặc tuần tùy theo yêu cầu thực tế. Bằng việc sử dụng phân tích mạng lưới xã hội SNA (social network analysis) đơn giản bằng phần mềm UCINET hoặc Gephi, chúng ta có thể phát hiện ra những khu vực nghi ngờ mà không cần đến yếu tố dịch tễ nếu chúng được một số lượng lớn người có triệu chứng báo cáo.
Dưới đây là hình ảnh minh họa cho phương pháp này:
Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 (COVID-19) của Bộ Y tế, các trường hợp bệnh nghi ngờ, cần làm xét nghiệm khẳng định căn nguyên, cho dù đã xác định được tác nhân gây bệnh thông thường khác [6].
Trường hợp bệnh nghi ngờ gồm có:
A. Người bệnh có sốt và/hoặc viêm đường hô hấp cấp tính VÀ không lý giải được bằng các căn nguyên khác VÀ/HOẶC có tiền sử đến/qua/ở/về từ vùng dịch tễ có bệnh COVID-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng.
Hoặc:
B. Người bệnh có bất kỳ triệu chứng hô hấp nào VÀ tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định COVID-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng.
Hà Xuân Nam - BS. Lê Vân Trường - PGS. Nguyễn Tiến Huy (Nhóm nghiên cứu Online Research Club (ORC)-Đại học Nagasaki, Nhật Bản)
___________
[1]Globally, as of 3:41pm CEST, 13 August 2020, there have been 20.439.814 confirmed cases of COVID-19, including 744.385 deaths, reported to WHO.
[2]https://www.mhlw.go.jp/stf/seisakunitsuite/bunya/newpage_00032.html?fbclid=IwAR2zSZudO_UkZo90OBNl6gXofCs8oHSHyujJPIAzgUtYu2UFja6Lu__kAAw
[3]https://www.japantimes.co.jp/opinion/2020/06/28/commentary/japan-commentary/japans-pragmatic-approach-covid-19-testing/#.XzVdiR83tPY
[4]https://thanhnien.vn/thoi-su/tphcm-them-1-benh-nhan-nhiem-covid-19-khong-co-trieu-chung-1259651.html
[5]https://www.sciencemag.org/news/2020/08/new-zealand-suspects-some-failure-border-after-covid-19-returns?utm_campaign=SciMag&utm_source=JHubbard&utm_medium=Facebook
[6]https://kcb.vn/huong-dan-chan-doan-va-dieu-tri-viem-duong-ho-hap-cap-do-sar-cov-2-covid-19-phien-ban-lan-thu-3.html